Giang hồ từ trong trứng nước
Nguyễn Thị Liên tức Liên “tròn” ra đời năm Dần (1974) vào khung cảnh ấy của ngõ Chợ và lớn lên trong một gia đình thuộc dạng có số má. Liên có tới 3 người anh nhưng có thời gian đến ngót chục năm, đón giao thừa không bao giờ đủ các thành viên bởi các ông anh cứ thay phiên nhau ra tù vào tội, người này vừa mãn hạn, người kia lại phải đi trả án.
Tuy nhiên, các ông anh đều hết sức chiều chuộng Liên. Cách yêu thương của họ cũng khá lạ đời. Họ rất khoái dạy võ cho cô em gái, dù chỉ là dăm ba miếng cào cào và khuyến khích Liên bắt nạt bạn bè cùng trang lứa, bất kể là trai hay gái. Cả tuổi thơ, Liên luôn ở tư thế “kẻ trên” như thế và dễ hiểu vì sao cô sớm trở thành một nữ giang hồ.
Năm 18 tuổi, Liên đã có cuộc sống lấy đêm làm ngày, chơi không cần biết thời gian. Căn nhà nhỏ nơi ngách 166 ngõ Chợ chỉ còn như nhà trọ. Liên đã biết yêu và người yêu Liên là “nguyên mẫu” của 3 người anh ruột thịt. Bình “xẩm” hơn Liên mười mấy tuổi, khét tiếng ở khu vực hồ Ha-le (nay là hồ Thiền Quang, Hà Nội) với gần trăm thủ hạ tuổi choai choai.
Gặp Liên, Bình “xẩm” nhanh chóng bị hớp hồn bởi khuôn mặt tròn vành vạnh và cặp mắt dài có tia nhìn sắc lẹm. Lấy lòng người đẹp đến độ, chỉ một thời gian ngắn cặp kè, mọi lợi nhuận từ các hoạt động phi pháp, gã đã giao cho người tình nhỏ nắm giữ. Là bạn gái của đại ca, là tay hòm chìa khóa của băng nhóm nhưng Liên được đám đệ tử hầu hết hơn tuổi mình tôn trọng bởi một lẽ khác. Đó là bản lĩnh rợn người của một “cọp cái”.
Rạch mặt nạn nhân từ khoảng cách 3 mét
Thập niên 80-90 của thế kỷ trước, dằn mặt nhau bằng cách hủy hoại dung nhan là phương pháp được giới giang hồ ưa chuộng. Gây án bằng a-xít rất hiếm gặp. Có thể do thời đó a-xít không dễ kiếm hoặc do hậu quả quá tàn khốc, nếu bị bắt sẽ phải chịu sự trừng phạt rất nghiêm khắc của luật pháp. Vì thế, dao lam trở thành lựa chọn số một. Ai có thể ngờ lưỡi dao lam mỏng mảnh vẫn thường dùng để cạo râu, lại trở thành thứ vũ khí nguy hiểm đến thế. Lưỡi lam để nguyên chiếc. Phần giữa vẫn dùng để kẹp vào cán dao cạo, giờ được mắc hờ vào đầu ngón trỏ hoặc ngón giữa. Các sát thủ làm động tác như bắn bi, cộng với lực cổ tay vẩy mạnh. Lưỡi dao cạo xé gió lao đi...
Chẳng biết từ lúc nào, Liên “tròn” đã tập được bản lĩnh vẩy lưỡi lam cực kỳ chính xác. Năm 1994, Liên lần đầu chứng tỏ tài nghệ bằng vụ ra tay gây chấn động sàn nhảy Thư viện (Ngã tư Bà Triệu-Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Số là trong đám đệ tử của Bình “xẩm” có gã đàn em gia cảnh thuộc vào hàng thiếu gia. Gã này chết mê chết mệt cô bé Mai Anh - hoa khôi của một trường Trung học. Cậy tủ trộm được của bố mẹ bao nhiêu tiền, gã này đều mua sắm tư trang, cung phụng cho cô nàng hết. Đến khi Mai Anh lộ nguyên hình là một “thợ đào mỏ” có hạng thì số tiền gã nộp cho cô nàng đã trở thành khá lớn.
Liên “tròn” đã trải qua nhiều đau đớn để xóa đi hình xăm và quá khứ (minh họa) |
Vấn đề ở chỗ, sau khi “đá” gã không thương tiếc, Mai Anh còn tỏ vẻ khinh thường gã ra mặt, bởi bên cạnh cô nàng lúc này là Mão “mèo”. Tay anh chị này cũng thuộc hàng dữ dằn, chuyên tác oai tác quái ở khu vực Chợ Giời (phố Thịnh Yên, Hà Nội). Nghe đàn em than vãn, Bình “xẩm” lắc đầu: “Mày dại gái thì cho mày chết. Không lẽ vì con đàn bà của mày mà tao phải xua anh em ăn thua đủ với bọn thằng Mão, có đáng không?” Biết chuyện và cách xử lý của người tình, Liên lồng lộn: “Không thể để nó làm nhục anh em của mình được. Anh không làm thì tôi làm. Thằng Mão sẽ không thể biết đâu”.
Thực hiện lời hứa, Liên sai đệ tử liên tục dò la quy luật sinh hoạt của Mai Anh. Biết ban đêm cô “thợ đào mỏ” này rất thích đi nhảy nhót, Liên chọn địa điểm ra tay là sàn nhảy Thư viện, một sàn nhảy rất lộn xộn và hỗn tạp thời ấy. Vừa thấy Mai Anh và Mão “mèo” xuất hiện, Liên bí mật bám theo. Đợi lúc cô nàng rời khỏi người tình, một mình ra sàn lắc lư theo tiếng nhạc, Liên lập tức ập tới. Ở khoảng cách 3 mét, nấp phía sau nhiều người đang nhảy nhót khác, Liên khẽ vẩy ngón tay. Chỉ nghe một tiếng “tanh” rất nhẹ, Mai Anh ôm mặt, kêu lên thảm thiết. Máu từ kẽ ngón tay túa ra, đầm đìa. Cô nàng lăn lộn đau đớn giữa sàn nhảy. Không ai biết từ đâu, cái gì đã gây ra vết thương khủng khiếp đến thế. Một thời gian sau, Mai Anh phải nghỉ học để vào Sài Gòn làm thẩm mỹ xóa vết sẹo chạy dài từ cằm đến gò má. Chi phí chắc hẳn rất đắt đỏ nhưng dung nhan của cô mãi mãi không trở lại như trước được nữa.
Đốt dép cao su, xóa vết xăm để hoàn lương
Phi vụ rạch mặt này là phi vụ đầu tiên và làm không công. Trong khá nhiều cuộc thanh toán mà Liên sẽ tham gia về sau, đều do được thuê và trả tiền hậu hĩnh. Năm 1995, Bình “xẩm” đi tù án dài với rất nhiều tội danh. Băng nhóm hồ Thiền Quang nhanh chóng tan rã. Quen ăn chơi chứ không quen làm, Liên “tròn” tiếp tục dấn sâu vào tội lỗi. Liên tụ tập vài nữ quái khác, lập nên hội tạm gọi là “đòi nợ thuê”. Với thủ đoạn hăm dọa hoặc sẵn sàng ra tay tàn bạo, Liên cùng đồng bọn đã gây ra nhiều oan nghiệt cho người khác. Có điều, thực hiện tội ác từ khoảng cách xa, hành vi của Liên rất khó bị phát hiện. Mãi đến năm 1998, qua nhiều lần mai phục vất vả, cơ quan chức năng mới tóm được Liên cùng băng nhóm. Liên bị kết án 3 năm tù, trả án tại Trại giam Ba Sao (Hà Nam).
Thời gian này, tin dữ liên tiếp ập đến với Liên. Hai người anh chết vì sốc ma túy, người anh còn lại bị bắt khi đang vận chuyển “cái chết trắng”, bị kết án tù chung thân. Đón cái Tết đầu tiên trong trại giam, nghĩ về căn nhà nhỏ chỉ có mẹ già còm cõi, vong linh cha không có đứa con nào quỳ lạy, thắp một nén hương, nước mắt nữ giang hồ bỗng chảy dài không sao ngăn nổi. Kể từ lúc ấy, Liên hạ quyết tâm phải hoàn lương bằng mọi giá, để có ngày trở về báo hiếu mẹ, tạ tội với cha.
Tâm hồn đã được thanh lọc, nhưng quãng đời tội lỗi vẫn để lại dấu ấn là một bông hoa hồng xăm chàm trên bả vai. Và Liên đã có hành động chứng tỏ tâm nguyện thật quyết liệt. Sáng mùng 1 tết, phân trại được tổ chức liên hoan ngoài trời. Bằng chiếc dép cao su đốt trên bếp lửa nóng đến chảy nhựa, Liên ấp trực tiếp vào bờ vai mình. Da thịt cháy xèo xèo. Nước mắt tràn mi, Liên khóc không hẳn vì đau đớn. Liên khóc cho quãng đời sai lầm của mình và mong những giọt nước mắt ấy sẽ gột rửa đi tội lỗi. Một số phạm nhân nhìn thấy việc Liên làm nhưng đều không dám ngăn cản. Họ lờ mờ hiểu rằng chị đang trải qua một cuộc hành xác, để rồi thoát ra, hoàn toàn trở về nẻo thiện. Quá đau đớn, Liên sốt li bì suốt mấy ngày tết năm ấy. Bông hồng đã được xóa đi, chỉ còn lại vết sẹo bỏng lồi lõm.
“Cọp cái” năm nào giờ sợ chồng một phép
Hoàn thành thời gian cải tạo, Liên “tròn” thực sự đoạn tuyệt quá khứ, trở thành người lương thiện. Chị xin được một chỗ để đặt sạp báo bán lẻ trên phố Nguyễn Du. Cũng nhờ công việc này, Liên gặp được một nửa thực sự của mình. Anh ta là khách quen và nhanh chóng rung động trước vẻ mặn mà, cử chỉ nhẹ nhàng của cô bán báo. Tất nhiên đó chỉ là cảm nhận ban đầu của anh. Sau này thân thiết hơn, chị đã chọn thời điểm thích hợp, kể cho anh nghe tất cả về mình. Chị không tưởng tượng được rằng người hiền lành như anh lại chấp nhận được sự thật khủng khiếp như thế của một cô gái. Anh nói rằng hãy để quá khứ ngủ yên, anh chỉ yêu Liên của bây giờ, một phụ nữ dịu dàng, đằm thắm.
Anh chị tổ chức đám cưới giản dị. Dù có nhà ở Hà Nội, anh vẫn đến sống cùng chị. Bởi mong muốn của chị là được báo hiếu mẹ, chăm sóc cho ban thờ gia tiên, chờ đến ngày người anh trai trở về.
Gần chục năm chung sống, có với nhau 2 mặt con, “chồng bát có lúc còn xô”, thỉnh thoảng anh chị cũng xảy ra mâu thuẫn. Lúc nóng lên, thậm chí anh còn to tiếng với chị. Những lúc ấy, chị chỉ ngồi khóc tấm tức. Hàng xóm ngạc nhiên vô cùng trước tình huống ấy. Lựa lúc vợ chồng anh chị vui vẻ, họ tò mò: Ngày xưa cái Liên dữ như hổ cái, ông chồng làm thế nào mà huấn luyện được chúa sơn lâm thế? Anh chị chỉ nhìn nhau, không biết trả lời thế nào cho phải. Giải thích chuyện ấy, người biết Liên “tròn” từ nhỏ là bác tổ trưởng khu phố mỉm cười: “Có gì đâu. Cái Liên giờ đã là người lương thiện. Mà vợ ngoan thì phải biết sợ chồng chứ”.