Thời gian gần đây, dọc theo Quốc lộ 1A và Quốc lộ 19 (đoạn qua huyện An Nhơn, Tuy Phước và TP. Quy Nhơn) xuất hiện hàng chục hộ chuyên mua bán đá cảnh (thực chất là san hô được khai thác từ biển).
Theo các đầu nậu, san hồ được nhập từ huyện Sông Cầu (Phú Yên) và TP. Nha Trang (Khánh Hoà). San hô được khai thác từ Sông Cầu và Nha Trang có chất lượng tốt, đa dạng về hình dáng. Đồng thời, san hô đang trong giai đoạn sinh trưởng nên khi nở hết sẽ rất đẹp, nên nhiều tay chơi sanh cảnh và non bộ rất ưa chuộng. Đá cảnh được bán tuỳ theo nhu cầu của khách hàng, có thể mua theo ký hoặc theo khối với giá 1,3 - 1,5 triệu đồng/m3.
Điều đáng nói, san hồ được bày bán công khai nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng địa phương vẫn không biết. Có ý kiến cho rằng, san hô được khai thác từ địa phương khác, các hộ dân chỉ là người mua đi bán lại để kiếm lời nên khó xử phạt.
Tuy san hô không được khai thác trên địa bàn Bình Định, nhưng việc mua bán tài nguyên biển đã tiếp tay cho những đối tượng tàn phá hệ sinh thái và môi trường biển. Bởi có cầu ắt sẽ có cung, người dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà sẽ đổ xô đi khai thác san hô để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các rạn san hô sẽ bị suy thoái và có nguy cơ biến mất do tốc độ khai thác quá nhanh.
Các nguồn lợi hải sản, sự đa dạng sinh học chắc chắn sẽ bị suy giảm. Đặc biệt, san hô biến mất đồng nghĩa với chức năng chắn sóng tự nhiên của chúng bị vô hiệu hoá khi có bão hoặc sóng thần. Hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho người dân ở địa phương có san hô bị khai thác mà đây còn là thảm hoạ cho tất cả. Những tác hại trên, chẳng lẽ các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định không biết?.
M.Nhân