Công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã có những chuyển biến tích cực

(PLO) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định: “Công tác xây dựng và thi hành pháp luật đã có những chuyển biến tích cực, nhưng cũng còn những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục”.
Chất lượng văn bản được nâng lên 
Cùng với quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992, trong hai năm đầu nhiệm kỳ khóa XIII, các luật, pháp lệnh được ban hành đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội, với trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường - một trong ba đột phá chiến lược. Điều đáng nói là trong hai năm đầu của nhiệm kỳ, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được ban hành nhanh hơn, số lượng văn bản nợ đọng đã giảm theo từng năm.
Việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã được thực hiện cơ bản đúng thẩm quyền, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời bổ sung việc lấy ý kiến đối với các quy định về thủ tục hành chính trong các khâu góp ý, thẩm định theo quy định mới của Chính phủ. Chất lượng của văn bản quy định chi tiết thi hành so với những năm trước đây đã từng bước được nâng cao, giảm thiểu tối đa tình trạng quy định chung chung, mang tính nguyên tắc, khó thực hiện hoặc giao lại cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ tiếp tục quy định cụ thể. 
Ủy ban Pháp luật cơ bản đánh giá: Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan hữu quan đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; trình tự, thủ tục ban hành văn bản về cơ bản đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; chất lượng của nhiều văn bản cũng được nâng lên. “Những cố gắng này của các cơ quan đã có tác động tích cực tạo những chuyển biến góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống”. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Chánh án Trương Hòa Bình
trao đổi với các Đại biểu Quốc hội bên hành lang kỳ họp
 
Còn “tâm lý” chờ văn bản hướng dẫn
Tuy nhiên, công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết còn nhiều hạn chế. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận thấy còn nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa được ban hành kịp thời để bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm với hiệu lực của luật, pháp lệnh, nghị quyết. Một số văn bản vẫn còn những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa cụ thể đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc đưa quy định của văn bản pháp luật vào cuộc sống, làm giảm ý nghĩa thực tiễn của các văn bản do Quốc hội, UBTVQH ban hành. 
Trong số những tồn tại, hạn chế trong công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh đến tình trạng một số trường hợp Bộ, ngành, địa phương chưa chủ động, kịp thời tổ chức triển khai thi hành luật, pháp lệnh đã được thông qua do “tâm lý” chờ văn bản hướng dẫn, mặc dù một số nội dung của luật, pháp lệnh đã được quy định cụ thể, có thể thực hiện ngay. Góp phần gây ra những tồn tại, hạn chế này còn do việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong một số trường hợp chưa được thực hiện đầy đủ, còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao khiến nhiều quy định của luật, pháp lệnh chưa đến được với dân, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. 
Việc xử lý vi phạm pháp luật trong nhiều trường hợp chưa nghiêm, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân, gây tác động ngược đến tính thuyết phục của việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật, pháp lệnh. Bên cạnh đó, nguồn lực (cả về tài chính, nhân lực) triển khai thi hành luật, pháp lệnh mặc dù đã có cố gắng để tăng cường nhưng chưa ngang tầm nhiệm vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng và thi hành pháp luật… 
Chính phủ cũng thừa nhận chưa giải quyết cơ bản và vững chắc tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành. Nhiều văn bản quy định chi tiết tuy đã được ban hành nhưng chậm tiến độ, chưa bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh. Điều này làm cho một số quy định của luật, pháp lệnh không được thực thi khi đã có hiệu lực, nhiều trường hợp ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân đã được luật, pháp lệnh quy định. Vẫn còn tình trạng có văn bản hành chính, điều hành quản lý (không phải là văn bản quy phạm pháp luật) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ chứa đựng quy phạm pháp luật hoặc có nội dung không phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật cấp trên…
Vì thế, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan của Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát tối cao tại các kỳ họp của Quốc hội đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, các cơ quan có liên quan trong việc xem xét, chỉ đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật khi đã rõ sự cần thiết ban hành, chính sách cơ bản của dự án luật, pháp lệnh. 
Trong quá trình xem xét thẩm tra, thông qua dự án luật, pháp lệnh phải xác định rõ, cụ thể hơn một số chính sách pháp luật, nhất là chính sách xã hội hóa, thu hút, ưu đãi nghề nhằm hạn chế tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong quá trình phối hợp quy định chi tiết; xác định hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh để bảo đảm thời gian cần thiết cho việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức thi hành, đặc biệt là trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Đặc biệt, về lâu dài, phải nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh, giảm thiểu một cách cơ bản việc phải ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh…

Đọc thêm