Công tác hòa giải: Cầu nối đưa pháp luật hướng về cơ sở

Những năm qua, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức pháp luật, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong nhân dân. Tuy nhiên, để công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả hơn nữa, vẫn cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hoạt động này.

Những năm qua, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Định đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức pháp luật, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong nhân dân. Tuy nhiên, để công tác hòa giải ở cơ sở phát huy hiệu quả hơn nữa, vẫn cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về hoạt động này.

Bà con làng T1, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân (Bình Định)  tham gia buổi tuyên truyền về công tác hòa giải ở cơ sở
Bà con làng T1, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân (Bình Định) tham gia buổi tuyên truyền về công tác hòa giải ở cơ sở

Những kết quả đáng ghi nhận

Công tác hòa giải ở cơ sở nhằm dàn xếp các mâu thuẫn nhỏ, tranh chấp xảy ra tại cộng đồng dân cư nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, hành chính để giữ gìn tình làng nghĩa xóm. Ngoài ra, hòa giải còn nhằm hàn gắn những mâu thuẫn xảy ra trong nội bộ gia đình, dòng tộc để vun đắp hạnh phúc cho mỗi thành viên trong gia đình.

Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định có 1.122 tổ hoà giải (THG) với gần 8.000 hòa giải viên (HGV). THG được thành lập ở thôn, làng, khu phố, cụm dân cư theo mô hình tự nguyện và tự quản. HGV ở cơ sở là thành viên của các tổ chức, đoàn thể như mặt trận tổ quốc, thanh niên, phụ nữ, người cao tuổi, hội cựu chiến binh...

Họ là những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, có kiến thức pháp luật, có trách nhiệm với công việc hoà giải; đặc biệt, phải là người có uy tín trong cộng đồng dân cư.

Hoạt động hoà giải được lồng ghép cùng với việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động ở cơ sở do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” nhằm gắn công tác hoà giải ở cơ sở với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2009 đến nay, các THG trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tiếp nhận 7.398 vụ việc; chủ yếu ở các lĩnh vực hôn nhân, gia đình, dân sự, đất đai. Qua đó, các HGV đã hòa giải thành 6.170 vụ, đạt tỷ lệ 83%. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư; giữ gìn, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; phòng ngừa và hạn chế vi phạm pháp luật; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Công tác hòa giải cơ sở cũng góp phần giảm đáng kể các vụ khiếu kiện kéo dài, vượt cấp gây lãng phí tiền của, công sức cho các cơ quan nhà nước, công dân...

Cần phát huy hơn nữa tính chuyên nghiệp

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác hoà giải ở cơ sở tại Bình Định vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế như chế độ bồi dưỡng cho HGV và điều kiện hoạt động của công tác hòa giải chưa được quan tâm đúng mức. Một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của công tác hoà giải cơ sở.

Bên cạnh đó, một số xã, thị trấn do biên chế cán bộ ít nhưng lại đảm trách nhiều công việc nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác hoà giải. Các THG thường xuyên thay đổi nhân sự nên việc nắm bắt một số quy định pháp luật và tích lỹ kinh nghiệm trong công tác hoà giải còn hạn chế...

Theo ông Lê Việt Cường, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Bình Định: Thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ trương, đường lối về công tác hoà giải ở cơ sở nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về hoạt động này. Đồng thời, sử dụng ngày càng nhiều biện pháp hoà giải để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư.

Mặt khác, củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức hoà giải và nâng cao năng lực quản lý hoạt động hoà giải ở cơ sở, tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng, kinh nghiệm làm công tác hoà giải; tổ chức các cuộc thi HGV giỏi để giúp cho HGV có đủ kiến thức thực hiện nhiệm vụ.

Để công tác hòa giải ngày một phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và trật tự, an ninh ở địa phương, thiết nghĩ, bên cạnh sự quan tâm về tinh thần, các cấp, ngành chức năng cũng cần thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ của nhà nước cho hoạt động hoà giải và cho HGV

C.Luận

Đọc thêm