Công tác giám sát chưa theo kịp “nhịp thở” của thực tiễn

(PLO) -Đó là nhận định được nêu ra tại tọa đàm “Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay – Thực trạng và giải pháp” diễn ra hôm nay (17/10) do Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
Nhiều ý kiến cho rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề xã hội bức xúc, cần được giám sát và giải quyết tận gốc. (Ảnh minh họa)

Nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội, nhiều đại biểu thống nhất cho rằng thời gian qua, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ đã được thực hiện rộng rãi, từng bước đi vào chiều sâu. MTTQ các cấp đã phát huy trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân nhân.

Tuy nhiên, công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ vẫn còn những hạn chế nhất định, hiệu quả pháp lý chưa cao; chủ yếu mới thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến nhẹ nhàng; chưa có phương thức giám sát đúng nghĩa. Ngoài ra, nhiều nơi còn lúng túng trong lựa chọn nội dung giám sát và phản biện xã hội, chưa đưa ra được tiêu chí để lựa chọn nội dung phù hợp.

Nói như ông Tạ Văn Sỹ - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam, Mặt trận chưa thường xuyên và thiếu cơ chế phối hợp với các tổ chức thành viên trong việc nắm bắt và phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, công tác giám sát và phản biện xã hội còn nặng về hành chính, chưa theo kịp “nhịp thở” của thực tiễn đời sống xã hội.

Ở chừng mực nào đó, một bộ phận không nhỏ trong nhân dân đến nay vẫn chưa thực sự hiểu về công tác Mặt trận, khiến một số nội dung, chương trình hoạt động của Mặt trận chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của người dân, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. 

Khắc phục những bất cập này, các đại biểu đề nghị MTTQ các cáp cần tăng cường và phát huy hơn nữa hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội ngay tại cơ sở; đồng thời cần có nhiều kênh trao đổi thông tin, góp phần đảm bảo dân chủ hoá mọi hoạt động xã hội, không để xảy ra điểm nóng, bức xúc do người dân thiếu thông tin hoặc cấp uỷ, chính quyền không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân… 

“Những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc phải được sớm đề đạt đến cấp uỷ Đảng, cũng như chính quyền tại địa phương thông qua nhiều hình thức, trong đó đặc biệt có nội dung đối thoại để người dân thể hiện được chính kiến, đề nghị của mình và chính quyền thấu hiểu, chia sẻ, có trách nhiệm với nhân dân. Qua đó giải quyết được những bức xúc của nhân dân đúng quy định của pháp luật và theo tình hình thực tế tại địa phương”- ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TP. Hồ Chí Minh đề xuất.

Cùng với đó, các đại biểu đề nghị trong quá trình giám sát, phản biện, MTTQ Việt Nam các cấp cần lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà thực tiễn cuộc sống đang đặt ra và được đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm. Sau qua trình giám sát cũng cần “theo đuổi” đến cùng vụ việc, xem các cơ quan chức năng giải quyết ra sao, có đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan hay không. Qua những việc làm đó sẽ thu hút sự đồng tình, ủng hộ của người dân, nâng cao chất lượng của công tác giám sát.

Cho rằng có nhiều việc phải giám sát và phản biện, nhưng theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh- MTTQ không thể làm cùng một lúc, làm tất cả được mà phải có kế hoạch dài hạn và từng giai đoạn. Trước mắt nên lựa chọn những vấn đề phù hợp, thiết thực với đời sống để thực hiện. Đồng thời, trước khi triển khai, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần có chương trình, kế hoạch, nội dung giám sát và phản biện xã hội cụ thể, báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp để được hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện.

Đọc thêm