Thách thức lớn
Hiện nay xu hướng các nước trên thế giới đang gia tăng các biện pháp nhằm bảo hộ sản xuất trong nước. Do đó, các cuộc tiến hành điều tra để áp dụng các biện pháp PVTM thường xuyên diễn ra, đặc biệt với các mặt hàng thép. Theo một cán bộ của VCCI, thép thường xuyên bị khởi xướng điều tra là do mặt hàng này mang lại nhiều lợi nhuận và dư địa để phát triển ngành Thép Việt Nam còn khá lớn.
Ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, trên thế giới có hơn 1.500 các vụ việc PVTM trong đó ngành Thép chiếm hơn 30% trong tổng số các vụ việc. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, thép trên thế giới thường xuyên là đối tượng của các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp PVTM với mức thuế suất áp dụng rất cao.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu (XK) thép của Việt Nam đứng trước những thách thức lớn khi các nước nhập khẩu (NK) liên tục điều tra và áp dụng biện pháp PVTM đối với thép Việt Nam. Hai trong những nguyên nhân chính được chỉ ra là do thế giới đang trong tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép và Mỹ đã quyết định áp dụng mức thuế suất 25% cho NK thép với lý do bảo đảm an ninh quốc gia.
Nhiều chuyên gia dự báo, với mức thuế suất mà Mỹ đã áp dụng sẽ dẫn đến một cuộc “tháo chạy” trên toàn cầu. Bởi hiện nay, Mỹ là nước NK thép lớn nhất thế giới với kim ngạch NK vào khoảng 30 tỷ USD mỗi năm. Không thể XK vào Mỹ, do thuế cao, các nước sẽ tìm cách “đẩy” hàng sang các nước khác. Điều này khiến cho nhiều quốc gia phải đối phó bằng cách sử dụng các công cụ PVTM để có thể “chặn đứng” lượng thép đang ế khi không thể vào Mỹ.
Mới đây, Cục Ngoại thương Thái Lan đã bắt đầu vụ việc điều tra chống bán phá giá đối một số sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc NK từ Việt Nam. Theo đại diện Cục PVTM, nguyên đơn Thái Lan cáo buộc rằng sản phẩm bị điều tra nói trên đang gia tăng về số lượng và đang bị bán phá giá tại thị trường Thái Lan gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Thông tin mới nhất từ Cục PVTM cũng cho biết, trong khuôn khổ sự việc Canada điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ống thép hàn cacbon NK từ một số nước, trong đó có Việt Nam, để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), Cục PVTM đã phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành và gửi bản trả lời bản câu hỏi dành cho Chính phủ Việt Nam về vấn đề tình hình thị trường đặc biệt tới cơ quan điều tra Canada đúng thời hạn quy định. Được biết, Canada muốn xác định liệu Chính phủ Việt Nam có can thiệp vào hoạt động của ngành Thép (bao gồm các sản phẩm ống thép) hay không.
Trong trường hợp xác định ngành ống thép Việt Nam không hoạt động theo các điều kiện thị trường, Canada sẽ sử dụng giá trị thay thế để tính toán và thường đẩy biên độ phá giá lên khá cao, gây khó khăn cho các DNXK của Việt Nam. Dự kiến ngày 18/10/2018, Canada sẽ ban hành quyết định sơ bộ trong vụ việc này.
Thị trường xuất khẩu sẽ cạnh tranh khốc liệt
Ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, Việt Nam là nước sản xuất thép thô lớn thứ 24 trên thế giới vào năm 2015, năm 2016 đứng thứ 19, năm 2017 đứng thứ 18 (sản xuất được 11,5 triệu tấn). Về thị phần sản xuất thép thô, Trung Quốc là nước sản xuất gần 50% lượng thép thô toàn cầu. Ông Khải cũng cho biết, Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi công nghiệp vật liệu phát triển, trong đó có vật liệu kim loại. Chỉ số thép/người của Việt Nam mới chỉ đạt 240kg/người, được xếp ở mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, Thái Lan là 285 kg/người, Malaysia 325kg/người, Singapore 506 kg/người, do vậy ngành Thép sẽ tiếp tục phát triển để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Tuy nhiên, cũng như đa số các nước đang phải đối mặt với những rủi ro về thị trường khi Mỹ áp mức thuế suất NK cao, thép Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề tìm kiếm thị trường khi không thể xuất hàng vào Mỹ. Theo ông Khải, dù Việt Nam chỉ XK thép xây dựng dân dụng và chỉ chiếm 1,6% trong tổng lượng thép NK của Mỹ; không thể ảnh hướng tới an ninh nước Mỹ nhưng vẫn phải chịu chung số phận và chấp nhận sẽ phải đối mặt với rất nhiều cạnh tranh khi các nước đồng loạt tìm hướng XK mới.
Điều này đặt các DN thép Việt Nam vào thế rất khó khăn trong việc tìm kiếm các thị trường mới, cùng lúc phải giữ vững thị trường XK và tìm các giải pháp đối mặt với các vụ kiện PVTM đang dồn dập đến với thép Việt Nam, từ việc chống bán phá giá đến điều tra chống lẩn tránh thuế.
Đại diện Cục PVTM đã đưa ra khuyến nghị với DN, để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện PVTM, các DN cần phải trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM. Bên cạnh đó, DN nên thường xuyên có hoạt động trao đổi thông tin với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước nhằm nắm bắt được những thông tin cảnh báo sớm về khả năng bị khởi kiện tại thị trường XK, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh để tránh bị khởi kiện.
Một số mặt hàng thép có nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019
Thông tin từ Cục PVTM cho biết, ngày 26/3 vừa qua, Ủy ban Châu Âu (EC) đã quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với 28 nhóm sản phẩm thép NK do lo ngại sự gia tăng NK có thể gây thiệt hại đến ngành sản xuất trong nước.
Trên cơ sở kết quả điều tra sơ bộ, EC đã quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời dưới hình thức hạn ngạch thuế quan đối với 23/28 nhóm sản phẩm thép NK bị điều tra. Mỗi nhóm sản phẩm có một mức hạn ngạch riêng, được tính toán trên cơ sở trung bình cộng của tổng lượng XK của các nước vào EU trong 3 năm gần nhất (2015-2017). Hạn ngạch được cấp theo hình thức “trừ lùi” cho đến khi hết hạn ngạch, không phân bổ trên cơ sở tình hình XK của từng quốc gia. Thuế suất trong hạn ngạch bằng với thuế suất MFN hiện hành, khối lượng NK vượt hạn ngạch sẽ phải chịu thêm thuế suất NK bổ sung là 25%. Biện pháp tự vệ tạm thời có thời hạn hiệu lực trong 200 ngày (từ 19/7/2018 đến 3/2/2019). Sau đó, trên cơ sở kết quả điều tra cuối cùng, EC sẽ quyết định có áp dụng biện pháp tự vệ chính thức hay không.
Căn cứ quy định của Điều 9.1 Hiệp định Tự vệ WTO về việc loại trừ các nước đang phát triển ra khỏi biện pháp nếu có thị phần NK không đáng kể (dưới 3%), Việt Nam chỉ bị áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 3/23 nhóm sản phẩm bao gồm: (1) thép cán nguội hợp kim và không hợp kim; (2) thép tấm mạ kim loại; (3) thép không gỉ cán nguội dạng tấm và thanh. Đối với 20 nhóm sản phẩm còn lại, tạm thời các sản phẩm NK từ Việt Nam vào EU được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng biện pháp (không bị áp dụng hạn ngạch và không phải chịu thuế suất vượt hạn ngạch bổ sung 25%).
Tuy nhiên, nếu trong thời gian áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, NK các sản phẩm này từ Việt Nam tăng vượt mức 3%, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ không được loại trừ khi EC quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức (sau ngày 3/2/2019).
Để theo dõi khả năng XK vượt ngưỡng 3% và có nguy cơ bị EU áp dụng biện pháp tự vệ chính thức, Cục PVTM cho biết, hàng tháng Cục sẽ công bố số liệu XK sang EU nhằm hỗ trợ các DN Việt Nam và các cơ quan chức năng theo dõi tình hình XK các nhóm sản phẩm thép sang EU và có biện pháp kiềm chế phù hợp.
Căn cứ số liệu xuất NK của EU mới cập nhật đến tháng 7/2018, mặt hàng thép tấm mạ/tráng vật liệu khác (sơn, quét véc ni, phủ plastic), thép tấm dẫn điện (trừ thép tấm dẫn điện có định hướng) và thép tấm mạ/tráng thiếc, crôm thuộc nhóm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp tự vệ chính thức sau ngày 3/2/2019 nếu vẫn tiếp tục tăng trưởng XK mạnh trong những tháng tới.