Công an Ninh Bình"che chắn" cho"siêu lừa" Bạch Ngọc?

* Danh sách bị Đinh Thị Bạch Ngọc “lừa” ngày càng dài, có người đọc báo PLVN mới “tá hỏa” vì biết mình là nạn nhân.
* Mặc dù có căn cứ cho thấy hành vi của Ngọc cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng CQĐT CA TP.Ninh Bình lại cho rằng đó là quan hệ dân sự.

Danh sách bị Đinh Thị Bạch Ngọc “lừa” ngày càng dài, có người đọc báo PLVN online mới “tá hỏa” vì biết mình là nạn nhân. Mặc dù có căn cứ cho thấy hành vi của Ngọc cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng CQĐT CA TP.Ninh Bình lại cho rằng đó là quan hệ dân sự.

Danh sách nạn nhân nối dài

Như PLVN online đã thông tin, Đinh Thị Bạch Ngọc nguyên là cán bộ Ngân hàng Công Thương chi nhánh Gia Viễn - Ninh Bình. Khi còn đương chức, lợi dụng lòng tin của khách hàng, bằng nhiều thủ đoạn Ngọc đã chiếm đoạt trót lọt hàng tỷ đồng.

b
Đinh Thị Bạch Ngọc

Thủ đoạn của Ngọc khá tinh vi, đa phần hướng đến những người phụ nữ không chồng hoặc người già cả. Khi khách đến Ngân hàng gửi tiền, Ngọc gọi khách ra cổng nhỏ to, để Ngọc đến tận nhà vay có việc riêng và sẽ trả lãi cao hơn. Và Ngọc tìm đến nhà đưa ra lý do thuyết phục để vay tiền. Đến kỳ hạn, Ngọc trả lãi đúng hẹn và trả lãi cao hơn lãi suất ngân hàng. Đến khi chiếm được lòng tin, vay được nhiều tiền thì Ngọc lặn không sủi tăm. Thấy có dấu hiệu lừa đảo, nhiều người làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng thì Ngân hàng Công thương Ninh Bình lập tức cho Ngọc thôi việc.

Mới đây, sau khi Báo PLVN online phản ánh vụ việc, tòa soạn liên tục nhận được nhiều đơn từ phản ánh của bạn đọc cho biết họ cũng là nạn nhận của Ngọc. Danh sách nạn nhân gửi đến báo đã lên con số 9.

Bỏ lọt tội phạm?

Mặc dù hành vi lừa đảo để chiếm đoạt tiền vay của Ngọc là khá rõ nhưng thật ngạc nhiên, CQĐT CA TP.Ninh Bình (CQĐT) lại “che chắn” cho rằng hành vi của Ngọc không có dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Đơn cử, trong giấy vay tiền đề ngày 5/2/2008, giữa bà Nguyễn Thùy Liên (tru tại 175 Trần Hưng Đạo, TP.Ninh Bình) với vợ chồng Ngọc thể hiện rõ mục đích vay tiền: “Tôi Đinh Thị Ngọc và chồng là Tống Văn Hà có vay của chị Liên số tiền 2,5 tỷ đồng để cho con gái làm công trình tại Quảng Ninh. Vợ chồng tôi xin chịu trách nhiệm về khoản tiền này và sẽ thanh toán cho chị Liên đầy đủ…”. Sau đó, vợ chồng Ngọc đã sử dụng số tiền vay được để trả các khoản nợ nần và không có khả năng hoàn trả lại cho bà Liên. Hành vi gian dối của Ngọc là rõ thế nhưng, trong thông báo số 95, ra ngày 18/5/2009, CQĐT một mặt thừa nhận việc sử dụng tiền vay là gian dối, mặt khác lại viện ra lý do để gỡ tội cho Ngọc: “Mục đích chị Ngọc vay mượn trên là để đáo hạn, trả lãi các khoản vay nợ, không sử dụng tiền vay vào các việc bất hợp pháp, không có hành vi gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền vay nợ”.

Chưa dừng lại, trong Công văn ngày 30/5/2010 phúc đáp Báo PLVN online, CQĐT CA TP.Ninh Bình tiếp tục thể hiện thái độ đó trước hành vi vi phạm của Ngọc: Sau khi tổ chức điều tra xác minh, CQĐT thấy việc vay mượn giữa chị Đinh Thị Bạch Ngọc và các chủ nợ là quan hệ dân sự, không đủ các yếu tố cấu thành tội phạm. CQĐT đã có kết luận và hướng dẫn các bên khởi kiện ra TAND để được giải quyết theo luật tố tụng dân sự.

Luật sư Lê Minh Hải - Trưởng Văn phòng Luật sư Royal (Đoàn Luật sư Hà Nội) - phân tích: Để xác định một người có phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay không có 4 yếu tố cấu thành. Ở đây, chủ thể có năng lực hành vi đã được xác định. Khách thể ở đây là lợi ích tài sản bị xâm phạm là tiền vay cũng đã rõ. Để xác định mặt chủ quan - người thực hiện hành vi - cố ý hay vô ý cũng không phải là khó. Cái quan trọng nhất là xác định mặt khách quan của tội phạm. Cần làm rõ hai căn cứ cơ bản đó là đã có hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh rõ chủ tâm của Ngọc khi vay tiền là nhằm mục đích gì. Ví dụ trong giấy vay tiền của bà Liên nêu trên nói là vay để cho con gái thực hiện dự án thì CQĐT phải xác minh có đúng bà này sử dụng vào mục đích đó không. Nếu khác thì đó là hành vi gian dối. “Khi hành vi gian dối đã xác định thì nó là điều kiện để thực hiện hành vi chiếm đoạt. Theo căn cứ Báo nêu, mục đích mà Ngọc sử dụng tiền không phải là cho con gái làm dự án ở Quảng Ninh mà để trả nợ. Sử dụng không đúng mục đích thì rõ ràng đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt rồi” - Luật sư Hải phân tích.

Tạm kết

Trên thực tế, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, nhiều đối tượng như Ngọc đã lách luật thực hiện hành vi lừa đảo với lý do “đáo nợ” để biến hành vi phạm tội của mình thành quan hệ dân sự. Ở đây, như phân tích của luật sư Hải, việc vay tiền của Ngọc là để sử dụng vào mục đích khác chứ không phải “đáo nợ” như trả lời của CQĐT cho bị hại và phúc đáp cho Báo PLVN online. Có hay không việc Công an tỉnh Ninh Bình cho “chìm xuồng” một vụ lừa đảo? Công luận đòi hỏi các cơ quan chức năng phải trả lời rõ nghi vấn này.
P.H

Đọc thêm