[links()]Theo đơn của gia đình Sơn Bồ Rót, ngoài hành vi “giữ người trái pháp luật”, bị can Trần Tấn Phong có dấu hiệu phạm thêm tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Gia đình nạn nhân đã quyết tâm đi tìm công lý cho con. Nhưng dù được sự bảo trợ về pháp lý của Xa lộ pháp luật, hành trình của họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
|
Gia đình nạn nhân Sơn Bồ Rót tìm đến Công an huyện Dầu Tiếng đề nghị giải quyết vụ việc |
Mượn tiền hàng xóm để đi đòi công lý cho con
Công an huyện Dầu Tiếng đã khởi tố, bắt giam ông chủ xưởng gổ Phong về tội giữ người trái pháp luật, đó là bước tiến tích cực rất đáng hoan nghênh, các cơ quan chức năng của huyện cũng đã kịp thời thanh tra và kết luận nhiều sai phạm pháp luật trong sử dụng lao động, ngược đãi công nhân.
Nhưng trước các lời tố giác của các nhân chứng có liên quan , gia đình Rót và cả dư luận đều thấy cần tố cáo yêu cầu khởi tố thêm tội danh liên quan đến hành vi có dấu hiệu cản trở việc cứu Rót lúc sắp chết đuối.
Trước đó, ngay sau cái chết của Rót, bà Lệ đã nộp đơn tố cáo ông Phong nhưng không hiểu vì sao, một vị công an huyện từ chối không nhận đơn.
Song song với việc điều tra vụ án, thông tin trung thực cho bạn đọc và góp phần với chính quyền địa phương đấu tranh với thủ đoạn tung tin gây rối, bao che bênh vực cho ông Phong, XLPL đã thu thập tài liệu chứng cứ và vận động một văn phòng luật sư tại TP.HCM đứng ra bảo vệ quyền lợi cho gia đình Rót.
Hoàn cảnh gia đình Sơn Bồ Rót quá nghèo, biết con bị chết oan ức trên hồ Cần Nôm (ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương) mà không có tiền thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi. Như đã thông tin trong các số báo trước, khi tiếp cận vụ án, thấy những uẩn khúc trong vụ việc, Xa lộ Pháp luật (XLPL) quyết định đứng ra bảo trợ pháp lý cho gia đình này để yêu cầu xử lý trách nhiệm của chủ xưởng gỗ Trần Tấn Phong đối với cái chết của Sơn Bồ Rót. |
Trước khi lên TP.HCM gặp luật sư bàn về việc làm đơn yêu cầu khởi tố thêm tội đối với bị can Phong, người nhà nói qua điện thoại: “Gia đình nghèo lắm, không có tiền đi xe”. Thấy hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, phóng viên khuyên gia đình mượn tiền hàng xóm đi xe lên. Gia đình Rót đồng ý.
Ngày 8/7, mẹ ruột của Rót là bà Lâm Thị Lệ lên tới TP.HCM. Bà Lệ đang bị bệnh nặng, thể trạng yếu ớt nên phải có hai người đi kèm. Phóng viên đưa họ đến gặp luật sư nhận bảo vệ miễn phí cho gia đình.
Tại cuộc gặp, luật sư hướng dẫn về cách thức làm đơn tố cáo, nộp đơn, các quyền lợi và nghĩa vụ của người nộp đơn.
Gian nan hành trình nộp đơn
Đầu giờ chiều 9/7, trời mưa tầm tã, cả 3 người cùng vào công an huyện nộp đơn. Đúng như sự lo ngại của phóng viên, lúc đầu cán bộ nhận đơn bảo lần trước ngay sau cái chết của Rót, mẹ của Rót đã nộp đơn tố cáo rồi, không cần nộp đơn này nữa và kêu đem đơn về.
Bức xúc vì lần trước đã không nhận đơn lần này lại bảo nhận rồi không cần nhận nữa, gia đình không chịu về, kiên quyết nộp lá đơn mới.
Cuối cùng vị cán bộ này nhận đơn nhưng lại không chịu cấp biên nhận, đồng thời bảo công an đã làm hết sức mình để bảo vệ quyền lợi của gia đình nạn nhân rồi, cứ về chờ.
Gia đình nạn nhân không chịu về. Vị cán bộ nói do bộ phận thụ lý vụ việc đi họp hết rồi, không có ai có thẩm quyền viết biên nhận. Gia đình Rót ngồi chờ suốt buổi chiều vẫn không ai cấp biên nhận.
Sáng hôm sau, gia đình Rót quay lại công an huyện, lần này có phóng viên tháp tùng theo. Một công an dẫn phóng viên vào phòng trực ban, phóng viên xuất trình thẻ nhà báo và giải thích rõ mình là phóng viên của XLPL, tờ báo đang bảo trợ pháp lý cho gia đình nạn nhân Sơn Bồ Rót.
Cán bộ trực ban liền gọi điện cho người có thẩm quyền, sau đó quay lại bảo gia đình Rót quay vào phòng nhận đơn hôm qua, sẽ có cán bộ viết biên nhận cho.
Đúng 10h, bà Lệ đã cầm được biên nhận do trung úy Trần Ngọc Thạch, cán bộ điều tra, viết: “Có nhận đơn tố cáo của bà Lâm Thị Lệ, sinh năm 1965. Nội dung: Tố cáo hành vi nhốt con bà là Sơn Bồ Rót dẫn đến cái chết ngày 26/5/2013 tại hồ Cần Nôm thuộc ấp Thanh Tân, Thanh An”.
Chúng tôi không hiểu vì sao Trung úy Thạch lại ghi như vậy trong khi rõ ràng đây là đơn đề nghị khởi tố thêm về tội "Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng". Đây chỉ là sự nhầm lẩn vô tình hay có ngụ ý gì?
Có dấu hiệu công an huyện không khách quan
Về lá đơn yêu cầu khởi tố vụ án do bà Lệ đứng tên, hiện XLPL đang giữ, ký ngày 24/6/2013 ghi rõ: “Quá bất bình với thái độ phân biệt đối xử của ông Phong đối với cái chết của con tôi, cho nên gia đình tôi viết đơn gửi đến cơ quan huyện Dầu Tiếng nhờ điều tra và yêu cầu khởi tố vụ án… Vì đây là chủ xưởng gỗ thấy người chết đuối, công nhân cứu mà không cho cứu, vì vậy gia đình tôi cho là con tôi chết là một vụ án nghiêm trọng”.
Qua xác minh, sau đó một hay hai ngày, bà Lệ đã cùng đi với bà Phan Thúy Mừng, trưởng ban nhân dân ấp Xum Thum A (nơi gia đình Rót sinh sống), đến công an huyện nộp đơn nhưng công an huyện không nhận.
Bà Mừng kể: “Mừng và má thằng Rót gặp ông Phương để nộp đơn. Ông Phương nói: “Chị biết cái gì mà chị nói ông xưởng gỗ làm hại thằng Rót. Chính hai đứa nó muốn lội, thành thử nó chết nó chịu. Chứ người ta có giết mình đâu. Nếu mình không muốn ở nữa thì mình ra mình đi, mình xin người ta nghỉ việc mình đi”.
Nhưng Mừng nói ông chủ đối xử hà khắc như vậy, làm sao công nhân có thể xin nghỉ việc rồi đi được. Ông Phương bảo phải đem đơn về viết lại thành “đơn khiếu nại” chứ đừng làm “đơn khởi tố”. Mừng thấy “đơn khởi tố” mới là đúng, chứ đâu thể làm “đơn khiếu nại” được”.
Chẳng đặng đừng, bà Mừng và má của Rót thất thiểu ra về. “Từ chỗ đó, quá bức xúc đi. Nhà báo với mấy cô chị cố gắng giúp đỡ gia đình Bồ Rót. Gia đình là người Khmer, trình độ yếu kém, nghèo khổ, chỉ biết nhờ vào luật pháp thôi, để đem cái công bằng cho dân thôi, chứ không biết làm sao đâu”, bà Mừng nói.
Lần này, do có phóng viên đi theo nên việc nộp đơn trót lọt. Tuy nhiên, chúng tôi không thể không đặt vấn đề là liệu việc điều tra vụ án ông chủ xưởng gỗ nêu trên có khách quan hay không, khi có dấu hiệu gia đình nạn nhân bị chính công an huyện gây khó khăn?
Liệu những lời khoe khoang của ông chủ xưởng Phong khi gợi ý, mớm cung cho Lý Vũ Phong khai sai sự thật là ông đã quen biết hết với quan chức, công an chỉ là lời khoác lác hay có phần sự thật?
Cùng với việc đích thân trưởng công an xã đi phát tờ rơi gây hoang mang dư luận và nhiều vụ việc khác cho thấy vụ án đang rất phức tạp.
Để bảo đảm vụ án được điều tra khách quan, rốt ráo, Xa lộ Pháp luật đề nghị Công an tỉnh Bình Dương rút vụ án giao cho cơ quan điều tra cấp tỉnh.
Theo Xa lộ pháp luật