Viện cớ phải xây dựng đường ống dẫn nước sạnh mới thay thế cho đường ống kim loại đã bị hỏng, Cty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Hà Nội (Viwaco) yêu cầu người dân đóng một nửa số tiền đầu tư một cách không hợp lý.
Xây dựng đường ống cấp nước sạch. Ảnh minh họa. |
Theo phản ánh của ông Nguyễn Tiến Đạt và một số cư dân thuộc Cụm 6, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội, vừa qua, các hộ dân trong địa bàn Cụm 6 nhận được một thông báo không hợp lý từ phía Tổ dân phố rằng, các hộ dân phải đóng tiền làm đường ống dẫn nước sạch mới. Đây là chủ trương được Đảng ủy, UBND phường thống nhất với chủ đầu tư là Công ty Viwaco.
Mặc dù biết rõ việc mua bán nước sạch là việc của các hộ gia đình với đơn vị kinh doanh nước sạch, UBND phường đã đứng ra “quyết” thay cho các hộ dân là điều bất hợp lý, những hộ dân này chưa biết “khiếu nại” bằng cách nào thì mới đây, Công ty Viwaco chính thức có thông báo về việc huy động vốn từ người dân để xây dựng đường ống mới này.
Theo Thông báo số 955/NS-KHKD ngày 12/11/2012 của Viwaco thì hệ thống đường ống nước của phường Kim Giang được xây dựng từ những năm 80-90 của thế kỷ trước bằng ống kim loại tráng kẽm, đến nay đã xuống cấp và gây thất thoát lượng nước sạch lên tới 65%. Vì vậy, Công ty cần phải cải tạo đường ống bằng việc thay mới hệ thống ông dẫn nước cao su tổng hợp HĐPE.
Công ty Viwaco tính toán, chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống ống dẫn nước mới khoảng 3,8 triệu đồng/1 hộ gia đình. Bản thân Công ty là doanh nghiệp phục vụ công ích của TP Hà Nội nên gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống đường ống. Vì vậy, Công ty đã họp với UBND phường Kim Giang cùng các tổ dân phố và đi đến thống nhất, mỗi hộ gia đình phải góp số tiền là 1,5 triệu đồng để làm đường ống mới.
Như vậy, những hộ gia đình trong Cụm 6 của phường Kim Giang bị đặt vào thế “đã rồi” và người khác quyết định tiêu tiều trong túi của các hộ dân. Không phải vì số tiền sẽ phải nộp cho Công ty Viwaco để làm đường ống khiến người dân bất bình mà chính là do “cuộc chơi” áp đặt không công bằng, thiếu tôn trọng khách hàng của Công ty Viwaco đã khiến nhiều hộ gia đình phản ứng.
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, người dân là những khách hàng mua nước sạch, còn Viwaco là bên bán với trách nhiệm là phải đầu tư trang thiết bị cung cấp “hàng sạch” cho từng hộ dân. Vì thế, việc đầu tư đường ống là việc của “bên bán” và nếu Công ty không làm đường ống dẫn đến thất thoát nước hoặc chất lượng nước kém thì thiệt hại cũng thuộc về Công ty chứ không phải thiệt hại của người dân.
Việc Viwaco thông qua chính quyền phường để áp đặt mức đóng góp “không hoàn lại” rõ ràng là không tôn trọng người dân. Đầu tư song không muốn vay vốn mà lại buộc người dân nộp tiền cho Công ty làm vốn là không thể chấp nhận được.
Người dân hoàn toàn ủng hộ chủ trương cải tạo đường ống để nâng cao chất lượng nước sạch và tránh thất thoát nước của Công ty Viwaco nhưng muốn công ty phải thay đổi cách làm. Người dân sẽ đồng ý ứng tiền để Công ty đầu tư xây dựng đường ống nhưng số tiền này phải được ghi nhận là tiền vay, sau này sẽ được trừ vào tiền nước. Có như vậy, sự công bằng giữa bên bán và bên mua mới được đảm bảo. Pháp luật không cho phép các doanh nghiệp độc quyền được “dựa hơi” nhà nước để o ép người dân, làm theo cách có lợi cho mình.
Để làm rõ các căn cứ mà Viwaco đưa ra yêu cầu đối với người dân, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hữu Cường, Phó Chủ nhiệm ĐLS tỉnh Lạng Sơn về vấn đề này. - Thưa Luật sư, việc tổ dân phố và UBND cấp phường quyết định mỗi hộ gia đình phải đóng góp một khoản tiền để cho doanh nghiệp kinh doanh nước sạch xây dựng đường ống có phù hợp với quy định của pháp luật hay không? - UBND cấp phường là cơ quan quản lý hành chính tại địa phương còn tổ dân phố là đơn vị tự quản của dân cự, về nguyên tắc chung của pháp luật đều không có chức năng làm đại diện cho các hộ gia đình trong các giao kết và thực hiện các hợp đồng dân sự, thương mại với các tổ chức cung cấp dịch vụ. Do đó, các đơn vị này không thể đại diện để quyết định các hộ gia đình phải nộp tiền cho doanh nghiệp để đầu tư xây dựng đường ống dẫn nước, không nói là số tiền rất lớn. Hơn nữa, khoản tiền xây dựng đường ống không phải là tiền thuế, phí hoặc lệ phí mà người dân phải nộp mà là một khoản vốn đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, chính quyền và các đơn vị tự quản như tổ dân phố không có thẩm quyền, trách nhiệm đứng ra thu hoặc yêu cầu nước dân phải nộp. Các cơ quan, tổ chức này chỉ có vai trò tuyên truyền, vận động cư dân về một chủ trương của doanh nghiệp để người dân ủng hộ. Quyền quyết định thuộc về từng hộ gia đình, người chủ của số tiền. - Việc doanh nghiệp như Viwaco đứng yêu cầu người dân phải đóng góp như “chủ trương” thống nhất với UBND phường và tổ dân phố thì có cơ sở pháp luật không, thưa ông? - Các doanh nghiệp kinh doanh nước sạch là hoạt động trong lĩnh vực công ích, chịu sự điều chỉnh của Nghị định 117/2007/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Theo Điều 55 của Nghị định 117 thì đơn vị cung cấp nước phải chịu trách nhiệm đầu tư thiết bị, đường ống dẫn nước, đồng hô đo nước. Khách hàng chỉ phải đầu tư vật tư nước để kết nối với đường ống từ đồng hồ đo nước vào hệ thống cấp nước của gia đình. Như vậy, khách hàng không phải bỏ tiền ra để đầu tư hệ thống cấp nước. Trong trường hợp bên cung cấp nước muốn kêu gọi vốn từ bên mua nước thì phải thỏa thuận với chính bên mua nước. Việc yêu cầu người dân đóng tiền vì đã “thống nhất” với UBND phường và tổ dân phố là không có cơ sở. Tôi nhắc lại là, đây không phải là khoản thuế, phí, lệ phí nên muốn dùng tiền của ai thì phải hỏi chính người đó. - Theo ông, người dân cho rằng cần phải tính tiền đóng góp của dân là tiền “ứng trước” để trừ vào hóa đơn tiền nước có hợp lý không? - Đây chính là một thỏa thuận vay vốn và hoàn trả vốn vay mà nhiều doanh nghiệp đã làm. Doanh nghiệp mượn tiền của dân để đầu tư rồi trả lại vốn cho người dân bằng chính hàng hóa từ kết quả đầu. Việc làm này là hợp lý nhất, vì doanh nghiệp không thể bắt người dân “biếu không” tiền cho doanh nghiệp làm vốn đầu tư. - Xin cảm ơn ông! |
Bình Minh