Còn nhiều ý kiến với dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới

(PLVN) - Đã nhiều lần tổ chức xin ý kiến cũng như nhận được các văn bản góp ý cho dự thảo Nghị định xăng dầu, thế nhưng dự thảo lần 4 vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh luận ở một số đề xuất mới, đặc biệt quy định thương nhân phân phối chỉ được lấy hàng từ đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể quy định mức lợi nhuận cụ thể cho từng mắt xích của hệ thống phân phối. (Ảnh: baodautu.vn).

“Cấm mua bán lẫn nhau” là một điều kiện kinh doanh?

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lý giải việc đưa quy định thương nhân phân phối (TNPP) chỉ được lấy hàng từ đầu mối kinh doanh xăng dầu vào dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu mới là do kinh doanh xăng dầu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, đã có nhiều TNPP phản đối và cho rằng “có điều kiện là các điều kiện về thủ tục hành chính, không thể là điều kiện chỉ được mua bán theo 1 chiều mà không được mua bán lẫn nhau”.

Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cho rằng, dường như các nhà hoạch định đang nhầm lẫn, đưa ra điều kiện có thể cao hơn luật, thậm chí là không phù hợp với luật… với giải thích đây là ngành kinh doanh có điều kiện. “Vậy, kinh doanh "có điều kiện" mà chúng ta đưa ra có cần phải hợp luật không” - ông Bảo đặt câu hỏi.

Ông Bảo khẳng định, Nghị định đã quy định rất rõ các điều kiện để doanh nghiệp tham gia vào thị trường, khi họ đạt được rồi thì không nên quy định “ông này phải mua của ông kia, ông kia không được mua của ông này”. “Người ta đủ điều kiện rồi, sao hạn chế được”, ông Bảo nhấn mạnh những vô lý hiện nay khi vin vào kinh doanh có điều kiện để hạn chế quyền của một số doanh nghiệp, điều này có thể ảnh hưởng đến tính thị trường của xăng dầu.

Thậm chí, một số ý kiến cho rằng, TNPP không được mua bán và trao đổi hàng hoá với nhau là mất đi tính điều hoà và tạo nguồn cho thị trường.

Liên quan đến việc quy định này, Liên đoàn Công nghiệp Thương mại Việt Nam (VCCI) cũng đã có ý kiến phản đối. Theo đó, VCCI cho rằng, các lý do mà Bộ Công Thương nêu ra để không cho TNPP mua bán lẫn nhau đều không hợp lý và đi ngược lại thị trường.

Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc giới hạn các TNPP mua bán lẫn nhau sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các TNPP, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; hoặc có thể được xác định là hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, cả 2 cơ quan nêu trên đều đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi dự thảo theo hướng cho phép các TNPP mua bán xăng dầu lẫn nhau.

“Nóng” vấn đề chiết khấu xăng dầu

Năm 2022 là năm khởi phát những bất ổn của thị trường xăng dầu khi giá xăng dầu trên thế giới “lên đỉnh”. Trong nước, tình trạng đứt nguồn cung lan rộng từ Nam ra Bắc, hình ảnh hàng dài xe xếp hàng đổ xăng, hay việc đi hàng cây số tìm mua xăng đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Thời điểm này, TNPP luôn phải “chờ đợi” đầu mối bán ra được chiết khấu nào thì được hưởng mức ấy.

Theo ông Giang Chấn Tây - Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc, trước đây, kinh doanh xăng dầu có lãi ngoài việc được chiết khấu từ mắt xích phía trên thì còn có lãi từ việc mức giá chênh lệch khi mua - bán. Tuy nhiên, từ thời điểm năm 2022, gần như mức lãi từ hưởng chênh lệch giá đã về 0.

Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể quy định mức lợi nhuận cụ thể cho từng mắt xích của hệ thống phân phối bởi đây là tự do kinh doanh, các mắt xích phải tự thương thảo để có được lợi ích tốt nhất cho mình.

Để sửa những bất cập này, ở dự thảo nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất cho đầu mối được tự quyết giá xăng dầu. Theo đó, Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, kê khai giá và thông báo giá về cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để giám sát. Giá bán xăng dầu tối đa sẽ được xác định bằng chi phí tạo nguồn và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức cộng thuế giá trị gia tăng. Điều đáng nói, chi phí này sẽ được quy định ngưỡng cụ thể theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối.

Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, hình thức này vẫn là “bình mới, rượu cũ”. Do đó, cần “cởi trói” hoàn toàn để doanh nghiệp tự quyết định giá. Tức là chỉ quy định công thức tính toán giá xăng dầu, mức giá như thế nào sẽ phụ thuộc vào đầu vào đầu ra của từng doanh nghiệp. “Đó mới là thị trường. Lúc này, mới giải quyết được việc tính đúng, tính đủ và bảo đảm lợi ích giữa các bên. Những bất cập hiện nay cũng được khắc phục” - ông Thỏa nói. Còn công thức cụ thể như đề xuất của Bộ Công Thương hiện nay chỉ nên dùng trong trường hợp cần bình ổn giá.

Đọc thêm