UBND quận Dương Kinh vừa ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Cổ phần đầu tư SVC Việt Nam vì đã xây dựng nhà, công trình tại bãi sông của tuyến đê biển I, phường Anh Dũng. Cụ thể, doanh nghiệp tự ý dựng 03 silo chứa xi măng trên 12 đế móng bê tông, vi phạm pháp luật về lĩnh vực đê điều. Vị trí của 03 silo cách chân đê 90m về phía sông.
Theo nội dung quyết định xử phạt số 357, doanh nghiệp bị xử phạt 60 triệu và buộc phải tháo dỡ, di dời 03 silo chứa xi măng, trả lại hiện trạng ban đầu. Thời hạn thực hiện là biện pháp khắc phục hậu quả là trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
|
Sau hơn 3 tháng từ ngày bị xử phạt, công trình vi phạm vẫn án binh bất động, |
Trước đó, ngày 7/3/2023, Hạt quản lý đê điều Dương Kinh (Chi cục Thuỷ lợi & PCTT Hải Phòng) đã có biên bản làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư SVC Việt Nam ghi nhận việc doanh nghiệp xây dựng nhà và công trình tại bãi sông, tương ứng với vị trí km2+700 tuyến đê biển I, phường Anh Dũng.
Đại diện công ty có mặt tại thời điểm làm việc là ông Nguyễn Duy Khanh - Giám đốc vật tư, thiết bị - không xuất trình được giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Đến ngày 9/3/2023, UBND phường Anh Dũng phối hợp với Phòng kinh tế quận Dương Kinh, Hạt quản lý đê điều lập biên bản về vụ việc. Nội dung kết luận biên bản yêu cầu phía doanh nghiệp phải tự tháo dỡ công trình vi phạm và trả lại nguyên trạng ban đầu xong trước ngày 13/3/2023.
Để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát xử lý dứt điểm công trình vi phạm tại bãi sông trên địa bàn phường Anh Dũng, UBND quận Dương Kinh đã ban hành văn bản số 494/UBND-KT chỉ đạo UBND phường Anh Dũng phối hợp với Hạt quản lý đê điều Dương Kinh tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tháo dỡ công trình vi phạm. Trường hợp chủ đầu tư không tự nguyện tháo dỡ, Chủ tịch UBND phường Anh Dũng xây dựng phương án và triển khai thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm.
Trao đổi với PLVN, lãnh đạo UBND quận Dương Kinh cho hay, quan điểm của quận là doanh nghiệp phải tiến hành tháo dỡ 03 silo và trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, đã quá 3 tháng kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt, các công trình vi phạm vẫn án binh bất động, chưa có dấu hiệu tháo dỡ, di dời.