Con có phải trả nợ thay khi cha hoặc mẹ mất hay không?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ông Nguyễn Tài Phong (TP Hồ Chí Minh) hỏi: Tôi có cho bà hàng xóm vay 10 chỉ vàng trong thời hạn 10 tháng. Tuy nhiên, 5 tháng sau bà này đột ngột qua đời. Vì vậy khi đến thời hạn trả nợ của bà, tôi đã yêu cầu con trai bà trả lại số vàng cho tôi. Vậy yêu cầu của tôi như vậy là đúng hay sai và con trai bà có phải trả khoản nợ đó cho tôi hay không?

Luật sư Vũ Thị Nhung – Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời: Từ quy định của pháp luật và quy chiếu vào sự việc của ông thì có thể xác định quan hệ vay 10 chỉ vàng giữa ông và bà hàng xóm là hợp đồng vay tài sản. Đối tượng trong hợp đồng này là 10 chỉ vàng.

Căn cứ theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Mặt khác, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ thì bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn. Nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Do đó, bà hàng xóm là người có nghĩa vụ trả nợ cho ông khi đến hạn theo như thoả thuận ban đầu.

Tuy nhiên, vì bà này đã chết nên những người thừa kế di sản của bà (bố, mẹ, chồng, con) có nghĩa vụ phải trả số nợ này theo khoản 1 Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015: “Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Vì vậy, đối với khoản nợ mà bà hàng xóm đã vay ông trước khi chết thì ông có thể yêu cầu bố, mẹ, chồng, con của bà này thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bố, mẹ, chồng, con của bà này chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản được hưởng.

Đọc thêm