Công tác ngành chưa sát thực tế vì phương pháp... "thủ công"

 Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, trong hai ngày 14-15/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo bàn về thực trạng, giải pháp và các phương pháp mới trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch (CTKH) công tác năm của ngành Tư pháp.

 

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam”, trong hai ngày 14-15/12, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo bàn về thực trạng, giải pháp và các phương pháp mới trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch (CTKH) công tác năm của ngành Tư pháp.

Chưa phù hợp thực tiễn

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên nhấn mạnh, việc lập CTKH công tác của ngành có vai trò hết sức quan trọng. Xây dựng CTKH chính là chuẩn bị công cụ để lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cũng như tổ chức thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cũng chỉ ra một số hạn chế trong xây dựng CTKH công tác của ngành như có tình trạng bỏ sót công việc, tính chuyên nghiệp chưa cao, sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan liên quan còn kém, chưa chặt chẽ… Vì thế, để giảm thiểu những tồn tại trên, Thứ trưởng cho rằng, cần phải có công thức, phương pháp khoa học nhằm xây dựng CTKH, dự kiến những kết quả đạt được đồng thời tiến hành đánh giá, kiểm tra, giám sát.

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ, ngành Tư pháp hiện đang sử dụng 7 phương pháp, kỹ thuật rà soát, thu thập, phân tích số liệu, thông tin trong công tác lập CTKH và chúng đều là những phương pháp, kỹ thuật phổ biến.

Tuy nhiên, một số phương pháp, kỹ thuật hoặc không còn phù hợp với thực tiễn, chưa được đầu tư thỏa đáng hoặc đã tỏ ra “thủ công”, lỗi thời, ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ và tính khả thi của CTKH. Một chuyên gia nhận định, những nhược điểm này dẫn đến hậu quả là nội dung CTKH công tác chưa sát với thực tế, dẫn đến triển khai không đúng kế hoạch, một số nhiệm vụ không hoàn thành…

Trưởng Văn phòng luật sư Investlinkco&Cộng sự Chu Thị Trang Vân cho rằng, ngành Tư pháp có nhiều thuận lợi trong việc xây dựng CTKH bởi sự phân cấp trong phạm vi ngành là rất rõ. “Phục vụ công tác lập CTKH của mình, ngành Tư pháp có thể nghiên cứu sử dụng một số phương pháp mới như phương pháp SWOT hay phương pháp rà soát, thu thập số liệu, thông tin từ những thực nghiệm”, Luật sư Vân đề xuất.

Địa phương chưa thực sự chủ động

Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hòa Bình Bùi Thị Thúy Bình cho biết, việc xây dựng CTKH của ngành Tư pháp Hòa Bình chủ yếu dựa vào kết quả của kỳ trước, thường nặng về chỉ đạo của cấp trên và kinh nghiệm của những người làm CTKH, thông tin thu thập còn kém tin cậy nên lệch so với tình hình thực tế…

Hòa Bình cũng chưa chú trọng tới lập CTKH, chiến lược dài hạn, mới chỉ đặt mục tiêu phát triển cho những năm tiếp theo mà không có phương án cụ thể để đạt được các mục tiêu ấy. Theo bà Bình, cần đầu tư cho công tác xây dựng CTKH, đặc biệt là cho việc thu thập và xử lý thông tin, nghiên cứu thị trường và sớm có bộ phận chuyên sâu về nghiên cứu.

Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội Phan Hồng Sơn khẳng định, xây dựng luật pháp thì thông tin quan trọng nhất là thông tin từ thực tế cuộc sống, qua cuộc sống. Do vậy, định hướng công tác toàn Ngành trong một năm chỉ nên xác định những trọng tâm, trọng điểm tập trung thực hiện, từ đó các Sở Tư pháp tham mưu cấp tỉnh ban hành chương trình công tác tư pháp trọng tâm của tỉnh. Đây cũng là kiến nghị được Thứ trưởng Hoàng Thế Liên tán thành.

Hoàng Thư

Đọc thêm