Theo Báo cáo Chỉ số Cạnh tranh Công nghiệp của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hợp quốc, chỉ số công nghiệp Việt Nam đứng thứ 42 toàn cầu và thứ 5 trong nhóm các nước Nam và Đông Nam Á. Chỉ số này cho thấy sự cải thiện đáng kể của Việt Nam từ vị trí thứ 69 năm 2006 đã lên 25 bậc sau 10 năm. Tuy nhiên, cải thiện chỉ đến từ khía cạnh xuất khẩu mà chưa có sự đóng góp của giá trị gia tăng.
Sách Trắng cũng cho thấy, xuất khẩu ngành chế biến chế tạo tăng lên trong giai đoạn 2006 - 2016, tỷ trọng xuất khẩu hàng chế biến chế tạo trong tổng xuất khẩu tăng hơn so với Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia nhưng hàm lượng nội địa trong xuất khẩu giảm từ 56% năm 2006 xuống còn 52% vào năm 2015.
Theo Sách Trắng, ngành chế biến thực phẩm phụ thuộc nhiều vào máy móc nhập khẩu, tăng sự phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc. Ngành dệt may da giày thì có giá trị gia tăng trong nước thấp, phụ thuộc quá nhiều vào vải nhập khẩu, vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thông qua làm thầu phụ.
Sách Trắng kiến nghị cần hỗ trợ và nghiên cứu, tổ chức các chương trình cho thuê máy móc thiết bị nhà xưởng, thúc đẩy hỗ trợ lao động có tay nghề, hình thành các cụm công nghiệp thực phẩm. Đồng thời, đưa ra các kiến nghị chính sách nhằm đạt mục tiêu của Chính phủ là thúc đẩy công nghiệp hóa thông qua nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng và cải tiến công nghệ có tính đến tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và già hóa dân số.