Còn ý kiến khác nhau về quy định rút bảo hiểm xã hội một lần

(PLVN) - Chiều 2/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tại phiên họp, quy định về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần là nội dung được nhiều đại biểu QH quan tâm, cho ý kiến.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc phát biểu tại phiên họp.

Về quy định hưởng BHXH một lần, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1 quy định, việc hưởng BHXH một lần đối với 2 nhóm người lao động (NLĐ) khác nhau.

Trong đó, nhóm 1 là đối với NLĐ đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm 2, đối với NLĐ bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/07/2025) thì không được nhận BHXH một lần.

Phương án 2 quy định, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) bày tỏ thống nhất với phương án 1. Lý giải, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, như chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng hưu; hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội…

Đồng thời, đại biểu cho rằng, quy định như vậy để tránh gây “sốc” về chính sách đối với NLĐ, có thể khiến NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng nguyên nhân của việc rút BHXL một lần, từ đó hoàn thiện các chính sách có liên quan theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của NLĐ tham gia bảo hiểm nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Đại biểu Nguyễn Thị Diệu Thúy (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ đồng tình với phương án người có nhu cầu, đủ điều kiện thì được nhận BHXH một lần. Để hài hòa giữa hai phương án, đại biểu đề xuất phương án người có nhu cầu có thể rút phần đóng góp của mình, đối với phần người sử dụng lao động đóng góp vẫn sẽ được giữ lại để tiếp tục tính toán tham gia trở lại BHXH.

Đại biểu Dương Văn Thăng (đoàn TP Hồ Chí Minh) lại tán thành phương án 2. Đại biểu cho rằng, việc quy định rút 50%, 50% còn lại vẫn được bảo lưu sẽ giải quyết được hài hòa quyền lợi trước mắt và bảo đảm an sinh xã hội lâu dài. Người tham gia BHXH tiếp tục được tham gia tích lũy sau khi quay trở lại đóng BHXH, có nhiều cơ hội để hưởng lương hưu trí.

Về quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xem xét lại đối tượng là “Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh)” và “Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương”.

Lý giải, đại biểu cho rằng những đối tượng này không phát sinh quan hệ lao động, không hưởng lương nên không có căn cứ tham gia BHXH bắt buộc; mà khuyến khích các đối tượng này tham gia BHXH thì phù hợp hơn.

Đọc thêm