Có thể 'ngủ đông' nhưng không thể lười biếng

(PLVN) - Mặc dù hiện tại ngành Du lịch chưa có bất cứ điều chỉnh kế hoạch nào cho các mục tiêu năm 2020, nhiều chuyên gia dự đoán các DN du lịch cần tận dụng tốt thời gian “ngủ đông” này để bồi dưỡng năng lực du lịch và chuẩn bị sẵn sàng cho các nhu cầu bị dồn nén vào thời điểm dịch bệnh kết thúc.
Nhiều cơ sở du lịch “ngủ đông” vì dịch bệnh
Nhiều cơ sở du lịch “ngủ đông” vì dịch bệnh

“Ngủ đông” hiệu quả

Nhiều DN du lịch Việt đang trong tình trạng “đóng băng”, tuy nhiên với nhiều DN, đây là thời điểm họ thể hiện được tư duy du lịch với những phương án hiệu quả, chú trọng vào bồi dưỡng năng lực du lịch. Thời gian nghỉ dịch dài, nhiều công ty cũng tranh thủ thời gian để thực hiện bảo trì, duy tu các công trình du lịch.

Vinpearl, thành viên của Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) thông báo đóng cửa tạm thời một số khách sạn tại Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc để duy tu, bảo trì trong giai đoạn thấp điểm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Một vài công viên, cáp treo thuộc hệ thống Tập đoàn Sun Group đã đóng cửa bảo trì hoặc giảm giờ chạy như công viên châu Á - Sun World Danang Wonders của Sun Group tại Đà Nẵng đóng cửa từ ngày 17/2 để bảo trì, cải tạo cảnh quan. Đơn vị hứa hẹn sẽ trở lại vào ngày 30/4 với một diện mạo hoàn toàn mới đón cao điểm mùa du lịch hè 2020.

Nhiều DN cũng dành thời gian để tập trung hơn cho việc đào tạo nguồn nhân lực. Không ít DN thì chủ động tổ chức các buổi họp trực tuyến, phổ biến đến nhân viên những định hướng cụ thể, đồng thời bồi dưỡng, trau dồi thêm năng lực cho nhân viên, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên và nhân viên trong các cơ sở du lịch.

Cùng với đó, nhiều DN tại nước ta cũng dành thời gian nhiều hơn cho việc liên kết với nhiều trường đại học, cao đẳng du lịch, thông qua các lớp học trực tuyến để truyền đạt những kinh nghiệm kiến thức, bồi dưỡng năng lực cho nguồn nhân lực tương lai. 

Đối với các cơ sở du lịch hiện nay, hai nhiệm vụ trước mắt cần thực hiện là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân viên, cán bộ ngành du lịch và thực hiện duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Việc tăng cường kiến thức du lịch, nhìn nhận lại những hoạt động trong thời gian qua và tập trung nâng cao chất lượng phục vụ được xem là cách để thời gian “ngủ đông” của DN du lịch không bị trôi qua một cách lãng phí. 

Song hành với việc đào tạo nguồn nhân lực, các doanh nghiệp du lịch cũng tập trung vào định hướng phát triển các sản phẩm mới, tìm kiếm những thị trường mới trong kế hoạch dài hơi. Những kế hoạch này được lồng ghép trong các buổi bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên để toàn thể nhân viên có thể định hướng được những bước tiếp theo trong hoạt động của công ty, không để bị động trước tác động của dịch Covid-19.

Các lớp bồi dưỡng nhân lực tại nước ta sẽ tập trung vào các nội dung khai thác các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mỹ, Canada, Dubai, Ấn Độ,... Các công ty lữ hành Việt cũng thực hiện liên kết với chi nhánh tại các quốc gia này để chia sẻ những thông tin đặc biệt khi tổ chức tour, khi tư vấn khách hàng, chia sẻ các điểm đến, định hướng các sản phẩm mới trong thị trường.

Sẵn sàng cho nhu cầu du dịch dồn nén sau dịch

Trong cuộc khủng hoảng lần này, nhiều DN vẫn đang chứng tỏ khả năng của mình khi vẫn có thể trụ vững nhờ các biện pháp chủ động ứng phó trước dịch bệnh. Những DN này tuy vẫn phải chịu tổn thất chung do các hoạt động buộc phải tạm dừng, nhưng DN cũng không quá bi quan trước khủng hoảng mà linh hoạt ứng phó với từng tình huống cụ thể do có kinh nghiệm từ nhiều năm trước đó.

Theo các DN du lịch, dịch Covid-19 không chỉ thổi bay doanh thu của ngành du lịch mà sẽ “vẽ lại” thị trường sau dịch. Các mối quan hệ đối tác, cách thức phát triển thị trường lẫn sản phẩm sẽ phải thực hiện khác đi để thích ứng với điều kiện mới. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, sau thời điểm dịch bệnh kết thúc, ngành du lịch nói chung và các cơ sở kinh doanh du lịch nói riêng sẽ cần chuẩn bị cho những nhu cầu du lịch dồn nén. Sau thời gian nghỉ dịch kéo dài, có thể nhu cầu du lịch sẽ bùng nổ mạnh mẽ, lượng khách du lịch tăng lên mạnh và các cơ sở du lịch sẽ có nguy cơ quá tải do tâm lý người dân có xu hướng muốn đi du lịch sau thời gian “thắt lưng buộc bụng”. Vì vậy, các cơ sở du lịch cần chuẩn bị sẵn sàng. 

Bà Bùi Viết Thủy Tiên - Giám đốc điều hành Công ty Asian Trails cho biết, từ đây đến hết tháng 4/2020, DN không còn khách, đây là tình cảnh chung của các nhiều công ty lữ hành hiện nay. Trong bối cảnh này, việc DN trong chuỗi cung ứng của ngành du lịch ngồi lại cùng tìm ra phương án, chia sẻ thiệt hại sẽ giúp DN có nguồn lực vực lại sau dịch.

Mặt khác, nhiều chuyên gia lại cho rằng, thời điểm sau khi dịch bệnh kết thúc, thị trường sẽ cần khoảng thời gian để có thể phục hồi lại chức năng cũng như có thời gian để tích lũy cho nhu cầu du lịch. Vì vậy, để kích thích đẩy nhanh phát triển du lịch sau khi dịch kết thúc, các doanh nghiệp nên chuẩn bị tốt hơn với những gói du lịch giảm giá, tour giảm giá, thực hiện trở lại những định hướng cũng như kế hoạch du lịch đặt ra trước đó.

Đồng thời, để hạn chế tâm lý lo ngại của người dân sau đại dịch, các cơ sở du lịch cũng phải đảm bảo tốt nhất các quy chuẩn về điều kiện an toàn cho du khách, đảm bảo điểm đến an toàn với chất lượng phục vụ tốt nhất cho du khách. 

Ông Nguyễn Ngọc Toản - Giám đốc Công ty Images Travel cho biết, du lịch đã trở thành một nhu cầu gần như thiết yếu với nhiều người. Đại dịch Covid-19 làm nhu cầu này bị nén lại sẽ bùng lên nhanh chóng khi hết dịch, hàng không vận hành trở lại, các biên giới mở cửa.

“Có thể sau dịch nguồn tiền sẽ ít hơn nên du khách sẽ tiết kiệm hơn, chi tiêu ít hơn, đòi hỏi doanh nghiệp cần chuẩn bị các sản phẩm thích hợp để đáp ứng, tuy nhiên thị trường sẽ phục hồi”, ông nói.

Chuẩn bị điều kiện cho sự phục hồi du lịch

Nghiên cứu mới đây của Savills Việt Nam cho rằng dù là ngành dễ bị ảnh hưởng nhất bởi sự bất ổn kinh tế - xã hội nhưng qua các cuộc khủng hoảng như khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, đại dịch SARS 2003... cho thấy ngành du lịch luôn phục hồi mạnh mẽ chỉ trong khoảng 6 tháng. Bởi vậy, chuẩn bị điều kiện cho sự phục hồi du lịch ngay sau khi dịch kết thúc là điều rất cần thiết. 

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ khi chấm dứt dịch bệnh, nhu cầu du lịch trong người dân sau thời gian bị dồn nén sẽ “bùng nổ” trở lại, giống như quy luật của lò xo.

Người người, nhà nhà sẽ xách vali lên đường du lịch, đông hơn, dài ngày hơn. Nhu cầu về du lịch, ẩm thực, mua sắm… sẽ tăng lên chóng mặt để bù lại những ngày “buộc bụng” vừa qua. Đó chẳng phải là cơ hội rất tốt cho ngành du lịch hay sao? 

Vì thế, chúng ta nên tranh thủ giai đoạn trầm lắng vì dịch bệnh hiện nay để cải tổ mạnh mẽ những bất cập của ngành, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch, xây dựng thêm các sản phẩm mới chất lượng… vì bản thân ngành du lịch luôn đòi hỏi phải đổi mới sáng tạo, liên tục xây dựng sản phẩm mới. Nếu chuẩn bị tốt từ giai đoạn này chúng ta vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt về cả lượng khách lẫn lợi nhuận”.

Đọc thêm