38% trẻ vị thành niên sử dụng thời gian rảnh rỗi để chơi game
Theo SAVY 2, ở Việt Nam có đến 38% trẻ vị thành niên sử dụng thời gian rảnh rỗi để chơi game. Nếu tính chung nhiều độ tuổi, 62% người dùng internet tại Việt Nam chơi game online khi trực tuyến. Đến năm 2018, số người chơi game online tại Việt Nam đã lên tới 11 triệu người.
Thống kê tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, trong vòng 5-6 năm gần đây, số lượng bệnh nhân nghiện game online phải nhập viện ngày càng tăng. Có trường hợp nam thanh niên 21 tuổi được gia đình đưa vào bệnh viện khi cả nhận thức và cảm xúc chỉ như trẻ 12 tuổi sau nhiều năm mải miết chơi game online thâu đêm suốt sáng; hoặc trường hợp nam sinh 16 tuổi ở Hà Nội nghiện game online 6 năm nay, thường xuyên bỏ ăn, 1-2 ngày mới ăn 1 bữa nên khi vào viện thể trạng gầy yếu, suy kiệt, kiểm tra, quan sát, bác sĩ nhận thấy nam sinh này có tính cách như trẻ 6-7 tuổi, không biết lo lắng, suy nghĩ, mọi giao tiếp chỉ như đứa trẻ….
Lý giải tình trạng người nghiện game có nhận thức, tính cách cách xa tuổi thực rất nhiều, TS Trần Thị Mỹ Hạnh – Đại học Y tế công cộng lý giải, sở dĩ nhiều trường hợp nghiện game đã lớn tuổi nhưng trí tuệ và cảm xúc chỉ như trẻ em do các em nghiện game thời gian quá dài.
Ở độ tuổi 12-13 là thời điểm bắt đầu hình thành cảm xúc xã hội để trẻ lớn lên như người bình thường khi nghiện game, mọi giao tiếp với xã hội thông thường bị cắt đứt khiến cảm xúc, trí tuệ bị ngưng trệ. Đáng lưu ý là rất nhiều trường hợp nhập viện do ban đầu phụ huynh mơ hồ tưởng con ham công nghệ, khi tính khí con thay đổi lại nghĩ do thay đổi tâm lý tuổi mới lớn... , do không được phát hiện kịp thời, nghiện game quá lâu khiến sức khoẻ trẻ suy kiệt, trí tuệ sa sút nghiêm trọng.
Qua trao đổi với những gia đình có con nghiện game đều cho thấy bản thân người nghiện game và gia đình phải gánh chịu những hậu quả về xã hội như cô đơn, mất bạn bè vì ít tham gia vào hoạt động xã hội, không giao tiếp với mọi người; hậu quả về giáo dục và nghề nghiệp do học hành giảm sút, bỏ thi, thi trượt, thậm chí có thể bị lưu ban, bị đuổi học; hậu quả về tâm lý, cảm xúc khi dễ bị kích động, cảm giác có tội lỗi vì không kiểm soát được hành vi chơi game của mình; hậu quả về gia đình, tài chính vì khi nghiện game tiêu tốn tiền của bố mẹ thông qua việc lấy tiền học để chơi game thay vì nộp học phí cho nhà trường, ăn trộm tiền của bố mẹ, người thân, trộm cắp vặt...
WHO chính thức công nhận nghiện game là bệnh tâm thần
Cuối tháng 5/2019, 194 thành viên trong Đại hội đồng y tế thế giới đã chính thức quyết định đưa nghiện game vào danh sách bệnh. Trong danh sách bệnh và các vấn đề sức khoẻ ICD (ICD là một cơ sở cực kỳ quan trọng để phân loại bệnh và các vấn đề sức khoẻ, phục vụ công tác nghiên cứu dịch tễ học, chăm sóc sức khoẻ và điều trị lâm sàng) của WHO, bệnh nghiện chơi game được đặt tên là “Gaming disorder”, liệt vào một dạng bệnh tâm thần, cùng chung với nghiện cờ bạc.
Từ năm ngoái, WHO đã đưa bệnh nghiện game vào bản dự thảo danh sách bệnh, sau đó đưa ra hội đồng biểu quyết và chính thức được thông qua. Bản sửa đổi này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022.
Được biết, khi WHO bắt đầu đưa nghiện game vào dự thảo sửa đổi danh sách bệnh, hàng loạt những ý kiến, đặc biệt là các nhà làm game lẫn cộng đồng game thủ đều lên tiếng phản đối vì việc WHO đưa nó vào danh sách bệnh tâm thần sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công tác thăm khám, điều trị, nhìn nhận xã hội lẫn sự phát triển của cả ngành công nghiệp game. Có người còn cho rằng động thái này đã “liều lĩnh đánh đồng và bình thường hoá các vấn đề sức khoẻ tâm thần bình thường khác như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu xã hội”.
Kỳ thực, nghiện game đã là vấn đề mà người ta nói tới rất nhiều từ những năm trước, trong cả giới chuyên gia y khoa, nhà tâm lý học, nhà làm luật, cho tới các nhà nghiên cứu, nhà phát triển game và cộng đồng game thủ.
Từ góc độ y tế, ThS.BS Lê Thanh Hà, Bệnh viện Quân y 103 lý giải, ở người nghiện game online, họ cảm thấy thích thú, dễ chịu khi chơi do Dopamin (hormone điều chỉnh tâm trạng, các cảm giác đói, thèm...) liên tục được sản sinh và tăng dần ngưỡng thích ứng theo tuần suất người chơi. Cùng với đó, morphine nội sinh như Endorphin cũng tăng theo, tạo sự khoan khoái, dần dần trở nên nghiện. Khi ngừng chơi, 2 hormone này tiết ra thấp hơn ngưỡng bình thường khiến người chơi cảm thấy bứt rứt, khó chịu.
Ở người nghiện game, các nhà khoa học tìm thấy chất dẫn truyền thần kinh Serotonin (liên quan tới ngủ, trí nhớ và cảm xúc) cũng bị sụt giảm nghiêm trọng, giống với tình trạng trầm cảm, vì vậy người nghiện game thường có các triệu chứng điển hình của trầm cảm và lo âu. Bằng chứng, khi điều trị bằng thuốc chống trầm cảm, các triệu chứng của nghiện game online thuyên giảm rõ rệt. “Nghiện game online kéo dài sẽ khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, thậm chí gây rối loạn trầm cảm, hình thành ý tưởng và hành vi tự sát, cuồng bạo”, BS Hà cảnh báo.
Để điều trị những bệnh nhân nghiện game, ngoài áp dụng liệu pháp tâm lý, bệnh nhân thường được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm, đi kèm với các hoạt động thể chất, vui chơi khác. Nếu tình trạng không cải thiện, bác sĩ sẽ phải kê thêm thuốc an thần, nặng nữa phải dùng sốc điện.
Thế nào là nghiện game?
Theo WHO có 3 dấu hiệu nghiện game: khi việc chơi game trở thành một thói quen, một hành vi thường xuyên và được ưu tiên hơn mọi hoạt động hàng ngày khác hoặc thậm chí là bỏ qua một bên; việc mất kiểm soát hành vi, ngay cả khi đã có những hậu quả tiêu cực xảy ra, hành vi chơi game vẫn không ngừng mà có dấu hiệu tiếp tục leo thang; tình trạng suy giảm đáng kể và mất cân bằng những chức năng cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục hoặc nghề nghiệp… bao gồm cả những vấn đề về chế độ ăn uống, thiếu hụt trầm trọng hoạt động thể chất.
Những biểu hiện về cơ thể của nghiện game bao gồm: rối loạn giấc ngủ; lơ là việc vệ sinh cá nhân; ăn uống kém hoặc ăn uống thất thường; đau đầu, khô mắt, đỏ mắt do nhìn vào màn hình quá lâu…