Công dân Hà Nội, “sổ đỏ” Hòa Bình

 Tranh chấp địa giới hành chính giữa huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đang được xem là chuyện hi hữu xảy ra ở Việt Nam... Người có trách nhiệm nói rằng hệ lụy của sự không ổn định sẽ dẫn đến “thiệt đủ thứ”: người dân thiệt, cán bộ thiệt, thiệt về cả cục diện…

Tranh chấp địa giới hành chính giữa huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đang được xem là chuyện hi hữu xảy ra ở Việt Nam. Hiện tại, nếu theo cách tính của tỉnh Hoà Bình, khu vực tranh chấp có thể lên đến hàng trăm ha, ảnh hưởng đến khoảng 4000 - 5000 hộ dân sinh sống. Trong khi đó, người có trách nhiệm nói rằng hệ lụy của sự không ổn định sẽ dẫn đến “thiệt đủ thứ”: người dân thiệt, cán bộ thiệt, thiệt về cả cục diện…

Hàng cột đèn chiếu sáng nằm trên quốc lộ 6 do Hòa Bình lắp đặt để khẳng định “ranh giới” với TP.Hà Nội
Hàng cột đèn chiếu sáng nằm trên quốc lộ 6 do Hòa Bình lắp đặt để khẳng định “ranh giới” với TP.Hà Nội

Bất hòa kéo dài

Đến cuối thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ), dấu hiệu “bất hòa” bắt đầu thể hiện ngay nơi tấm biển ghi địa giới hành chính. Theo đó, cái biển ghi tên “địa phận Hòa Bình”  ngay cuối thị trấn Xuân Mai đã bị ai đó xóa đi nên giờ đây chỉ còn trơ lại màu xanh nhàn nhạt. Trong khi đó, ở chiều ngược lại từ Hòa Bình về Hà Nội, cũng tấm biển này, phần ghi “địa phận Hà Nội” cũng bị ai đó làm mờ.

Cũng liên quan đến tấm biển nói trên, năm 2009, khi Hà Tây sáp nhập về Hà Nội, lực lượng chức năng thị trấn Xuân Mai đã bắt quả tang một công dân tỉnh bạn có hành vi khá kỳ cục. Phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, ông Đinh Mạnh Hùng nhớ lại, đó là thời điểm giáp Tết nguyên đán, lực lực chức năng thị trấn Xuân Mai phát hiện “người lạ” hì hục nhổ và mang tấm biển ghi địa giới hành chính Hà Nội đi nơi khác.

Lập tức, người này bị dẫn giải về UBND thị trấn để lấy “lời khai”. Ban đầu tưởng anh ấy là người đi trộm sắt vụ về bán phế liệu, nhưng trong bản “tường trình” của mình, người này cho biết mình là công dân của tỉnh Hòa Bình, thực hiện việc “nhổ” biển ghi địa giới bởi có sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện Lương Sơn.

Năm hết Tết đến, lãnh đạo huyện Chương Mỹ yêu cầu chủ tịch UBND thị trấn Xuân Mai “phóng thích” công dân tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, chủ tịch thị trấn Xuân Mai đề nghị “trước khi thả người thì phải ra quyết định cách chức chủ tịch UBND thị trấn đã”. Tình hình căng thẳng, đích thân lãnh đạo huyện Lương Sơn phải đến Chương Mỹ “đàm phán” thì công dân “nhổ biển báo địa giới” mới được về ăn Tết cùng gia đình.

Và ngay cuối thị trấn Xuân Mai, huyện Lương Sơn cũng đã hoàn thành dự án dựng các cột đèn chiếu sáng nằm trên quốc lộ 6. Dãy đèn chiếu sáng này nằm phía bên tay trái theo hướng Hà Nội – Hòa. “Thấy dân mình thiệt thòi, Chương Mỹ cũng có kế hoạch lắp nốt hàng cột đèn “đối ứng” mặt đường bên phải để bà con đi lại sáng sủa. Tuy nhiên, đến khi ra lắp đặt thì phía Lương Sơn cho lực lượng ra ngăn cản nên không thực hiện được”, một lãnh đạo huyện Chương Mỹ, cho biết.

“Ăn một chỗ, đỗ một nơi”

Qua nhiều lần hiệp thương, nhưng mốc giới cuối cùng về vị trí địa lý vẫn không được lãnh đạo hai huyện Lương Sơn và Chương Mỹ bắt tay nhau nhất trí, tán đồng.

“Đàm phán” cấp cơ sở không xuôi, huyện Chương Mỹ đã nhiều lần có văn bản “kêu cứu” UBND TP. Hà Nội. Trong một báo cáo năm 2010 của huyện này cho thấy, chỉ riêng thị trấn Xuân Mai, tổng số hộ trong vùng chồng lấn với xã Hòa Sơn (Hòa Bình) là 400 hộ dân, với 1.944 nhân khẩu. Trong đó, thị trấn Xuân Mai đang quản lý nhân hộ khẩu và đất đai của 305 hộ dân với 1.544 khẩu, còn lại huyện Lương Sơn quản lý 95 hộ với 400 nhân khẩu.

Cùng chung “điểm nóng”, nhưng “linh hoạt” hơn, huyện Lương Sơn đã nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho 55 hộ! Trong khi đó, phía Chương Mỹ không tiến hành cấp sổ đỏ cho bất cứ hộ dân nào.

Không dừng lại ở con số 55, báo cáo của huyện Chương Mỹ khẳng định, ở xã Thủy Xuân Tiên, năm 2001, huyện Lương Sơn cũng đã tiến hành cấp sổ đỏ cho 48 hộ. Phía Chương Mỹ khẳng định, việc cấp sổ đỏ như vậy của huyện Lương Sơn là sai, bởi khu vực đất mà các hộ này đang sử dụng nằm trong “sổ đỏ” của Trường Cao đẳng cộng đồng Hà Tây, do tỉnh Hà Tây trước đây cấp. Và, đất đang có tranh chấp thì không được làm các thủ tục về cấp đất…

Từ đó có những nghịch lý, mà trên thực tế, rất khó giải quyết. Ông Đinh Mạnh Hùng cho hay, nhiều công dân hiện nay hưởng các chính sách như y tế, bảo hiểm, sinh hoạt đảng và các chế độ ở Chương Mỹ, nhưng thực tế sổ đỏ lại được huyện Lương Sơn cấp.

Minh chứng cho điều này, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Chương Mỹ (TNMT), ông Nguyễn Đăng Hùng, cho biết, mới đây, khi ông Đào Xuân An (khu Tân Mai, thị trấn Xuân Mai) đưa sổ đỏ ra ngân hàng thế chấp vay vốn thì bị Phòng TNMT giữ lại và lập biên bản. Lý do là sổ đỏ này do UBND huyện Lương Sơn cấp!

Trong buổi làm việc với phóng viên, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cho biết, quan điểm của tỉnh Hòa Bình về xác định địa giới hành chính, là tỉnh bạn đề nghị phía Tây đường Hồ Chí Minh thuộc về Hòa Bình, phía Đông đường Hồ Chí Minh thuộc về Hà Nội. “Tôi không hiểu người ta nghĩ gì, nếu thực hiện đề xuất như vậy sẽ xáo trộn đến cuộc sống của khoảng hai nghìn hộ dân”.

Việt Hưng

Đọc thêm