Tòa không triệu tập lên để giải quyết ly hôn có đúng luật không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Nguyễn Văn (Hà Nội) hỏi: Do cuộc sống hôn nhân không hợp, nên vợ tôi đã làm đơn ly hôn đơn phương và yêu cầu Tòa án giải quyết. Thời gian tính từ ngày nộp đơn đến nay đã 6 tháng, tôi nghe vợ tôi nói tòa đã thụ lý và chỉ còn khoảng 15 ngày nữa là ra quyết định ly hôn chính thức. Tuy nhiên, từ ngày tòa thụ lý đơn, tôi vẫn chưa nhận được bất kỳ giấy triệu tập nào từ tòa và cũng chưa có buổi làm việc trực tiếp tại tòa. Vậy cho tôi hỏi, nếu tòa không gửi giấy triệu tập hoặc có gửi nhưng tôi không nhận được và không tham gia phiên tòa (vì không biết) thì tòa có quyền ra quyết định ly hôn không?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Luật sư Đoàn Trung Hiếu (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết: Ly hôn đơn phương là việc ly hôn theo yêu cầu của một trong hai bên vợ chồng. Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

Đối với trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Theo đó, ly hôn đơn phương là việc ly hôn theo yêu cầu của một trong hai bên vợ chồng, một bên khởi kiện yêu cầu ly hôn với bên còn lại. Do đó, ly hôn đơn phương là vụ án dân sự, việc thủ tục ly hôn được giải quyết theo quy định thủ tục khởi kiện tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Cùng với đó, căn cứ theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn đơn phương được tiến hành như sau:

Thụ lý đơn ly hôn (đơn khởi kiện): Sau khi nhận được đơn từ nguyên đơn, sau 5 ngày làm việc Tòa án phải xem xét có thụ lý đơn hay không. Nếu hồ sơ hợp lệ thì Tòa án gửi thông báo cho nguyên đơn đóng tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra quyết định thụ lý đơn ly hôn đơn phương từ thời điểm nguyên đơn nộp biên lai đã đóng tiền tạm ứng án phí theo quy định tại Điều 191 và Điều 195 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Hòa giải: Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc trước khi đưa vụ án ra xét xử. Nếu hòa giải thành thì tòa án lập biên bản hòa giải thành và sau 7 ngày mà các đương sự không thay đổi về ý kiến thì Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành và quyết định này có hiệu lực ngay và không được kháng cáo, kháng nghị. Nếu hòa giải không thành, Tòa án cũng phải lập biên bản hòa giải không thành, sau đó ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Phiên tòa sơ thẩm: Sau khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử các bên được Tòa án gửi giấy triệu tập và được thông báo rõ về thời gian, địa điểm mở phiên tòa sơ thẩm. Theo đó, các bên phải có mặt, nếu không có mặt thì áp dụng theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Như vậy, giải quyết vụ án ly hôn, Tòa án bắt buộc phải triệu tập các đương sự lên làm việc để giải quyết vụ án ly hôn ngay từ giai đoạn hòa giải. Do đó, đối với trường hợp của bạn, nếu Tòa án không gửi giấy triệu tập cho bạn trong bất kỳ giai đoạn giải quyết vụ án, mà đã ra quyết định ly hôn thì Tòa án đã vi phạm thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Bạn hoàn toàn có quyền khiếu nại hành vi của người tiến hành tố tụng, hoặc quyết định ly hôn (nếu có) đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết căn cứ theo Điều 504 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Thẩm phán, Phó Chánh án, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Hội thẩm nhân dân do Chánh án Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự có thẩm quyền giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Chánh án Tòa án thì Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.

Khiếu nại quyết định, hành vi của người tiến hành tố tụng là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát do Viện trưởng Viện kiểm sát giải quyết.

Đối với khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Viện trưởng Viện kiểm sát thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết.

Khiếu nại quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chánh án Tòa án, Viện trưởng Viện kiểm sát quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này do Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết.

Đối với trường hợp, Tòa án đã gửi giấy triệu tập hợp lệ cho bạn, bạn đã nhận được giấy triệu tập mà vẫn không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án thì bạn chỉ được phép vắng mặt 1 lần, vắng mặt đến lần thứ 2 mặc dù đã nhận được giấy triệu tập của tòa mà bạn vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn được xét xử vắng mặt bạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Đọc thêm