Giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8% lên hơn 2.204 đồng/kWh từ ngày 10/5

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiều 9/5/2025, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức cuộc trao đổi thông tin liên quan đến công tác điều hành đảm bảo cung ứng điện.
Ông Võ Quang Lâm trao đổi về tác động của giá điện đến chỉ số CPI.
Ông Võ Quang Lâm trao đổi về tác động của giá điện đến chỉ số CPI.

Tại cuộc trao đổi, Trưởng ban kinh doanh EVN - ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết, ngày 7/5/2025, EVN đã có quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân lên 2.204,0655 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) kể từ ngày 10/5/2025.

Ngay sau đó, ngày 9/5/2025, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định quy định về giá bán lẻ điện cho các đối tượng mua điện khác nhau. Trong đó, theo Quyết định 1279 /QĐ-BCT của Bộ Công Thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt được áp dụng như sau: bậc 1, từ kWh từ 0-50 lên 1.984 đồng/kWh; bậc 2 từ kWh 51-100 lên 2.050 đồng/kWh; Bậc 3 từ kWh 101-200 lên 2.380 đồng/kWh; bậc 4 lên 2.998 đồng/kWh cho lượng điện sử dụng từ 201-300; Bậc 5 lên 3.350 đồng/kWh đối với sản lượng sử dụng từ số 301-400 và bậc 6 lên đến 3.460 đồng/kWh cho số điện sử dụng từ 401 kWh trở lên.

Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN thông tin, việc điều chỉnh giá điện có tác động nhất định đến việc tăng chỉ số CPI. Tuy nhiên, EVN đã phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê (Bộ Tài chính) để nắm diễn biến đầu vào và việc điều chỉnh giá điện lần này tác động 0,09% đến chỉ số CPI.

Ông Lâm khẳng định, việc điều chỉnh giá điện được thực hiện theo các quyết định pháp lý hiện hành, như phương pháp tính giá điện, nguồn chi phí đầu vào được EVN cập nhập thường xuyên.

Đáng chú ý, ông Lâm cho biết, với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% thì lượng điện tăng trưởng điện năm 2025 sẽ khoảng 12%, tương ứng với khoảng 33,6 tỷ kWh. Sản lượng điện tăng trưởng này chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn điện có giá thành cao. Nguyên nhân là do tỷ trọng thủy điện liên tục giảm, dự kiến năm 2025 có thể giảm khoảng 7 tỷ kWh nên sẽ phải huy động ở nguồn điện có giá thành cao hơn như điện khí, than và dầu. Và nguồn điện than sẽ phải huy động nhiều ở các nhà máy dùng than nhập khẩu ở phía Nam, trong khi đó, giá than nhập khẩu đã tăng do địa chính trị thế giới nên chi phí nhập khẩu tiếp tục tăng.

EVN cũng thường xuyên rà soát để báo cáo cơ quan có thẩm quyền về điều chỉnh giá điện, căn cứ vào các quy định hiện và mức độ chi trả của người dân để đảm bảo sự cạnh tranh cho nền kinh tế cũng như an sinh xã hội. Sau khi có các đánh giá kỹ lưỡng nên đã đưa ra mức tăng 4,8% - là mức phù hợp.

Đọc thêm