Chỉ có thể là lỗi của cơ sở y tế
Thưa Luật sư, thời gian qua, nhiều gia đình tại các tỉnh, thành trên cả nước (Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Phước), sau một thời gian nuôi dưỡng con mới phát hiện con mình nuôi dưỡng bấy lâu nay không phải là con đẻ (do các nhân viên y tế trao nhầm con khi họ sinh tại bệnh viện). Vậy trách nhiệm của kíp trực tại thời điểm đó cũng như bệnh viện được đặt ra như thế nào?
- Việc trao nhầm con có hậu quả đặc biệt lớn nếu việc phát hiện và khắc phục muộn. Có thể kể ra những hậu quả như: Bố, mẹ và con không được yêu thương chăm sóc nhau từ khi mới chào đời; ảnh hưởng quan hệ bố mẹ và họ hàng, không thể hoà nhập khi được nhận về ở với cha mẹ đẻ, không được hưởng thừa kế, tổn thương tinh thần của đứa trẻ cũng như cha mẹ; các chi phí phát sinh khi tìm kiếm, truy nhận con và hàng trăm hậu quả xấu khác có thể xảy ra trong tương lai đối với các bên. Một trong những hậu quả nghiêm trọng là trao nhầm trẻ ở trường hợp mẹ hoặc trẻ mắc bệnh hoặc nhiễm bệnh truyền nhiễm, ví dụ HIV, viêm gan…
Trong trường hợp trao nhầm con thì lỗi và trách nhiệm thuộc về ai? Đương nhiên chúng ta cần loại trừ khả năng lỗi của bố mẹ, bởi không bố mẹ nào lại muốn từ bỏ con đẻ của mình để nhận nuôi dưỡng con người khác. Như vậy, chỉ có thể là lỗi, trách nhiệm thuộc cơ sở y tế nơi người mẹ sinh đẻ.
Điều 37 Luật Khám bệnh, chữa bệnh cùng các văn bản pháp luật khác do Bộ Y tế ban hành hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sinh sản có yêu cầu bác sỹ, y tá, nhân viên y tế phải thực hiện đúng quy định chuyên muôn kỹ thuật, quy trình khi khám chữa bệnh, trong đó có hoạt động chăm sóc sinh sản. Dựa trên qui định chung của pháp luật và của Bộ Y tế, các bệnh viện đều xây dựng và bắt buộc nhân viên tuân thủ quy trình chăm sóc, tránh nhầm lẫn khi giao trẻ sau sinh.
Như vậy, các trường hợp trao nhầm trẻ sơ sinh đa phần đều do lỗi của nhân viên y tế khi không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình được hướng dẫn. Và nếu có sự nhầm lẫn xảy ra thì tuỳ theo mức độ hành vi, hậu quả và phạm vi trách nhiệm để cơ quan chức năng xem xét xử lý. Có thể xử lý kỷ luật cán bộ công chức, phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại.
Cụ thể, hành vi trao nhầm trẻ sơ sinh của nhân viên y tế (thành viên trong kíp trực) có thể bị xử phạt hành chính đến 40 triệu đồng theo quy định tại Điều 30 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Do bệnh viện là cơ quan chủ quản của các nhân viên y tế có hành vi vi phạm, vì vậy gia đình có con bị trao nhầm có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại theo các điều 604, 605, 611, 618 Bộ luật Dân sự 2005.
Ngoài trách nhiệm hành chính và dân sự, trong trường hợp vì việc trao nhầm con mà gây ra hậu quả nghiêm trọng (như người chồng, người vợ, người con do mâu thuẫn trầm trọng nên tự tử…) thì có thể xử lý hình sự được không, thưa Luật sư?
Theo tôi, tuỳ tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi, hậu quả, lỗi hay ý thức chủ quan của người có hành vi mà cơ quan chức năng sẽ điều tra, xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể ở phần lỗi:
Nếu chỉ là lỗi vô ý (không cố ý “trao nhầm”) thì nhân viên y tế vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
Nếu nhân viên y tế có lỗi cố ý trong việc “trao nhầm” trẻ em thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 120 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em.
Luật sư Nguyễn Mạnh Thuật, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á. |
Nan giải khắc phục hậu quả
Có ý kiến cho rằng, sự cố trao nhầm con cũng được coi là “tai biến trong khám chữa bệnh”. Ý kiến của Luật sư như thế nào?
- Theo quy định tại khoản 13 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì: “Tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh là hậu quả gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh hoặc rủi ro xảy ra ngoài ý muốn trong khám bệnh, chữa bệnh mặc dù người hành nghề đã tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật”.
Nghề y là một nghề đòi hỏi tính chính xác cao, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi những sơ suất. Chỉ có thể coi thuộc trường hợp trên nếu những người hành nghề dù đã cố gắng tuân thủ đầy đủ các quy trình, quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vì lý do nào đó xảy ra sai sót dẫn đến trao nhầm trẻ (không cố ý) thì hành vi của nhân viên y tế đó cũng có thể được xác định là tai biến trong khám chữa bệnh.
Thưa Luật sư, trong trường hợp trao nhầm con, biện pháp khắc phục hậu quả sẽ giải quyết ra sao? Trường hợp một trong hai gia đình bị trao nhầm con cương quyết không thực hiện giám định ADN cho con và không trao con (bị trao nhầm) cho gia đình khác (là cha mẹ ruột của đứa trẻ) thì xử lý như thế nào? Mối quan hệ cũng như quyền lợi, nghĩa vụ của những đứa trẻ bị trao nhầm với cha mẹ (bị nhận nhầm) hiện nay được pháp luật điều chỉnh ra sao?
- Căn cứ Điều 2, Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 30 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh thì đơn vị y tế ngoài việc có thể bị xử phạt vi phạm hành chính còn có trách nhiệm khắc phục hậu quả. Như trong trường hợp trao nhầm trẻ, bệnh viện phải xác minh làm rõ sự thật khách quan, nguyên nhân, hậu quả và đề ra biện pháp khắc phục hậu quả.
Cụ thể, phải rà soát hồ sơ, xét nghiệm AND, gặp trao đổi với gia đình các bên, cấp giấy tờ liên quan hoặc giấy chứng sinh và/hoặc chủ động liên hệ UBND, cơ quan Công an hỗ trợ cải chính khai sinh, hộ tịch cho cháu bé theo Nghị định số 123/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
Trường hợp một trong hai bên không chấp nhận đổi con thì bên còn lại có quyền thu thập tài liệu chứng cứ, khởi kiện ra toà án yêu cầu xác định cha mẹ cho con. Khi có bản án, quyết định có hiệu lực của toà án thì quyền lợi của đứa trẻ sẽ được đảm bảo.
Tuy nhiên, tình huống đứa trẻ không phải con đẻ nhưng được nuôi dưỡng nhiều năm có quyền lợi, nghĩa vụ như thế nào đối với cha mẹ “hờ” thì pháp luật còn bỏ ngỏ, bởi không phải con đẻ, cũng không phải con nuôi (vì không được nhận và nuôi theo đúng thủ tục quy định tại Luật Nuôi con nuôi). Nếu không coi là con nuôi thì thiệt thòi cho đứa trẻ và người nuôi vì có thể họ đã nuôi dưỡng đến khi đứa trẻ trưởng thành, giữa họ không có huyết thống nhưng vẫn có thể có tình cảm gia đình, mà cha ông ta có câu “công dưỡng dục hơn công sinh thành”. Tình huống này cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.
Xin cảm ơn Luật sư!