Cty vận tải biển Thanh Phong làm giả hồ sơ trục lợi bảo hiểm?

Không chấp nhận bồi thường bảo hiểm, MIC còn chứng minh nguyên đơn là Cty TNHH vận tải biển Thanh Phong gian dối, làm giả hồ sơ nhằm trục lợi bảo hiểm.

Không chấp nhận bồi thường bảo hiểm, MIC còn chứng minh nguyên đơn là Cty TNHH vận tải biển Thanh Phong gian dối, làm giả hồ sơ nhằm trục lợi bảo hiểm.

Tàu Thanh Phong 36 được cứu hộ
Tàu Thanh Phong 36 được cứu hộ

Vừa chạy thử tàu đã chìm

Ngày 31/3/2009, hợp đồng bảo hiểm (BH) tàu ven biển cùng Giấy chứng nhận BH cho tàu Thanh Phong 36 đã được ký kết giữa Cty Thanh Phong và MIC. Theo đó, Cty Thanh Phong có nghĩa vụ đóng đủ và đúng hạn phí bảo hiểm và MIC có trách nhiệm xem xét bồi thường tổn thất khi có sự kiện được BH xảy ra.  

Ngày 15/12/2009, tàu Thanh Phong 36 rời cảng biển chạy thử mà không xin phép cảng vụ, trên tàu có 12 thuyền viên nhưng không có đại phó và sỹ quan máy theo quy định, lại gặp phải thời tiết xấu nên xảy ra sự cố chìm tàu. Sau khi xảy ra sự cố, MIC và nhà tàu đã hợp tác tiến hành trục vớt, sửa chữa nhằm khắc phục và hạn chế tối đa tổn thất.

Ngày 11/10/2010, Tổng Giám đốc MIC đã ký Công văn 837/2010 từ chối bồi thường tàu Thanh Phong với lý do tàu Thanh Phong hoạt động trong tình trạng thiếu định biên và rời cảng không có giấy phép của cảng vụ. Không đồng ý, Cty Thanh Phong khởi kiện ra TAND TP Hải Phòng đòi MIC bồi thường bảo hiểm.

Quá trình tòa án thụ lý vụ án, MIC cung cấp bản báo cáo giám định của Cty TNHH Giám định và Định giá 999 thực hiện phù hợp với quan điểm từ chối bồi thường của MIC. Theo đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tổn thất chìm tàu là do lỗi của chủ tàu.

Theo giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu của tàu phải có số thuyền viên tối thiểu là 8 người trong đó có một đại phó, và 1 sỹ quan máy nhưng khi khởi hành tàu Thanh Phong 36 không có đại phó và sỹ quan máy là vi phạm nghiêm trong các quy định của Luật Hàng hải và Quyết định 31 của Bộ GTVT. Hơn nữa, khi tàu rời cảng không xin phép cảng vụ. Tàu Thanh Phong 36 chỉ có sức chịu đựng được đến gió cấp 5 nhưng đã ra khơi khi biển có gió Đông Bắc cấp 6-7, giật trên cấp 7 vượt ngoài khả năng đi biển của tàu. Chủ tàu biết nhưng vẫn cố tình cho tàu hành trình là hành động cố ý cẩu thả, vi phạm quy tắc bảo hiểm, thuộc trường hợp loại trừ BH.

Phía Cty Thanh Phong thì cho rằng tàu Thanh Phong 36 có đủ khả năng đi biển, đủ khả năng hoạt động trước khi tàu khởi hành. Theo quy định, tàu chạy thử trong luồng nội địa không cần phải xin phép và tàu vẫn bố trí thuyền viên thích hợp. Cty Thanh Phong yêu cầu MIC phải bồi thường tổng số gần 6,5 tỷ đồng thiệt hại.

TAND TP Hải Phòng cho rằng hành vi vi phạm của tàu Thanh Phong 36 chỉ là những vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, nếu làm căn cứ để từ chối bảo hiểm là chưa phù hợp. Vì lẽ đó, bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu bồi thường của tàu Thanh Phong 36, buộc MIC phải bồi thường cho Cty Thanh Phong hơn 6,5 tỷ đồng.  

Làm giả hồ sơ để trục lợi bảo hiểm?

Không đồng ý với án sơ thẩm, MIC đã kháng cáo. Tại phiên xử phúc thẩm bị hoãn mới đây, phía MIC xin giao nộp chứng cứ mới chứng minh phía Cty Thanh Phong có hành vi gian dối, làm giả hồ sơ nhằm trục lợi BH, thể hiện tại Công văn số H29/ĐTHS- P10 ngày 15/6/2012 của Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng).

Theo đó, để được hưởng quyền lợi BH sau khi tàu chìm, Giám đốc Cty Thanh Phong đã thay đổi và hợp thức hóa các chức danh định biên an toàn của tàu Thanh Phong 36 tại thời điểm xảy ra tai nạn bằng cách làm giả danh sách thuyền viên.

Công văn H29 nêu rõ: Chủ tàu Thanh Phong 36 đã làm giả hồ sơ, khai ông Lương Văn Giang (người không có mặt trên tàu) làm thuyền trưởng, thay thuyền trưởng thực tế là ông Nguyễn Văn Thắng (người có mặt trên tàu, nhưng không có bằng thuyền trưởng) để trục lợi BH.

Cũng theo kết luận của Cục Điều tra hình sự, do trên tàu Thanh Phong 36 không có sỹ quan máy và sỹ quan boong, nên Cty Thanh Phong đã hợp thức hóa bằng việc đưa vào danh sách người tên Hưng thay sỹ quan máy; người tên Quyết thay sỹ quan boong.

Trong khi thực tế, những người trên đều không có mặt trên tàu, nhưng có trình độ chuyên môn và chức danh phù hợp theo quy định bắt buộc, nên đã được bổ sung nhằm hợp thức hóa vi phạm. Bù lại vị trí 3 nhân vật bổ sung trên, hồ sơ của Thanh Phong đã loại 3 người có mặt trên tàu hôm đó ra khỏi danh sách, khác với danh sách thuyền viên tàu Thanh Phong 36 do tàu SAR 411 (tàu cứu hộ) cung cấp. Cuối cùng, sau khi thêm và loại người, Thanh Phong đã cung cấp 1 bản danh sách mới cho Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng.

Luật sư Hằng Nga (ĐLS Hà Nội) bảo vệ quyền lợi phía MIC cho rằng, với chứng cứ mới nêu trên đã làm thay đổi toàn bộ bản chất vụ án, củng cố vững chắc các căn cứ thuộc các điều khoản loại trừ BH của MIC.

“Nếu nguyên đơn cho rằng các vi phạm của tàu Thanh Phong 36 chỉ là vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải thì việc thuyền trưởng Nguyễn Văn Thắng không có bằng thuyền trưởng theo quy định của pháp luật nhưng vẫn cố tình điều khiển tàu dẫn đến tai nạn đã phạm vào điều khoản loại trừ bảo hiểm của MIC. Do đó MIC hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại”- LS Hằng Nga khẳng định.

Nếu sự việc bị đơn “tố” nguyên đơn trục lợi BH được chứng minh thì pháp luật quy định việc xử lý bên trục lợi như thế nào, chúng tôi có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Trần Văn Toàn về vấn đề này:

Thưa Luật sư, nếu có việc hợp thức hóa hồ sơ để được BH thì người thực hiện việc làm này có bị buộc tội không?

- Hợp đồng BH là một quan hệ thương mại giữa bên bán và bên mua BH. Khi sự kiện BH xảy ra, bên đòi BH phải chứng minh quyền được hưởng BH. Họ có thể sử dụng cả những tài liệu không hợp lệ để chứng minh quyền lợi của mình.

Việc bên BH có thực hiện nghĩa vụ BH hay không sẽ căn cứ vào hợp đồng BH và quy định của pháp luật cũng như hồ sơ BH có đáp ứng điều kiện BH hay không. Vì vậy, nếu có việc hợp thức hóa các tài liệu trong hồ sơ BH thì theo tôi, cũng chỉ dừng lại ở mức tranh chấp hợp đồng BH chưa phải là hành vi phạm tội. Do đó, trường hợp này sẽ do Tòa án giải quyết tranh chấp.

Những trường hợp nào thì hành vi trục lợi bảo hiểm bị xử lý hình sự, thưa ông?

- Nhiều trường hợp trục lợi BH bị xử lý hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do việc ngụy tạo, làm giả sự kiện BH để được BH. Những trường hợp này, người trục lợi BH có động cơ, ý thức chiếm đoạt tài sản và thực hiện hành vi gian dối với bên BH. Do đó, hành vi trục lợi BH cấu thành tội phạm.                                   

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh (thực hiện)

Trần Nguyên

Đọc thêm