Đêm kinh hoàng của thiếu nữ ở nhà một mình
Đến đầu xã, hỏi nhà anh Thành, chị Phượng có con gái “vừa bị cướp, vừa bị xâm hại”, ai cũng tận tình chỉ dẫn kèm những lời xuýt xoa thương xót. Không cổng ngõ, ngôi nhà ba gian cũ kỹ cửa đóng im ỉm, vắng hơi người. Không có ý định mời khách vào nhà, người phụ nữ hàng xóm ra tận ngõ tiếp chuyện, giọng run run:
“Nhà đó đi coi hồ cá nước mặn xa lắm, các anh chị cần hỏi chi phải đến nhà ông bà ngoại con bé”. Lúc đó cứ tưởng bà đang bệnh. Sau khi gặp cha của nạn nhân trong vụ án mới hay người phụ nữ đó chính là mẹ của hung thủ và cắt nghĩa được vì sao giọng bà lại run rẩy thế.
Cha mẹ thiếu nữ ngày này nối ngày khác ở trong căn chòi cách nhà chừng hơn cây số để chăm sóc bầy vịt, đàn cá nuôi trong hồ. Xin được số điện thoại, cha nạn nhân bắt máy, giọng thật thà, chất phác: “Chừ tui không về nhà được mô. Tui chỉ dẫn chị ra hồ”.
Đợi khách trong nhà chòi xập xệ, tạm bợ, ngổn ngang đồ đạc, anh không giấu được vẻ mỏi mệt trên gương mặt hốc hác: “Chị đã đến nhà tui thì cũng thấy rồi đó. Cửa đóng im ỉm. Cỏ mọc lút vườn. Vợ chồng tui tối mắt tối mũi ngoài hồ cá ni, để mà lo có tiền cho đứa ni ăn học, đứa tê có việc làm.
Sơ sẩy một tí là bọn trộm cắp nó khoắng hết, cả gà vịt, ngan ngỗng. Đến cá giống nó cũng không tha. Mà có phải chỉ mồ hôi nước mắt của mình mô, toàn tiền đi vay cả đó. Rứa mà ai ngờ trong lúc vợ chồng tui công việc ngập đầu ngoài hồ, tích tắc tai họa ập xuống, không kịp vuốt mặt trở tay”.
Nạn nhân là con gái lớn thứ hai trong số 5 anh chị em. Cô tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Công nghệ kĩ thuật Quảng Bình, học thêm chứng chỉ Thư viện thiết bị, được nhận vào làm nhân viên thư viện thiết bị tại một trường cấp hai tại xã Hạ Trạch.
Người cha dường như vẫn còn nguyên thảng thốt khi nhắc lại chuyện xảy ra trong cái đêm mưa gió định mệnh đó. Anh kể: “Gần 12h khuya ngày 17/4/2013, công việc xong muộn, vợ chồng tui mới thiu thiu ngủ thì chuông điện thoại đổ dồn dập. Tui giật mình sợ có chuyện chi không hay con mới gọi điện lúc khuya khoắt này. Chiếc điện thoại như chực rớt khi tui nghe giọng nói gấp gáp của anh hàng xóm: “Anh về mau lên chứ con Mèo (tên gọi ở nhà của Dung) trong nhà, có ai đập hắn”.
Vợ chồng tui hoảng hốt bươn bả chạy về nhà. Trời thì mưa, đường hồi đó chưa đổ bê tông nên trượt lên trượt xuống, khắp người lấm lem bùn đất. Tui mở cửa vô nhà thấy đứa con gái nằm trần truồng, bất động giữa vũng máu, chỉ còn hai chân giật giật.
Ôm con lên mà run quá, không ôm nổi, tui hét: “Bà con ơi cứu con tui với”. Rồi hoảng loạn bồng con lên, chạy ra trạm xá. Vợ tui cứng tay cứng chân, chỉ biết khóc. Tui vừa ôm con chạy vừa run lập cập. Nhà mình không oán thù với ai. Con tôi ngoan hiền, sống có điều tiếng chi mô, răng ai lại nỡ ra tay dã man như rứa?”.
Sức sống thần kỳ vượt qua thương tổn
Nạn nhân bị tổn thương quá nặng, chuyển lên Bệnh viện Việt Nam Cu Ba (Đồng Hới, Quảng Bình), rồi lại đến Bệnh viện Trung ương Huế. “Nghĩ nếu mình đi đâu đó dù chỉ trong chốc lát, khi về sẽ không còn con nữa, tui sợ hãi vô cùng. Vậy nên vợ chồng tui không lúc nào rời con được. Suốt những tháng ngày ở trong bệnh viện, lúc con đã qua được cơn nguy kịch nhưng tui vẫn chỉ có ngồi, đứng, chạy chứ không đi.
Cha của nạn nhân thuật lại sự việc đêm con gái gặp nạn. |
Mua đồ ăn cũng chạy, mua thuốc cho con cũng chạy, lấy cái này hay cái kia cũng chạy. Tui hạn chế tối đa nhất thời gian không có mặt bên con. Được cấp cứu suốt bốn ngày, con tui mới tỉnh. Khi nó hét lên tiếng “ba!”, tui như trút được gánh nặng trong lòng. Tảng đá vô hình đè lên ngực tui mấy ngày đó được hất đi”, người cha tâm sự.
Nhưng chưa kịp mừng, vợ chồng anh lại sợ hãi lo lắng vì những ngày sau đó, con gái rơi vào trạng thái hoảng loạn. “Thỉnh thoảng nó lại hét, kêu “ba!”, nhắm nghiền mắt, rúm ró, sợ hãi và không tin vào ai. Chỉ đến khi nó nắm tay tui, lần đến cái tay què của tui mới tin chắc đây đúng là ba của nó. Con tui bíu chặt lấy tay tui chừng mô thì ruột gan tui như bị ai giằng đứt ra từng khúc chừng đó.
Mấy ngày sau đó nó cứ hỏi: “Con bị răng rứa ba”, tui nói dối con bị ngã xe. Nó không tin: “Con nhớ ăn cơm tối ngoài chòi với ba mẹ xong, chạy xe vô nhà, trời mưa nên con còn phơi áo mưa lên yên xe để mai đi làm mà?”.
Nghe con nói mà tui vừa mừng vừa thương con. Mừng vì nó đã phục hồi trí nhớ, lại lo con tui bị sốc tâm lý khi biết mọi chuyện xảy ra với mình. Tui rối bời, quay cuồng đầu óc, chỉ biết nắm tay con lạy trời lạy Phật cho qua cái nạn ni. Tui cũng không ngờ kẻ xuống tay dã man với con gái tui lại là thằng Tâm, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”.
Theo lời một người hàng xóm của cả gia đình bị cáo và bị hại: Đêm đó chị và một người hàng xóm khác nghe tiếng rên rỉ từ trong nhà Dung. Chị này quả quyết: “Lúc đầu anh hàng xóm cũng ngại vì đêm hôm mà con Dung có một mình, nhưng tui bảo thôi mình nhà trước, nhà sau, hắn cũng như con mình, có đau bụng thì vô xoa cho hắn tí dầu. Vừa gọi bố Dung về, vừa tìm cách bật điện lên.
Chúng tôi chết điếng người vì thấy con bé nằm bất động dưới nhà không một mảnh vải che thân, máu me đầy người. Tấm ri-đô bị giật xuống chứng tỏ nó cũng vật lộn chống trả ghê lắm. Lúc đó chỉ nghĩ đến việc cứu người đã chứ có đầu óc mô mà nghĩ ai là thủ phạm”.
Công an mời tất cả thanh niên trong thôn lên phục vụ cho công tác điều tra, chỉ duy nhất Tâm là không thấy đâu. Mãi đến ba ngày sau, Tâm mới về nhà, cầm theo cái điện thoại di động của nạn nhân và bảo mẹ đem qua trả.
Trước khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm, cha mẹ Tâm sang xin vợ chồng anh có đôi lời với tòa để giảm nhẹ tội. Giọng buồn buồn, anh kể lại: “Ngày diễn ra phiên tòa, con gái tui không đi. Một phần vì sức khỏe nó còn yếu bởi đa chấn thương: Sập xương gò má trái, gãy xương hàm dưới, gãy răng, vỡ màng phổi trái, phù não... (Nạn nhân vào bệnh viện Huế mới phát hiện ra vỡ màng phổi trái, tràn dịch, hút ra 2,5 lít máu và dịch từ phổi - PV), nhưng đa phần là do tâm lý cháu bị chấn động chưa thể phục hồi được.
Trong phiên tòa, tui cũng đã nói, tui không bao giờ đem xương máu con tui ra để đổi bằng tiền bạc. Gia đình tui đau đớn thì cha mẹ thằng Tâm cũng không sung sướng chi. Nghĩ tội nghiệp cho cha mẹ Tâm, lại nghĩ đến tình làng nghĩa xóm bao năm nay nên tui cũng xin giảm nhẹ hình phạt cho hắn, muốn hắn được hưởng cái án có thời hạn, cải tạo tốt mà hoàn lương trở về”.
Hỏi về việc thực hiện đền bù dân sự, anh Thành cho biết, tòa tuyên thủ phạm phải bồi thường 147 triệu đồng tiền thuốc men, tổn thất tinh thần… Nhưng từ ngày con gái nhập viện cho đến ngày ra viện, nhiều lần góp lại, gia đình Tâm mới đưa được tổng cộng chưa đầy 40 triệu đồng. Kể từ đó đến giờ, nhà anh chưa hề nhận thêm được một đồng nào, không một lời thông cảm hay thăm hỏi.
“Làng xóm kẻ nhà trước, người nhà sau, ăn xóm ở chòm với nhau cả. Sự việc đau lòng xảy ra phải vay mượn chữa chạy cho con nên gia đình tui giờ nợ chồng nợ chất. Ngày khom lưng, cúi đầu làm lụng mệt nhọc, đêm về nằm nghĩ lại nẫu cả ruột. Tui không rõ lúc nào thì gia đình tôi mới nhận được tiền để còn trả bớt nợ?
Tui cũng muốn gia đình bên đó thực hiện theo pháp luật để còn giữ tình làng nghĩa xóm, còn đi vô đi ra chào hỏi nhau nữa chứ. Có một điều may mắn là con gái tui giờ đã mạnh khỏe, đã xây dựng hạnh phúc gia đình mấy tháng nay. Hiện vợ chồng cháu vào làm ăn ở Sài Gòn. Âu là “ông trời” cũng thương nó”, người cha trải lòng.
Mong ước gặp con vài lần trước lúc “về” với ông bà tổ tiên
Thấy chúng tôi quay trở lại, cha mẹ Tâm lúng ta lúng túng. Vẻ khắc khổ, đau buồn, sợ hãi, né tránh “chen” nhau trong ánh mắt. Sự việc xảy ra gần năm nay, nhưng trên hai gương mặt ấy vẫn hằn vô vàn nếp nhăn mỏi mệt của không biết bao đêm thức trắng.
Cha mẹ hung thủ héo hon, sau khi con trai gây án. |
Trong tiếng nấc nghẹn ngào vì nước mắt cứ chực trào ra gò má gầy guộc, nhăn nheo, mẹ Tâm ngập ngừng phân trần: “Thằng Tâm không được khôn ngoan như bạn bè nó cô à. Tính hắn bướng lắm, không biết lo chi cho cha mẹ, nói cái chi cũng trương mắt trương mũi lên. Tui thì mắc bệnh tim, vô viện ra viện như cơm bữa.
Vợ chồng không có lương hưu, chỉ trông vô vườn rau đắp đổi qua ngày. Từ ngày xảy ra chuyện đến nay, vợ chồng chưa có một đêm ngủ trọn giấc, chưa ăn một bữa cơm cho ra bữa cơm. Mấy anh chị em phải xúm lại, đứa bán chiếc máy cày được 10 triệu, đứa góp đôi ba triệu mà lo tiền viện cho con người ta.
Biết là so với tiền người ta bỏ ra chữa chạy cho con, góp nhặt của gia đình tui chỉ như muối bỏ bể. Nhưng vợ chồng tui già yếu, đầu óc cũng không được minh mẫn nữa, kiếm mô ra tiền? Từ hôm thằng Tâm bị bắt tới giờ, tui có gặp con hai lần. Mỗi lần gặp nó là lòng tui như xát muối, vậy mà nó không nói gì, cũng không dặn dò xin lỗi về cái việc nó gây ra. Cái thằng…”.
Ngôi nhà ba gian treo rất nhiều giấy khen, giấy chứng nhận thành tích của hai ông bà ở những vị trí trang trọng. Nghẹn ngào, người cha tâm sự: “Đau lòng lắm cô à, nhưng dù sao đi nữa thì nó cũng là con mình. Từ ngày con gây ra tội ác đó, tôi cũng xin tổ chức thôi không làm bí thư chi bộ thôn 5 nữa”.
Ông ngậm ngùi: “Ở cái tuổi 70, chúng tôi giờ sức yếu lại chồng chất buồn phiền thế này, coi như những chiếc lá héo, rụng lúc nào không biết. Con thì mang án 28 năm tù. Nếu kết quả tòa xử phúc thẩm là y án, hay có giảm đi vài năm thì vợ chồng tui cũng biết chắc chắn cái ngày mình “về” với tổ tiên ông bà, không bao giờ có mặt thằng Tâm để nó thắp báo hiếu cho mình nén hương.
Tâm nguyện của vợ chồng tui là cơ quan chức năng rộng lòng cho nó đi tù tại trại giam Đồng Sơn của tỉnh Quảng Bình. Được như vậy, may ra hai thân già này còn có cơ hội mà thăm nom, nhìn mặt con vài lần trước khi... xuống lỗ”.
Đến tận cùng của khổ đau, cùng cực nhưng tấm lòng cha mẹ bao giờ cũng hướng về con cái. Nếu như Tâm cảm nhận được điều đó mà thành tâm cải tạo thì may ra cha mẹ mới phần nào yên lòng.
(Tên nạn nhân trong bài đã được thay đổi)