Tái xuất là cần thiết
TS. Dương Minh Tú - Giám đốc Trung tâm giám định kiểm dịch thực vật cho biết, khi được giao nhiệm vụ tìm hiểu về loài cỏ này, đơn vị đã tiếp cận rất nhiều nguồn tài liệu khác nhau, ghi nhận tại tất cả các quốc gia có nhiễm cỏ kế đồng trong sản xuất nông nghiệp. Nó gây hại cho 27 loại cây trồng có ở 37 quốc gia, dù chưa xuất hiện ở Việt Nam.
Trước ý kiến cho rằng do Việt Nam chưa có cỏ kế đồng và cần đưa vào nghiên cứu thêm độ nguy hại, PGS.TS.Nguyễn Kim Vân cho rằng, nếu cỏ kế đồng vào Việt Nam thì độ nguy hại sẽ không lường được hậu quả. “Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề, phải thực hiện tái xuất không chỉ đối với lúa mì mà cần phải kiểm soát chặt trên các loại nông sản nói chung. Đây là nhiệm vụ quốc gia", ông Vân nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Liêm - Viện trưởng Viện BVTV nêu qua điểm: “Các nước trên thế giới rất quan ngại đến các sinh vật ngoại lai, chúng ta đang cân nhắc vài triệu USD hay vài tỷ USD, nhưng đây chỉ là đánh giá của DN. Tuy nhiên, ở góc độ nhà khoa học thì nó ảnh hưởng đến 50 triệu nông dân, và nguy cơ đóng sập cánh cửa xuất khẩu nông sản là rất lớn. Việt Nam chưa nhiễm là việc cực kỳ may mắn. Do đó, việc tái xuất, ngăn chặn không cho vào Việt Nam là việc phải làm…”.
Ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục BVTV lý giải rõ thêm, các cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Cục BVTV không cấm việc nhập khẩu lúa mì mà quy định tái xuất các lô hàng nhiễm cỏ kế đồng sau khi có đánh giá cụ thể bằng những bằng chứng xác đáng. “Trước mắt, Cục sẽ lùi thời hạn quy định tái xuất là ngày 1/11, còn lùi đến khi nào sẽ có thông báo cụ thể sau để tìm ra giải pháp thích hợp nhất. Cục sẽ đàm phán lại với các nước Nga, Canada và Hoa Kỳ, vốn là 3 thị trường nhập khẩu lúa mì lớn nhất của các DN vào Việt Nam...", ông Trung kết luận.
Nhưng văn bản được ban hành sai thẩm quyền
Tuy nhiên, tại cuộc kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đối với các Bộ: Y tế, LĐTB&XH, Khoa học và Công nghệ, NN&PTNT, Tư pháp sáng cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác đề nghị làm rõ thẩm quyền ban hành văn bản về việc tái xuất các lô hàng lúc mì nhiễm cỏ kế đồng của Cục trưởng Cục BVTV, khẳng định “chắc chắn là sai thẩm quyền” vì "Cục trưởng của một Bộ không có thẩm quyền ban hành các văn bản trong lĩnh vực quản lý nhà nước”.
Thực hiện chỉ đạo của Cục BVTV, ngày 5/9, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 đã ban hành Công văn số 95 về việc bắt đầu từ 1/11/2018, các lô hàng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại yêu cầu phải tái xuất. Quyết định này khiến các DN “hoang mang” và Hiệp hội Lương thực, Thực phẩm TP HCM đã gửi thư khẩn cấp cho Bộ trưởng NN&PTNT nên có cuộc họp của Cục sáng 17/10. Song Bộ trưởng đề nghị đại diện Bộ NN&PTNT tiếp thu ý kiến về thẩm quyền ban hành văn bản của Cục BVTV liên quan đến tái xuất lúa mì nhiễm cỏ kế đồng và cho biết, sẽ báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo thu hồi công văn số 95 này.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), hiện Cục BVTV đang thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ để xử lý việc này. “Ngày 18/10, Cục sẽ họp với Hiệp hội Lương thực, thực phẩm để bàn về tác động của văn bản đó, chúng tôi sẽ trao đổi, báo cáo lãnh đạo Bộ để xử lý ngay”. Nhưng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu xác định sai thẩm quyền là yêu cầu phải thu hồi, còn việc bàn về tác động, đó là quá trình của Bộ liên quan đến đối tượng tác động, tính toán lợi ích quốc gia, đến cả đối ngoại chứ không phải chỉ có DN với DN.