Cũng trong ngày xét xử hôm qua, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tỏ rõ sự mệt mỏi, sức khỏe không bảo đảm. Tuy nhiên, khi chủ tọa phiên tòa yêu cầu trình bày ngắn gọn thì Kiên nói: “Tôi sợ tim tôi không chịu được lâu nên trình bày luôn”. Khi chủ tọa cho “ngồi nói cho đỡ mệt” thì Kiên cũng thoái thác: “Xin đứng cho đỡ ép bụng”.
Theo án sơ thẩm thì Cty Thiên Nam không được cấp phép kinh doanh vàng vật chất, vàng trạng thái nhưng Kiên vẫn chỉ đạo Cty ký văn bản thoả thuận với Vietbank để tiếp nhận, tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính của Ngân hàng ACB.
Từ cuối năm 2009 đến tháng 7/2010, Cty Thiên Nam đã tiếp nhận và thực hiện việc mua, bán vàng trạng thái trên tài khoản ở nước ngoài 462.500 Ounce, trị giá hơn 500 nghìn USD (hơn 9 nghìn tỷ đồng); kinh doanh vàng trạng thái trong nước với Ngân hàng ACB gần 1 nghìn tỷ đồng. Tuy Kiên cho rằng trách nhiệm trong vụ việc này là thuộc Giám đốc Cty Thiên Nam là Lê Quang Trung nhưng HĐXX sơ thẩm vẫn thấy rằng Kiên giữ vai trò quyết định trong việc kinh doanh trái phép trên, là người gọi điện đến Ngân hàng ACB (qua hệ thống điện thoại ghi âm) để đặt lệnh mua bán vàng. Sau đó thì các lệnh này sẽ được thể hiện qua các Phiếu xác nhận do ông Lê Quang Trung ký.
Sau án sơ thẩm, Kiên và đại diện Cty Thiên Nam đều có đơn kháng cáo không đồng ý với nhận định trên. Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm qua, ông Tiến Anh đại diện Cty Thiên Nam cho biết doanh nghiệp này đã “rút toàn bộ kháng cáo”.
Tỏ ra không đồng ý với quyết định này, Kiên nói: “Tôi là Chủ tịch HĐQT Cty Thiên Nam. Anh Tiến Anh rút kháng cáo có được tôi đồng ý không?”. HĐXX phân tích: “Luật quy định người đại diện theo pháp luật là người có toàn quyền thực hiện mọi giao dịch và nghĩa vụ pháp lý của Cty. Ông Tiến Anh là Tổng Giám đốc”.
Trong khi đó, một Cty khác cũng do Kiên làm Chủ tịch là Cty CP Đầu tư Thương mại B&B (Cty B&B) do bà Đặng Ngọc Lan (vợ Kiên) làm Tổng Giám đốc thì vẫn giữ nguyên kháng cáo và tiếp tục khẳng định mình không kinh doanh trái phép và không trốn thuế. Bản án sơ thẩm cho rằng Cty này đã dùng hơn 2.300 tỷ để mua cổ phần, góp vốn vào Cty khác khi không được cấp phép ngành nghề kinh doanh tài chính.
Ngoài ra, Công ty này còn bị tuyên phải truy nộp hơn 25 tỷ vào ngân sách nhà nước vì HĐXX sơ thẩm cho rằng Cty đã trốn thuế thu nhập doanh nghiệp qua việc ủy thác đầu tư tài chính cho em gái Kiên để chuyển thành thu thập cá nhân (được miễn thuế.)
Trả lời về lý do kháng cáo, Đại diện Cty B&B cho biết: “Việc góp vốn mua cổ phần, cổ phiếu thì không cần đăng ký kinh doanh vì chỉ là hoạt động đầu tư thông thường. Còn về thuế thì qua hồ sơ và hạch toán đã thể hiện rõ, đã phân chia kết quả kinh doanh đầy đủ và thu phí ủy thác, đã kê khai vào sổ sách kế toán và báo cáo thuế. Cty đã được cơ quan Thuế kiểm tra và không có ý kiến gì”./.