Một lãnh đạo mà đơn vị đang chịu trách nhiệm “giải ngân” một gói thầu thuộc một dự án trọng điểm quốc gia, lý giải: “Cơ thể chỉ đủ sức ăn được ba bát cơm, bây giờ buộc ăn năm, bảy bát cơm thì không ăn nổi, hấp thụ nổi”. Cách nói ví von, nhưng ai cũng hiểu trong các nguyên nhân chậm giải ngân dự án đầu tư công có năng lực của Ban Quản lý dự án (QLDA). Đúng là có chuyện năng lực quản lý điều hành, trình độ cán bộ ở các Ban QLDA không đáp ứng yêu cầu. Đấy là chưa nói đến năng lực nhà thầu.
Chiều qua (8/12), tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Tổ công tác số 1 với 8 bộ, cơ quan Trung ương và 2 địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. “Câu chuyện” có tiền không tiêu được lại được nói đến.
Tại đây, theo Bộ Tài chính, ước tỉ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN đến ngày 31/11 đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, so với mức 63,86% cùng kỳ năm 2021. Không thể không “quan ngại” khi có tới 34/51 bộ, cơ quan Trung ương và 22/63 địa phương có tỉ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước; trong đó có 5 bộ, cơ quan Trung ương có tỉ lệ giải ngân dưới 25% kế hoạch Thủ tướng giao.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đối với các dự án chuyển tiếp, việc giải ngân chậm do năng lực tổ chức thực hiện dự án còn yếu, nhất là năng lực cán bộ QLDA còn hạn chế. Vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu tăng cao dẫn đến nhà thầu thi công cầm chừng. Một số dự án do ảnh hưởng biến động tăng giá dẫn đến vượt chi phí dự phòng làm tăng tổng mức đầu tư phải rà soát lại các hạng mục.
Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương dự họp kiến nghị đối với việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng, cần sửa đổi theo hướng giao cơ quan chuyên môn xây dựng cấp tỉnh thẩm định báo cáo này.
Có lẽ các bộ, ngành giải ngân thấp hy vọng được cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn phân bổ cho năm 2022 sang năm 2023. Không cho kéo dài thì biết làm sao đây?
Khi kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đặc biệt lưu ý phải nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị dự án để khi giao vốn thì dự án được triển khai ngay, không để xảy ra tình trạng vốn chờ dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.
Câu chuyện cho thấy, để “tiêu” được tiền không còn là việc nhỏ.