Vấn đề cốt lõi cần giải quyết
Mới đây, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam (gọi là Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”).
Về cơ bản, đề cương của Nghị định mà Bộ Công Thương đưa ra không có gì khác so với Dự thảo Thông tư Quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam đã được Bộ đưa ra lấy ý kiến từ tháng 8/2019.
Tại một hội thảo được tổ chức để lấy ý kiến về Dự thảo thông tư này, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, thông tư này chứa đựng những quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là hàng hóa của Việt Nam, do đó không thể ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương mà phải ban hành dưới hình thức của một Nghị định. Và đây là ý kiến duy nhất mà Bộ Công Thương tiếp thu, tính đến thời điểm trình hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam”.
Trong hồ sơ đề nghị xin ý kiến xây dựng Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” mà Bộ Công Thương vừa đưa ra, các quy định về hàng hóa xuất xứ Việt Nam hay hàng hóa của Việt Nam vẫn được giữ nguyên so với quy định đã đưa ra tại Dự thảo Thông tư trước đây.
Và thực tế Dự thảo Thông tư đã gây ra rất nhiều ý kiến trái chiều về khái niệm hàng hóa của Việt Nam, hàng sản xuất tại Việt Nam hay hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm được thực hiện tại Việt Nam. Do đó, việc tiếp tục trình hồ sơ xây dựng Nghị định khiến nhiều chuyên gia không đồng tình.
Một chuyên gia chuyên về xuất xứ hàng hóa (đề nghị giấu tên) nói với PLVN, 2 khái niệm hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa sản xuất tại (made in) Việt Nam là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khái niệm “made in” là chỉ một công đoạn gia công sản xuất tại Việt Nam thôi.
Còn “của Việt Nam” là của ai, của doanh nghiệp Việt hay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam? Vì thế, nếu không làm cho rõ ràng các khái niệm thì dù là Thông tư hay Nghị định vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề cốt lõi.
Trả lời PLVN, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, Dự thảo Nghị định “Sản xuất tại Việt Nam” không có ý nghĩa vì vấn đề cần đưa ra phải là hàng hóa, sản phẩm do người Việt làm ra. “Giống như trường hợp xe Honda, dù lắp ráp ở Ấn Độ cũng vẫn được coi là sản phẩm của Nhật Bản. Đây mới là vấn đề quan trọng.
Vì điều này đồng nghĩa với việc người Việt làm ra sản phẩm đó, người Việt Nam tự sáng tạo, thiết kế, không sao chép, được đăng ký bản quyền. Hoặc ít nhất thì những bộ phận chính của sản phẩm đó phải do người Việt sáng chế, tạo ra. Chuyện sản phẩm sản xuất ở đâu không quan trọng, nó có thể được sản xuất ở Việt Nam hoặc ở bất cứ một quốc gia nào khác” - ông Phú nói.
Cũng theo ông Phú, ngoài việc cần đưa ra các quy định về hàng hóa do người Việt làm ra thì quy định về “hàm lượng giá trị gia tăng tại Việt Nam” rất khó đo lường, dễ bị lợi dụng, sơ hở và dễ nảy sinh cơ chế xin cho.
“Dù tồn tại ở hình thức Thông tư hay Nghị định thì những khái niệm mà Bộ Công Thương đưa ra vẫn còn rối rắm, lúng túng, chưa thể thể rõ ràng như mong muốn và việc bị lợi dụng, mang danh sẽ còn tiếp tục xảy ra” - ông Phú khẳng định.
Khái niệm “made in” không còn quan trọng?
Câu chuyện cần xây dựng quy định về hàng hóa Việt do người Việt Nam làm ra được khá nhiều chuyên gia đồng tình khi các chuyên gia đều cho rằng, khái niệm “made in” đã không còn quan trọng trong thời đại hiện nay khi sản xuất chuỗi đã hiện diện trên toàn cầu. Báo PLVN cũng đã từng đăng tải loạt bài cho rằng, vấn đề hiện nay không phải là đề cập đến hàng made in Việt Nam mà cốt lõi chính là hàng Việt Nam, thương hiệu Việt Nam.
Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, hiện nay không cần quy định hay xây dựng công thức cho “Made in Vietnam”. Vì thế giới đã trải qua một cuộc cách mạng, đó là xuất xứ của thương hiệu.
Thực tế vai trò của thương hiệu đã thay thế vai trò của sản phẩm hay sản xuất vì vai trò này không còn mang ý nghĩa trong thời đại hội nhập, toàn cầu hoá, phân công lao động hay chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị. Thực ra, việc phân loại theo quốc gia sản xuất từ lâu đã lạc hậu, chính vì thế mà khái niệm “thương hiệu” ra đời.
Một chuyên gia chuyên về quy tắc xuất xứ cũng khẳng định, hiện nay, chuỗi sản xuất hiện diện trên toàn cầu, một sản phẩm thương hiệu lớn có nhiều quốc tịch do mỗi công đoạn sản xuất ở một quốc gia khác nhau nên không thể xác định sản phẩm đó có xuất xứ ở đâu. Do đó ông chủ của sản phẩm, những người làm theo chuỗi thường rất coi nhẹ khái niệm “made in”. Đó chính là lý do cho dù những Louis Vuiton, Hermes dù được sản xuất ở bất kỳ đâu thì người ta cũng biết những thương hiệu này xuất xứ từ nước Pháp.
Do đó, theo vị chuyên gia này, điều quan trọng hiện nay không phải là tranh cãi hay xây dựng “made in” mà quan trọng nhất là phải có các chính sách thiết thực, thúc đẩy, cổ vũ tinh thần cho các doanh nhân Việt, tạo ra sản phẩm của người Việt Nam. Đây mới là điều quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.