Có thể trả tiền ý tưởng cải thiện chất lượng dịch vụ công

(PLO) - Ngày 25/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo "Hướng tới chính quyền kiến tạo, trách nhiệm và giải trình" với sự tham dự của đại diện các sở, ban ngành thành phố, đại diện UNDP và lãnh đạo các Sở Nội vụ 11 tỉnh, thành.
Công tác hành chính đang chuyển từ cơ chế "xin - cho" sang chế độ phục vụ.
Công tác hành chính đang chuyển từ cơ chế "xin - cho" sang chế độ phục vụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, thời gian qua Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực cải cách thủ tục hành chính một cách mạnh mẽ bằng việc xây dựng chính quyền điện tử; tạo điều kiện cho tổ chức và công dân có thể tham gia phản biện, góp ý với cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, thành phố đã mở rộng nhiều kênh tiếp xúc, đối thoại, tọa đàm định kỳ giữa chính quyền và doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc. 

Cụ thể hơn, ông Chế Viết Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ địa phương này cho biết, Đà Nẵng đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp đột phá, sáng tạo trong công tác cải cách hành chính; việc thực hiện “Ba hơn” (nhanh hơn, hợp lý hơn, thân thiện hơn) đã góp phần lược bỏ nhiều thủ tục nhiêu khê, rờm rà khỏi bộ thủ tục. 

Theo đó, từ năm 2012 - 2014, có 899 thủ tục hành chính được thực hiện nhanh hơn; 105 thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân và 68 nội dung thuộc thủ tục nội bộ được thực hiện hợp lý hơn; 185 giải pháp thân hiện hơn cũng được triển khai tại các cơ quan, đơn vị. Sở Nội vụ đã tham mưu triển khai nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao hiệu lực của bộ máy chính quyền và trong công tác cán bộ, cải cách hành chính, thanh tra công vụ... qua đó góp phần tích cực vào việc giữ vững thứ hạng cao của thành phố trong các bảng xếp hạng tỉnh, thành theo nhiều chỉ số quốc gia. 

Tuy nhiên, kết quả chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) 2015 của Đà Nẵng đang có xu hướng suy giảm, thể hiện ở 4/6 nội dung: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Ngoài ra, việc cung ứng một số dịch vụ hành chính công vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Kỹ năng hành chính, thái độ phục vụ người dân của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa tốt, chưa mang lại sự hài lòng trong quá trình sử dụng dịch vụ hành chính công... 

Với tiêu chí “lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá sự phục vụ của chính quyền các cấp”, nhiều ý kiến tại hội thảo đã góp ý với chính quyền Đà Nẵng trong thời gian tới cần nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân và doanh nghiệp, chuyển từ cơ chế "xin- cho" sang chế độ phục vụ; tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách; đa dạng hóa các kênh tiếp nhận những đóng góp, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, thậm chí trả tiền để mua các ý tưởng thiết thực, khả thi. 

Nhấn mạnh tới vai trò của công cuộc cải cách hành chính nói chung và cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ công nói riêng, ông Dennis Curry - Trưởng nhóm Quản trị và Tham gia của UNDP tại Việt Nam nhận định, việc xây dựng bộ máy hành chính công minh bạch, hiệu lực và hiệu quả có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng theo ông Dennis Curry, những năm qua, UNDP đã triển khai nhiều dự án về cải cách hành chính tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tối đa trong công tác cải cách thủ tục hành chính thời gian tới.

Đọc thêm