Công ty cà phê ép công nhân uống “chén đắng”?

Cây cà phê càng già lại càng phải cõng trên thân nó những khoản thu quá nặng, chuyện đang xảy ra tại Công ty cà phê Ea Sim, trụ sở tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. 

Cây cà phê càng già lại càng phải cõng trên thân nó những khoản thu quá nặng, chuyện đang xảy ra tại Công ty cà phê Ea Sim, trụ sở tại huyện Cư Kuin, Đắk Lắk. 

Ông Nguyễn Văn Bình, công nhân đội 11 trao đổi với phóng viên.

O ép đủ đường

PLVN vừa  nhận được đơn kêu cứu của một số công nhân thuộc Công ty cà phê Ea Sim, tố giác hàng loạt  sai phạm của doanh nghiệp (DN) gây tổn hại đến lợi chính đáng của người lao động.

Theo cáo buộc của các công nhân này, từ năm 1997, Công ty Ea Sim bắt đầu thay đổi mức giao khoán đối với công nhân. Thay vì mức giao khoán có lợi cho cả hai bên để cùng tồn tại thì nay công ty ra một mức giao khoán đẩy hết khó khăn về phía người lao động, với hàng loạt khoản thu bất hợp lý.

Từ thời điểm đó, đơn thư khiếu tố của công nhân thậm chí đã đưa bức xúc trên các rẫy ca phê Tây Nguyên ra đến tận Hà Nội. Trong các năm 2000-2001, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Thanh tra Chính phủ đã gửi các đoàn thanh tra vào Đăk Lắk, và các kết luận thanh tra đã cho thấy, giá trị vườn cây của DN chỉ 12,5 tỷ đồng nhưng khi áp dụng cho công nhân lại tăng vống lên thành 27,5 tỷ, hệ lụy là  công nhân phải đóng tiền giá trị vườn cây cao gấp đôi so với thực tế.

Nhưng thanh tra vào rồi thanh tra lại ra, và sự bất hợp lý trong giao khoán lại tại đây, thì  theo cáo buộc của công nhân, vẫn tiếp tục tồn tại năm này qua năm khác. Cho đến phương thức giao khoán mới giai đoạn 2011- 2015, khi cây cà phê của công ty đa số được trồng từ năm 1982 đến 1984 nay đã trở nên già cỗi, DN vẫn yêu cầu phần thu nộp sản thậm chí còn ao hơn lúc cây đang trong giai đoạn cho trái tốt.

Bị o ép đủ đường, nhiều hộ gia đình công nhân đã không chịu ký vào hợp đồng, mà điển hình là 16 hộ thuộc đội 11 của công ty. Lúc này, để đáp lại, lãnh đạo DN đã cho ra đời bản phụ lục hợp đồng nêu rõ: nếu công nhân không chịu ký vào hợp đồng mới thì sẽ bị tịch thu vườn cây giao lại cho người khác.

“Trước sức ép như vậy có nhiều gia đình đã phải kí hợp đồng trong sự ép buộc. Vì tất cả công nhân ở đây đã gắn bó với đất, với công việc này đã gần 30 năm từ hồi mới vào định cư lập nghiệp. Nếu bị thu vườn, cả nhà họ chỉ còn nước chết đói” - ông Bình, một trong 16 hộ dân của đội 11 nói như vậy.

Lãnh đạo công ty vô can?

Quả thật, khi xem qua danh sách những khoản “đóng góp” mà Công ty Ea Sim thu của công nhân, chúng tôi không khỏi giật mình ái ngại.  Không chỉ “phí chồng phí”, mà có những khoản thu, theo cáo buộc của công nhân là hết sức bất hợp lý. Như khấu hao tài sản cố định, tiếng là khấu hao mà năm nào cũng thấy DN thu đủ 100%. Hay như vấn đề nước tưới, công ty làm mương và bắt công nhân đóng thuế đã đành một nhẽ, nhưng chẳng may vườn nào không đủ nước mà muốn tưới cho đủ thì phải nộp thêm 3 triệu đồng/ha/năm, coi như chỉ riêng tiền nước cũng phải đóng tới hai lần…

Nhưng trao đổi với chúng tôi về những vấn đề mà các công nhân cáo buộc, ông Nguyễn Văn Vọng - Giám đốc Công ty Cà phê Ea Sim nói rằng, DN không tự đưa ra phương thức giao khoán mới mà căn cứ theo hướng dẫn của Tổng công ty Cà phê Việt Nam và các quy định pháp luật hiện hành, như Nghị định 135 của Chính phủ, Thông tư 102 của Bộ NN&PTNT. Ông Vọng cũng một mực tin rằng, “công ty đã khảo sát vườn cây năm 2011 và nó vẫn cho ra quả rất nhiều”.

Nhưng có một điều mà  ông giám đốc không đã không nói, đó là theo cái phương án mà công ty của ông chủ động đề xuất lên tổng công ty (chứ không theo hướng dẫn của tổng công ty), thì cây cà phê càng già lại càng phải cõng trên thân nó những khoản thu quá nặng.  Và rằng, vòng sinh trưởng của cây cà phê đã được kéo giãn từ 20 năm lên 25 năm, rồi giờ đây là 30 năm.

Cũng với lối lập luận né tránh trách nhiệm như vậy, khi đề cập đến bản phụ lục hợp đồng, điều mà công nhân tố giác bị ép kí nếu không muốn bị tịch thu vườn cây, ông Vọng nói rằng đó là do giám đốc tiền nhiệm chủ xướng không phải ông. Với những khoản thu bất hợp lý, như tiền nước đóng hai lần, khấu hao tài sản cố định năm nào cũng đều đều thu 100%, theo ông, đó là  nhằm mục đích tu bổ các công trình cơ bản…

Nhưng dẫu ông giám đốc biện luận như thế nào, thì vấn đề có thể thấy rất rõ ở đây là phương thức giao khoán của Công ty cà phê Ea Sim đang bộc lộ quá nhiều điểm  bất hợp lý, không xem xét đến thực tế khách quan của vườn cây cà phê đã quá tuổi cho trái để hạ mức giao khoán cho công nhân.

Ngọc Anh

Đọc thêm