Công ty hóa chất Monsanto: “Bạn của nhà nông”, hay tội đồ hủy diệt hệ sinh thái?

(PLO) - Ngày 8/8 vừa qua, phiên tòa xét xử vụ kiện hãng Monsanto về cáo buộc sản xuất thuốc diệt cỏ gây ung thư đã bước vào phần tranh luận. Đây là lần đầu tiên Monsanto phải ra tòa vì cáo buộc trên.
Máy bay C-123 rải thuốc khai quang trong chiến tranh Việt Nam. Hình chụp năm 1970

Biết nguy nhưng vẫn giấu?

Phiên tòa xuất phát từ đơn kiện của ông Dewayne Johnson, 46 tuổi, vốn là người chịu trách nhiệm kiểm soát dịch hại cho một hệ thống các trường học tại bang California. Ông Johnson là 1 trong hơn 5.000 nguyên đơn trên khắp nước Mỹ đã đứng đơn kiện tố cáo các loại thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate của Monsanto, bao gồm cả loại thuốc có tên Roundup đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới, gây ung thư. 

Ông Johnson cho biết đã sử dụng thuốc diệt cỏ Roundup và một loại thuốc diệt cỏ khác cũng chứa glyphosate của Monsanto tên Ranger Pro khi dọn vườn tại các trường học trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2014. Tần suất sử dụng các loại thuốc diệt cỏ trên của ông trong giai đoạn này là khoảng 30 lần mỗi năm. Ông Johnson hiện đang bị ung thư giai đoạn cuối. Nguyên đơn trong đơn kiện yêu cầu Monsanto bồi thường 39 triệu USD vì những tổn hại mà ông phải chịu đựng, đồng thời đề nghị tòa phạt Monsanto 373 triệu USD.

Trước khi bước vào phần tranh luận, trong tuần qua, các luật sư của 2 bên đã hoàn tất việc cung cấp các luận chứng của mình. Tại phiên tòa, ông Brent Wisner – luật sư của nguyên đơn Johnson – đã thúc giục bồi thẩm đoàn buộc Monsanto phải chịu trách nhiệm và bị trừng phạt bằng một phán quyết mà theo ông sẽ “thực sự thay đổi cả thế giới”. 

Theo luật sư Wisner, Monsanto biết rõ về nguy cơ gây ung của chất glyphosate nhưng vẫn quyết định giấu thông tin và đưa hóa chất độc hại này vào các sản phẩm của công ty. Lập luận của nguyên đơn xuất phát từ việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2015 công bố thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto có thể gây ung thư. 

Tuy nhiên, phía Monsanto bác bỏ cáo buộc này. Monsanto dựa vào kết luận được Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ công bố hồi tháng 9/2017, theo đó cho rằng glyphosate không gây ung thư người. Luật sư của Monsanto cũng cho rằng những lời chứng của các chuyên gia mà ông Johnson và những người khác dựa vào đó để kiện công ty không đáp ứng các yêu cầu pháp lý và khoa học. 

Tại phiên tranh luận, đoàn bồi thẩm đoàn sẽ làm rõ 3 vấn đề, bao gồm glyphosate có gây ung thư hay không, Monsanto có che giấu người tiêu dùng và các cơ quan quản lý về nguy cơ ung thư khi sử dụng sản phẩm Roundup không và cuối cùng là Monsanto phải bồi thường bao nhiêu nếu bị tuyên thua kiện. Nếu tòa kết luận Monsanto phải chịu trách nhiệm về việc ông Johnson bị ung thư, bồi thẩm đoàn có thể yêu cầu mức bồi thường nhiều hơn so với con số 39 triệu USD mà nguyên đơn yêu cầu. 

Đơn kiện của ông Johnson được đệ trình lên tòa án vào năm 2016. Vụ việc đang xem xét theo tiến trình xét xử nhanh do tình trạng bệnh ung thư hạch không Hodgkin nghiêm trọng mà ông đang mắc phải.

Theo các bác sỹ, ông này nhiều khả năng sẽ không  thể sống được qua năm 2020. Vụ kiện này một lần nữa đưa Monsanto và những lùm xùm của công ty này trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, nhất là những quan ngại liên quan đến sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup mang tính “thương hiệu” của công ty.

Hồ sơ đầy tai tiếng

Công ty Monsanto được thành lập vào năm 1901, ban đầu chuyên sản xuất các chất phụ gia thực phẩm. Trải qua hơn 1 thế kỷ, họ phát triển thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới về các loại hạt giống biến đổi gen, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu. Vài năm trước, Monsanto có đến hơn 22.000 nhân viên, hoạt động tại các xưởng sản xuất ở 61 nước trên thế giới. Đến tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Bayer của Đức đã hoàn tất việc mua lại công ty này với giá trị thương vụ lên đến 62,5 tỉ USD.

Với người Việt, đây là cái tên không hề xa lạ. Là một trong những nhà thầu của chính phủ Mỹ, Monsanto chính là nhà sản xuất Chất độc Da cam lớn nhất, với lượng độc chất chết người mạnh nhất trong số các công ty sản xuất hóa chất diệt cỏ cho chính phủ Mỹ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. 

Nguyên đơn Dewayne Johnson tại tòa án

Các nguồn tin cho biết, hiệu lực hóa học trong sản phẩm chất diệt cỏ của Monsanto có khả năng gây tử vong cao gấp 1.000 lần so với các công ty hóa chất sản xuất Chất độc Da cam khác. Năm 2004, Monsanto trở thành một trong các công ty chính trong danh sách bị đơn bị Hiệp hội các nạn nhân Da cam Việt Nam khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại lên tòa án ở Mỹ.

Nhưng sau 5 năm theo đuổi, vụ án đã khép lại do các tòa án ở Mỹ đã bác đơn của bên nguyên, bất chấp việc các nghiên cứu khoa học và thực tế cho thấy rõ Chất độc Da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam có liên quan đến nhiều vấn đề nghiêm trọng ở sức khỏe của nạn nhân như bệnh ung thư, tiểu đường và các trường hợp dị dạng ở thai nhi. 

Ngoài ra, Monsanto cũng dính vào hết vụ kiện này tới vụ kiện khác liên quan đến các sản phẩm của mình ở khắp nơi trên thế giới. Tháng 4/2015, hàng loạt nông dân ở Los Angeles, Mỹ đã đệ đơn kiện tập thể chống lại Monsanto, cáo buộc công ty này đã gian dối khi quảng cáo về thành phần hoạt tính trong thuốc diệt cỏ Roundup của hãng.

Trong đơn kiện, các nguyên đơn cáo buộc Monsanto đã cố tình quảng cáo sai lệch rằng glyphosate – thành phần hoạt chất trong Roundup – chỉ tác động tới một loại enzyme được tìm thấy trong cây trồng chứ không xuất hiện ở người hay động vật, hoặc nói cách khác là không gây hại tới con người, trái ngược với kết quả nghiên cứu của WHO. 

“Roundup diệt cỏ dại trong vườn và diệt luôn cả vi khuẩn trong dạ dày của con người. Vì nó diệt vi khuẩn trong ruột nên glyphosate có liên quan đến các vấn đề về dạ dày và ruột, khó tiêu, viêm loét dạ dày, khó tiêu, viêm đại tràng, mất ngủ, hôn mê, trầm cảm, dị ứng, béo phì, tiểu đường, vô sinh, bệnh gan, suy thận, tự kỷ, Alzheimer’s, rối loạn nội tiết và như WHO mới đây công bố thì glyphosate còn có thể gây ung thư”, luật sư Matthew Phillips, đại diện cho các nguyên đơn ở Los Angeles khi đó, tuyên bố. 

Cùng lúc đối mặt hàng trăm đơn kiện

Trước đó, năm 2014, giới chức Sri Lanka đã quyết định cấm hoàn toàn glyphosate – thành phần đã được cấp bằng sáng chế cho Monsanto vào những năm 1970 và hiện vẫn là thành phần hoạt chất thuốc diệt cỏ Roundup của công ty do lo ngại rằng hóa chất này có thể có liên quan tới bệnh thận và cướp đi sinh mạng của những người hoạt động trong ngành nông nghiệp.

Trước lệnh cấm trên, một công trình nghiên cứu của Tạp chí quốc tế về nghiên cứu môi trường và sức khỏe cộng đồng nhận thấy Roundup, hay cụ thể là glyphosate, sẽ trở nên vô cùng độc hại với thận khi được trộn với nước “cứng” hay các loại kim loại như cadmium và arsenic. Trong khi đó, các loại kim loại này lại vẫn thường tồn tại tự nhiên trong đất hay được hình thành trong môi trường đất do tác động của phân bón.

Cùng với cáo buộc bán các hóa chất độc hại, có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người, nguồn nước, các loại cây trồng và môi trường nói chung, Monsanto cũng bị chỉ trích nặng nề về thái độ bất cần trước các quy định về an toàn thực phẩm. Còn những người nông dân thì cáo buộc công ty này tìm cách giành thế độc quyền trong thị trường hạt giống, gây ảnh hưởng xấu tới sinh kế của người nông dân. 

Hàng loạt những cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối Monsanto vì thế đã nổ ra trong suốt thời gian qua. Trong đó, tại Nam Mỹ, nhiều người biểu tình nhấn mạnh rằng họ tin rằng chính các sản phẩm thuốc trừ sâu và các sản phẩm biến đổi gen của công ty trên là nguyên nhân dẫn tới các bệnh về thần kinh và ung thư. 

Năm 2017, Tòa án Quốc tế về Monsanto tại La Haye, Hà Lan đã ra phán quyết kết luận công ty này hủy diệt môi trường, gây tác hại lâu dài tới hệ sinh thái và cuộc sống của người dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam. “Nếu tội hủy diệt sinh thái được công nhận trong Luật Hình sự quốc tế, các hoạt động của tập đoàn hóa chất Monsanto hoàn toàn có thể cấu thành tội danh như vậy”, bản án nêu rõ. 

Trong thất bại pháp lý mới nhất của Monsanto, hôm 7/8 vừa qua, thẩm phán liên bang tại Brazil đã ra phán quyết yêu cầu dừng sử dụng glyphosate – thành phần chính của thuốc diệt cỏ Roundup - đồng thời cấm cấp phép đăng ký với các sản phẩm mới chứa thành phần này vì những lo ngại đối với sức khỏe và môi trường của chất này.

Hiện nay, hàng trăm đơn kiện chống lại Monsanto, bao gồm cả các đơn kiện tập thể ở cấp bang và cấp liên bang, vẫn đang chờ được giải quyết. Hồi tháng 7 vừa qua, Thẩm phán Vince Chhabria của Tòa án San Francisco đã ra phán quyết cho phép hàng trăm đơn kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup được đưa ra xét xử tại tòa án sau khi nhận thấy có những bằng chứng phù hợp để bồi thẩm đoàn xem xét các vụ việc.

Đọc thêm