Con dâu “thổi phồng” thiệt hại, nhà chồng lũ lượt ra tòa?

Từ trình bày của bị hại, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, cụ Hoàng Thị Sách (82 tuổi, trú tại xã Vân Canh, huyện Đông Anh) cùng 2 con đã đẩy đổ bức tường dài hơn 11m trị giá 6,8 triệu đồng của con dâu. Nhưng chính lời khai và những bức ảnh do bị hại cung cấp lại “tố ngược” rằng, bức tường bị đổ có giá trị chỉ bằng một góc tố cáo ban đầu…

Từ trình bày của bị hại, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh (Hà Nội) cho rằng, cụ Hoàng Thị Sách (82 tuổi, trú tại xã Vân Canh, huyện Đông Anh) cùng 2 con đã đẩy đổ bức tường dài hơn 11m trị giá 6,8 triệu đồng của con dâu. Nhưng chính lời khai và những bức ảnh do bị hại cung cấp lại “tố ngược” rằng, bức tường bị đổ có giá trị chỉ bằng một góc tố cáo ban đầu… Bị hại khai “vống” về thiệt hại, cộng với sự thiếu cẩn trọng của cơ quan CSĐT trong vụ án này đã gây không ít thắc mắc, nghi ngờ.

Tình tiết sự việc được nhân chứng... “phán đoán”

Ngày 1/10/2012, khi bị đẩy đổ bức tường vừa xây trên đất từng có tranh chấp với gia đình chồng, bà Đào Thị Thanh (trú tại xã Vân Canh, huyện Đông Anh) đã có đơn đề nghị xử lý “thủ phạm” gồm: cụ Hoàng Thị Sách (mẹ chồng), ông Bùi Văn Chỉnh (anh chồng) và bà Bùi Thị Hoa (em chồng).

Sau khi tiến hành trưng cầu giá trị thiệt hại và điều tra, xác minh, Cơ quan CSĐT CA huyện Đông Anh đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Chỉnh, bà Hoa về tội “Hủy hoại tài sản”. Riêng bà Sách, Cơ quan CSĐT chỉ “nhắc nhở, giáo dục” do “già, yếu” và có đề nghị “miễn truy cứu trách nhiệm hình sự” của chính quyền địa phương.

Cụ Sách diễn tả hành động “một mình du đổ tường” của mình.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm tại TAND huyện Đông Anh vào ngày 26/6 vừa qua, bà Sách khẳng định: “Chỉ một mình tôi đẩy đổ bức tường, không có ai tham gia. Tường mới xây, còn ướt nên tôi du đẩy vài lần là đổ”.

Mặc dù vậy, Cơ quan CSĐT và VKSND huyện Đông Anh vẫn dựa trên lời khai của mẹ con bà Thanh và lời khai của 2 dân phòng là ông Tạ Văn Châu và Hoài để quy kết “cụ Sách đứng bên đầu tường phía bắc, Hoa đứng giữa, tiếp đến là Chỉnh, tất cả 3 người dùng tay, chân đạp đổ tường”.

Luật sư Nguyễn Trung Thành (Công ty TNHH Luật Hòa Lợi) cho rằng: cho tới nay, mới chỉ có duy nhất lời khai của bà Thanh về việc bị bà Xuyên phá tường mà cũng chỉ do “nghe người khác kể lại”.

Và dù bà Xuyên có đẩy đổ phần còn lại của bức tường thì cũng không thể coi bà Xuyên là đồng phạm với người đã đẩy đổ tường trước đó.

5-6 tiếng đồng hồ trước, vụ việc đã kết thúc khi có người đến can thiệp, “ai đã về nhà nấy” và chị Thanh đã đi trình báo công an.

Nếu lực lượng công an kịp thời đến lập biên bản hoặc bảo vệ hiện trường thì đã không thể có việc bức tường tiếp tục bị đổ.

Nhưng theo lời khai của chính mẹ con chị Thanh tại phiên tòa sơ thẩm thì không hề có việc 3 mẹ con cụ Sách “dàn hàng ngang” để cùng nhau đẩy đổ tường.

Chị Hằng (con bà Thanh) khai: “Khi bà Sách đã du đổ được 1 đoạn tường thì bác Chỉnh ra nói “bà vào đi” rồi du đổ tiếp 1 đoạn. Còn 1 đoạn thì cô Hoa ra du đổ nốt và chửi tôi”.

Chị gái và em trai chị Hằng (tên là Thủy và Sơn) cũng khai, “bà Sách là người vào du đổ đầu tiên. Tường đổ một ít thì bà Sách bị Sơn ôm giữ”.

Trong khi lời khai còn mâu thuẫn như trên thì ông Tạ Văn Châu, một nhân chứng quan trọng, lại có những lời khai mâu thuẫn, thể hiện sự vô lý và mang tính phán đoán. Ông Châu cho biết “lúc đó, tôi lúynh quýnh mắt nọ nhìn mắt kia, chỉ biết có 3 người (cụ Sách, anh Chỉnh, bà Hoa) đi vào du đổ tường”.

Trong khi đó, nhân chứng Viện cũng có lời khai thể hiện việc mình không nhìn thấy ai trực tiếp đẩy đổ tường, mà chỉ là, “thấy tường nghiêng và từ từ đổ. Khi tường đổ xuống thì mới nhìn thấy bà Sách, anh Chỉnh, chị Hoa đứng trên phần đất phía bên kia bức tường”.

Luật sư bào chữa khẳng định, nhân chứng đã “suy đoán” việc các bị cáo đẩy đổ bức tường vì: “ông Châu và ông Đoàn cao không đầy 1,6m thì không thể nhìn qua bức tường cao 1,78m để thấy ai đẩy đổ bức tường và đẩy như thế nào được”.

Xác định thiệt hại lớn hơn thực tế

Việc xác định thiệt hại của vụ án là rất quan trọng vì nó là căn cứ để khởi tố vụ án, định lượng hình phạt. Nhưng trong vụ án này lại xuất hiện sự cẩu thả đến khó tin. Đầu tiên là việc Cơ quan CSĐT tiến hành trưng cầu giám định thiệt hại của toàn bộ bức tường dài 11,48m trong khi bị hại lại khai, “đã bỏ trống 1 đoạn tường dài gần 3m để làm cổng”.

Theo nhiều lời khai khác thì rõ ràng, kinh phí thực tế mà bà Thanh bỏ ra để xây bức tường thấp hơn nhiều những gì khai báo trước đó. Ví như việc, “mua 5 xe cát nhưng vẫn còn thừa” hay “10 người xây trong 1 buổi sáng chứ không phải xây cả ngày” và “vẫn có thể sử dụng lại 1 phần số gạch vì không bị vỡ”.

Điều khó hiểu ở chỗ, tuy là người chủ, thuê thợ đến xây tường nhưng chị Thanh đã “không biết thông tin gì về nhóm thợ này, không biết số điện thoại, không biết họ ở đâu”.

Đặc biệt, chính bức ảnh được phía bị hại chụp ngay sau khi xảy ra sự việc (được coi là chứng cứ) thể hiện, nhiều đoạn tường chưa bị đổ đến móng, thậm chí có 1 đoạn tường còn nguyên vẹn. Chính vì những sai sót trên, HĐXX sơ thẩm TAND huyện Đông Anh đã quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung, xác định lại thiệt hại, tiến hành đối chất để làm rõ các mâu thuẫn và làm rõ vai trò đồng phạm của chị Xuyên.

Khoa Lâm

Đọc thêm