Hoàn thành xuất sắc kế hoạch công tác
Theo Báo cáo, với sự chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Lãnh đạo Bộ và sự nỗ lực, quyết tâm, đoàn kết của tập thể Lãnh đạo và công chức trong Vụ, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan, Vụ Hợp tác Quốc tế (Vụ HTQT) đã hoàn thành xuất sắc Kế hoạch công tác năm 2021 và các nhiệm vụ được giao.
Trong năm 2021, Vụ HTQT đã tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác đàm phán, ký kết các Thỏa thuận hợp tác và các chương trình, kế hoạch hợp tác để triển khai các Thỏa thuận đã ký nhằm tạo cơ sở cho việc tăng cường, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế. Tính đến ngày 25/11/2020, Vụ HTQT đã xây dựng, tiến hành đàm phán mới 26 văn kiện hợp tác với các đối tác.
Vụ đã tham mưu, lựa chọn các đối tác tin cậy để ký kết các văn kiện hợp tác. Việc ký kết các thỏa thuận đảm bảo đúng định hướng công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ về việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả hợp tác. Tiếp tục thúc đẩy hợp tác pháp luật, tư pháp với Liên bang Nga và triển khai công việc của Tổ công tác Việt – Nga trên cơ sở ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2021 của Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Liên bang Nga. Trong đó nổi bật là phối hợp với Bộ Tư pháp Liên bang Nga tổ chức thành công Tọa đàm trực tuyến trao đổi kinh nghiệm về đăng ký các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký tài sản.
Trao đổi, đàm phán với các đối tác về khả năng hợp tác và hình thành các dự án, phi dự án hỗn hỗ trợ hoạt động chuyên môn của Bộ Tư pháp và các cơ sở tư pháp nói chung: nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Lãnh đạo Bộ về xây dựng Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tư pháp Cu-ba, xây dựng đề xuất hợp tác với Quỹ HSF, Đức, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam; xây dựng bản ghi nhớ hợp tác với USAID về nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ngoài Tòa án…
|
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc và Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế Nguyễn Hữu Huyên đồng chủ trì Hội nghị. |
Tiếp tục triển khai và quản lý chặt chẽ Chương trình hợp tác 3 năm về đối thoại Nhà nước pháp quyền với Đức đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động chuyên môn thuộc Bộ và các cơ quan, tổ chức ngoài Bộ Tư pháp; Phối hợp với các Bộ, ngành, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục triển khai kết quả Phiên họp lần thứ 5 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Singapore…
Trong năm 2021, Vụ HTQT cũng tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đa phương. Trên bình diện khu vực, Vụ tích cực triển khai thực hiện nhiều hoạt động hợp tác về pháp luật và tư pháp trong khối ASEAN, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác ASEAN ngày càng phát triển theo hướng hiệu quả và thiết thực; tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với Liên minh châu Âu thông qua việc chủ trì, phối hợp với các cơ quan trao đổi, hoàn thiện và ký với EU Biên bản Phiên họp Tiểu ban 4...
Trên bình diện toàn cầu, Vụ tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Bộ trong việc duy trì mối quan hệ lâu dài, tốt đẹp với các cơ quan của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Vụ HTQT còn phối hợp chặt chẽ với cơ quan của UN, trong đó trực tiếp là UNDP, UNICEF để xây dựng Chiến lược hợp tác giai đoạn 2022 – 2026 giữa Việt Nam với UN; xây dựng dự thảo định hướng hợp tác giai đoạn 2022 – 2026 giữa Bộ Tư pháp với UNDP và dự án hợp tác giai đoạn mới với UNICEF.
Vụ HTQT cũng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đàm phán và thực hiện các thủ tục tiếp nhận 5 phi dự án, đàm phán và hoàn thành thủ tục ký phê duyệt Văn kiện 01 dự án (Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và nhóm yếu thế” do Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản (JSDF) tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới), đang tiếp tục đàm phán 1 dự án với UNICEF. Ngoài ra, Vụ cũng quản lý, thực hiện các chương trình, dự án, phi dự án hợp tác về pháp luật do Bộ Tư pháp là cơ quan chủ quản…
Tạo dấu ấn mới về tổ chức thực hiện công việc
Trong năm 2022, Vụ HTQT tập trung quán triệt và triển khai định hướng nhiệm vụ công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về pháp luật được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII trong các nhiệm vụ công tác hợp tác quốc tế của Bộ và đơn vị. Vụ cũng tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế theo đúng định hướng của Đảng, Nhà nước, Kết luận 73-KL/TW của Ban Bí thư và định hướng tăng cường hợp tác quốc tế của Bộ Tư pháp trong giai đoạn 2022 – 2026. Trong đó chú trọng và thực hiện hiệu quả, thực chất các hoạt động hợp tác với các đối tác đặc biệt, trọng tâm là Lào, Campuchia, Cu-ba.
|
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Tăng cường công tác thông tin đối ngoại góp phần duy trì hình ảnh, củng cố vị thế và nâng cao uy tín của Bộ, ngành Tư pháp trong quan hệ hợp tác quốc tế. Chủ động, tích cực tìm kiếm, vận động, đàm phán để hình thành mới các chương trình, dự án, phi dự án và các hoạt động hợp tác khác với Canada, USAID-Hoa Kỳ, Hàn Quốc, UNDP…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Vụ HTQT đã đạt được trong năm qua. Để đảm bảo việc thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành Tư pháp năm 2022, Thứ trưởng đề nghị tập thể Vụ HTQT cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa và triển khai các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai công tác đối ngoại thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và hình ảnh đối ngoại cây tre Việt Nam, các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác hợp tác quốc tế về pháp luật trong các nhiệm vụ công tác hợp tác quốc tế của Bộ và đơn vị.
Đổi mới mạnh mẽ việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Vụ, phân công, bố trí cán bộ hợp lý hơn, tạo dấu ấn mới về tổ chức thực hiện công việc mà trước hết là từng đồng chí Lãnh đạo Vụ và chủ chốt trong Vụ. Muốn đạt được những yêu cầu trên, Thứ trưởng đề nghị tập thể Vụ HTQT tiếp tục phát huy, thống nhất cao trên nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ là đơn vị tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật và quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động đối ngoại của Bộ theo quy định của pháp luật và Quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tư pháp.