Về vấn đề này, một chuyên viên cao cấp của Bộ Tài chính khẳng định sự thiếu trách nhiệm của đại diện phần vốn nhà nước ở đây rất rõ ràng, cụ thể là trong quá trình hoạt động công ty luôn thua lỗ mất vốn.
Tuy nhiên, để che lấp các khuyết điểm này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bàn giao vốn nhà nước (51%) sang Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam, và NXB Giáo dục đã phải nộp bổ sung vốn điều lệ nhằm bù đắp vốn cho Cty cổ phần hoạt động. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì việc dùng vốn lưu động của NXB Giáo dục nộp bổ sung vốn cho CTCP TBGD là sai phạm vì chưa xác định nguyên nhân thiếu vốn theo đăng ký.
“Đây là cái sai hiển nhiên của NXB Giáo dục, chúng tôi không rõ vì sao trước những vấn đề nghiêm trọng như vậy mà các cơ quan chức năng lại đứng ngoài”- vị này nhấn mạnh.
Ngoài ra, một khía cạnh quan trọng nữa không thể không nhắc đến là sự thiếu tôn trọng pháp luật của NXB Giáo dục. Điều này thể hiện qua việc gần đây mặc dù Tòa án đang thụ lý tranh chấp giữa các cổ đông về quyền sở hữu cổ phần thì NXB Giáo dục ngang nhiên bán đấu giá cổ phần khi chưa có quyết định của tòa án.
Diễn biến cụ thể sự việc như sau, dưới hình thức thoái vốn nhà nước, ngày 30/12/2014, đại diện sở hữu phần vốn nhà nước tại công ty là NXB Giáo dục đã chào bán cổ phần của Cty. Đơn vị đứng ra tổ chức thực hiện là Cty Chứng khoán Vietcombank.
Có thể coi đây là sự bất chấp pháp luật đến mức khó tin, khi mà không chỉ riêng TAND TP Hà Nội đang thụ lý vụ án tranh chấp của chính Cty, mà ngay cả TAND quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng đã chấp nhận giải quyết đơn của những cổ đông khác. Nhưng không rõ vì lý do gì mà NXB Giáo dục vẫn kiên quyết làm đến cùng.
Sự kiện quyết làm đến cùng này được thể hiện rõ ràng qua việc dù trước đó TAND TP Hà Nội đã có 2 văn bản đề nghị đơn vị đứng ra tổ chức bán đấu giá là Cty Chứng khoán Vietcombank có văn bản xác nhận vụ việc nhưng không hề được phúc đáp. Kết quả là buổi đấu giá vẫn được tổ chức và bán ra được 1.198.500 cổ phiếu. Cực chẳng đã, sau đó TAND TP Hà Nội đã phải ban hành 2 quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với CTCP TBGD 1.
Nói về vấn đề này, một chuyên gia tài chính cho biết việc thoái vốn trong quá trình tòa án đang thụ lý hồ sơ sẽ dẫn đến tâm lý không an toàn cho các nhà đầu tư. Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư không thể mạo hiểm tham giá đấu giá, vì thế hiệu quả thoái vốn sẽ rất thấp, và tiềm ẩn nguy cơ làm mất vốn nhà nước.
Hiện tại, rất nhiều cổ đông tư nhân của CTCP TBGD 1 đang tuyệt vọng vì một thập niên đã qua mà mọi việc dường như đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn.