Tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết
Báo cáo Chỉ số PAPI cho biết, những nỗ lực của Việt Nam trong năm 2022 nhằm khắc phục các tác động kinh tế - xã hội của 2 năm đại dịch đã giúp tăng niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế của hộ gia đình và của quốc gia. Đáng chú ý, có tới 66,1% số người được hỏi đánh giá nền kinh tế quốc gia là “tốt” vào năm 2022, tăng 19,4% so với 1 năm trước đó...
Tuy cảm nhận về điều kiện kinh tế khá hơn, nhưng nhiều người vẫn còn nỗi lo ngại về ảnh hưởng của đại dịch, trong đó người dân tộc thiểu số và phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tỉ lệ nghèo đói và việc làm không ổn định cao hơn ở 2 nhóm này. Trong năm qua, 22,13% số người trả lời lựa chọn nghèo đói là vấn đề hệ trọng nhất cần Nhà nước tập trung giải quyết.
Trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng (PCTN), kết quả khảo sát PAPI năm 2022 cho thấy thái độ của công chúng đối với vấn đề tham nhũng cũng đang thay đổi. Tỉ lệ người được hỏi cho rằng tham nhũng là vấn đề hệ trọng cần Nhà nước tập trung giải quyết trong năm 2022 tăng 4,8% so với năm 2021. Xu hướng này nhất quán với những phát hiện của chỉ số nội dung Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, với số người dân ghi nhận hiệu quả kiểm soát tham nhũng của chính quyền địa phương lần đầu tiên kể từ năm 2016 sụt giảm.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tỉ lệ người dân cho rằng phải nhờ vào mối quan hệ thân quen với người có chức, có quyền mới xin được việc làm trong cơ quan nhà nước tăng lên. Trong năm 2022, Kiên Giang và Trà Vinh là hai tỉnh có hiện trạng “vị thân” trở nên phổ biến hơn so với các tỉnh/TP khác.
Báo cáo nhấn mạnh, tỉ lệ người dân phải “chung chi” khi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất cũng gia tăng: tỉ lệ người làm thủ tục hành chính xin cấp mới hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã phải chi “lót tay” dao động từ 40% đến 90% ở 35 tỉnh/TP... Hiện trạng “chung chi” để làm xong thủ tục xin cấp đổi hoặc cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phổ biến nhất ở các tỉnh còn nghèo như Đắk Lắk, Quảng Trị và Sơn La…
Tuy nhiên, tỉ lệ người cho biết đã phải đưa lót tay khi làm thủ tục này giảm ở 34 tỉnh/TP qua 2 năm 2021 và 2022. Đặc biệt, tỉ lệ này giảm trên 20% ở 7 tỉnh gồm Bình Thuận, Điện Biên, Đồng Tháp, Hà Nam, Hưng Yên, Sóc Trăng và Thái Bình.
Kết quả khảo sát PAPI 2022 cũng cho thấy, chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong việc công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương giúp cảnh báo sớm nguy cơ sai trái, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu tham nhũng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân vẫn phản ánh về tính thiếu chính xác trong việc lập danh sách hộ nghèo của chính quyền cấp cơ sở để hộ thực sự nghèo tiếp cận được sự hỗ trợ của Nhà nước.
Tuy nhiên, người dân ghi nhận sự cải thiện trong việc công khai thông tin thu, chi ngân sách cấp xã trong năm 2022.
Thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền
Báo cáo PAPI 2022 cũng phân tích kết quả khảo sát công dân về một số vấn đề nhằm cung cấp dẫn cứ cho việc thảo luận sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị thực thi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022. Trong đó, người dân cho rằng bồi thường thu hồi đất còn ở mức quá thấp và đây là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn tới khiếu kiện liên quan đến thu hồi.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại buổi công bố báo cáo. |
Từ đó, báo cáo đưa ra khuyến nghị, bảng giá đất ở địa phương cần được cập nhật thường xuyên, thay vì 4 năm một lần, để theo kịp giá giao dịch quyền sử dụng đất trong dân cư vốn vẫn thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là ở khu vực thành thị. Cuộc khảo sát cũng cho thấy có tới 70% số người được hỏi không biết giá đất trên thị trường hoặc không biết giá đất chính thức do địa phương ban hành. Đây có thể là kết quả của sự hạn chế trong nhận thức và thiếu sự tham gia của người dân vào công tác lập kế hoạch sử dụng đất ở địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị công bố Báo cáo, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh, chỉ số PAPI là những con số “biết nói”, chuyển tải thông điệp từ cảm nhận, suy nghĩ và ý nguyện của người dân, là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng và Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục khắc phục hậu quả kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 và chiến dịch phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được Đảng và Nhà nước triển khai rộng khắp..., ông Nguyễn Hữu Dũng mong muốn, chỉ số PAPI sẽ tiếp tục cung cấp dữ liệu cần thiết và đáng tin cậy, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền, đóng góp đáng kể vào quá trình đổi mới tư duy, hướng tới nền quản trị công hiện đại và đổi mới chính sách dựa trên dẫn chứng từ thực tiễn.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cũng nêu rõ, chương trình nghiên cứu Chỉ số PAPI nhằm phản ánh đánh giá của người dân về việc thực hiện chính sách và các chương trình phát triển của Nhà nước, từ đó đóng góp vào việc cải thiện và tăng cường khả năng đáp ứng, tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền. Báo cáo PAPI 2022 cung cấp nguồn dữ liệu thực chứng quan trọng để các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương theo dõi hiệu quả hoạt động của mình trong công tác điều hành, quản lý nhà nước, hành chính công và cung ứng dịch vụ công.