Sáng nay - 5/5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức lễ công bố trực tuyến Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019.
Chỉ số PCI do VCCI và USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 DN, trong đó có khoảng 11.000 DN dân doanh đang hoạt động tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại 21 địa phương tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, TS Vũ Tiễn Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh kết quả PCI - 2019 như cánh chim báo tin vui về những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương của Việt Nam, đặc biệt là từ của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ này.
“Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy dàn nhạc cải cách đã đồng điệu hơn ở các địa phương…”- TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ông cũng ví von 7 điểm khởi sắc của PCI- 2019 như 7 sắc cầu vồng trên bầu trời thể chế. Đó là: Sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; Công tác giải quyết khó khăn vướng mắc của DN có nhiều tiến bộ; Môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; Tính minh bạch được cải thiện; Cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; Chi phí không chính thức tiếp tục giảm; Cải cách hành chính được đẩy mạnh...
Theo Chủ tịch VCCI, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh trở nên tươi sáng hơn. Ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80 % DN bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của DN được tiếp tục khơi dậy.
Ở thời điểm giữa năm 2019, khi tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% DN trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Người dân hăng say thành lập DN, chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 DN được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. “Đó là những con số của niềm tin!”- Chủ tịch VCCI khẳng định.
|
Lần đầu tiên PCI được công bố trực tuyến |
Cũng theo Chủ tịch VCCI, điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% DN cho biết họ gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, 53% DN gặp khó khăn vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch; 43% DN gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư...
Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số DN phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức.
Một điều nữa cũng được cộng đồng DN quan ngại là trong khi các tỉnh thành phố đứng ở cuối bảng xếp hạng đã có nhiều nỗ lực để vượt lên thì những địa phương ở top dẫn đầu - những ngôi sao cải cách - đã chưa có được những cải cách bứt phá nào đáng kể trong mấy năm qua, hành trình cải cách mới chỉ dừng lại ở những việc làm còn tương đối dễ dàng.
“Điều này cho thấy, một mặt, rất cần có thêm những động lực mới cho cải cách từ cơ sở. Mặt khác, cần nâng trần thể chế ở cấp trung ương…” - Chủ tịch VCCI khẳng định, đồng thời bày tỏ hy vọng các quyết sách mới đây của Quốc hội, của Chính phủ về việc khẩn trương rà xét, xóa bỏ những chồng chéo, bất cập trong hệ thống pháp luật và chủ trương của Đảng ta ban hành cơ chế khuyến khích, bảo vệ những người dũng cảm, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung đang được triển khai sẽ giúp trang bị “tấm áo giáp sắt” an toàn và những động lực mới cho sự phát triển năng động của chính quyền cấp tỉnh, nhất là các tỉnh thành phố giữ vai trò dẫn dắt, mở đường...
PCI -2019 phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trước đại dịch Covid. “Bây giờ thì tình hình đã khác, nỗi lo suy thoái đang là xu hướng chủ đạo. Nhưng chúng ta tin rằng chỉ số niềm tin của người dân và cộng đồng DN vào sự điều hành của các cấp chính quyền năm 2020 chắc chắn sẽ vẫn khả quan…”- TS Lộc khẳng định.
Ông cho rằng, cũng như trong các cuộc chiến mà chúng ta phải đương đầu, cuộc chiến chống Covid-19 đã củng cố trong mỗi chúng ta niềm tin: Khi chúng ta khơi dậy được tinh thần yêu nước và sự đồng lòng để toàn dân ra trận, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì chúng ta luôn có thể làm được những điều tưởng như không thể.
“Việt Nam trở thành một trong số các quốc gia hiếm hoi đã sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh để có thể tiên phong mở cửa thị trường, tái khởi động, phục hồi nền kinh tế... Đó là cơ hội vàng của người đi trước. Nhưng chúng ta cũng hiểu rất rõ rằng: phục hồi không phải trở lại ngày hôm qua và tái khởi động không phải là vẫn làm theo cách cũ. Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các DN sẽ phải kinh doanh sáng tạo và phải có trách nhiệm hơn. Chính quyền kiến tạo song hành với DN sang tạo và có trách nhiệm sẽ là những mái chèo đưa con thuyền Kinh tế Việt Nam vươn ra biển lớn. Và PCI sẽ nguyện tiếp tục là cánh chim không mỏi “nối vòng tay lớn” của “những mái chèo” Chính quyền - DN ở Việt Nam…” - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
|
Thay vì hàng nghìn đại biểu tham dự như những năm trước, năm nay lễ công bố PCI chỉ có số lượng người hạn chế tham dự trực tiếp |
Với chủ đề: “Tự động hoá và chuyển đối số trong DN – cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm ở nước ta”, Báo cáo PCI năm nay cho biết, có 67% DN cho biết họ đã tự động hoá một phần công việc trong 03 năm qua, và có tới 75% DN dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 03 năm tới. Cả các DN tự nhân trong nước và các DN FDI dự kiến sẽ tự động hoá từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay.