Con cái có được yêu cầu hủy bỏ di chúc của bố, mẹ không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Anh Tú (Hải Phòng) hỏi: Mẹ của tôi có lập di chúc để cho người cháu được quyền quản lý, sử dụng, làm nơi thờ cúng tổ tiên, không được quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất. Nay mẹ tôi đã mất, người cháu đã đi nước ngoài, không có ai coi quản. Xin hỏi, các anh em trong nhà có được yêu cầu hủy di chúc và chia thừa kế theo pháp luật không? Trình tự, thủ tục như thế nào?
Con cái có được yêu cầu hủy bỏ di chúc của bố, mẹ không?

Luật sư Đoàn Trung Hiếu (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết: Căn cứ Điều 640 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc như sau: Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Theo đó, việc hủy bỏ di chúc được thực hiện trong các trường hợp sau: Đối với di chúc miệng thì sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Các di chúc bằng văn bản, người lập di chúc có quyền hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.

Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015, di sản được dùng cho việc thờ cúng quy định: Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Theo đó, di sản này chỉ được sử dụng cho việc thờ cúng mà không được chia thừa kế. Đồng thời, phần di sản này được giao cho người được chỉ định trong di chúc để quản lý và thực hiện việc thờ cúng. Ngoài ra, phần di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ được dùng cho việc thờ cúng; mà không thuộc quyền sở hữu, định đoạt của bất kỳ người thừa kế hoặc người nào khác, trừ trường hợp định đoạt để thanh toán nghĩa vụ do người chết để lại mà toàn bộ di sản không đủ để thực hiện (Khoản 2 Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”).

Trong trường hợp của bạn: Người lập di chúc để cho người cháu được quyền quản lý, sử dụng, làm nơi thờ cúng tổ tiên, không được quyền định đoạt đối với quyền sử dụng đất. Người lập di chúc đã mất và người cháu (người được chỉ định quản lý việc thờ cúng) đã đi nước ngoài, không thực hiện đúng theo di chúc thì người quản lý di sản thờ cúng tiếp theo sẽ được xác định như sau:

Là người do những người thừa kế theo di chúc thỏa thuận giao quản lý. Trường hợp người được giao không quản lý theo thỏa thuận của những người thừa kế tiếp theo có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người quản lý hợp pháp di sản đó trong trường hợp thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

Như vậy, bạn cùng anh em trong gia đình hoàn toàn tự nguyện thỏa thuận với người cháu (người được mẹ bạn chỉ định giao cho quản lý việc thờ cúng) để phân di sản dùng để thờ cúng cho người khác thực hiện. Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản, và có thể đề nghị Tòa án xem xét và công nhận thỏa thuận này. Việc áp dụng thỏa thuận chỉ mang tính chất tự nguyện không phủ nhận ý nghĩa, giá trị của di chúc mà mẹ bạn đã lập.

Đối chiếu những quy định trên, xét về quyền yêu cầu hủy bỏ di chúc thì chỉ có người lập di chúc mới có quyền yêu cầu hủy di chúc mà mình lập ra. Vì vậy anh em nhà bạn không có quyền yêu cầu huỷ bỏ di chúc mà mẹ bạn đã lập để chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Đọc thêm