Cứ 10 người thì có 1 người mắc căn bệnh đáng sợ này

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo thống kê của Liên đoàn phòng chống đái tháo đường Thế giới, hiện có 537.000.000 người trưởng thành (20-79 tuổi) đang sống chung với bệnh đái tháo đường, có nghĩa là cứ 10 người thì có một người mắc đái tháo đường.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại BV Nội tiết Trung ương.
Bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại BV Nội tiết Trung ương.

Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643.000.000 vào năm 2030 và 784.000.000 vào năm 2045.

Căn bệnh tiến triển âm thầm trong cơ thể

Đái tháo đường là căn bệnh tiến triển âm thầm trong cơ thể. Người bệnh chỉ phát hiện ra khi đã các biến chứng của bệnh xuất hiện, gây ra các biến chứng nặng nề như: giảm thị lực, mù lòa, suy thận, cắt cụt chi, tai biến mạch máu não… Vì vậy, nó được coi là “kẻ giết người thầm lặng”.

Hiện nay, số người mắc đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng. Độ tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo thông báo mới nhất của Liên đoàn đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2021, trên thế giới ước tính có 537.000.000 người trưởng thành (20-79 tuổi) đang sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên 643.000.000 vào năm 2030 và 784.000.000 vào năm 2045.

Đái tháo đường chính là nguyên nhân gây ra 6.700.000 ca tử vong vào năm 2021. Trung bình cứ 5 giây lại có 1 ca tử vong. Trong 15 năm qua, căn bệnh này tiêu tốn 966 tỷ USD chi phí cho y tế, tăng 316% so với trước đây.

Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải gánh chịu áp lực từ sự gia tăng số người mắc bệnh đái tháo đường trong cộng đồng. Theo số liệu của IDF năm 2019, tại Việt Nam, có khoảng gần 3.8000.000 người phải sống chung với căn bệnh đái tháo đường. Hầu hết trong số này là đái tháo đường type 2.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu trong buổi lễ mít tinh sáng nay (13/11).

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu trong buổi lễ mít tinh sáng nay (13/11).

Cứ 2 người bị đái tháo đường thì 1 người không được chẩn đoán

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây lên bệnh tim mạch, đột quỵ, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới, do vậy, chẩn đoán và điều trị sớm là chìa khóa giúp đề phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm đó.

Bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán sớm, nó có thể đưa đến những biến chứng nghiêm trọng hoặc tử vong. Do vậy, hiểu, biết về các dấu hiệu triệu chứng bệnh để bảo vệ bản thân và gia đình bệnh nhân.

“Hàng năm nhân dịp ngày 14/11, Liên đoàn phòng chống đái tháo đường Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra những khẩu hiệu định hướng cho hoạt động các năm. Và năm nay, năm 2021, khẩu hiệu được đưa ra nhân Thế giới phòng chống đái tháo đường là “Tiếp cận dịch vụ Chăm sóc Người Đái tháo đường” là chiến dịch tuyên truyền và áp dụng nhiều biện pháp để tăng cường, hỗ trợ về việc tiếp cận chăm sóc, điều trị, quản lý, dự phòng đối với căn bệnh này”, GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết.

Hiện nay trên thế giới vẫn còn hàng triệu người mắc bệnh đái tháo đường không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc bệnh này trong khi những người mắc bệnh đái tháo đường rất cần được chăm sóc và hỗ trợ liên tục để kiểm soát tình trạng của họ và tránh các biến chứng.

Các bác sĩ kiểm tra chỉ số đường huyết của khách mời tham gia lễ mít tinh.

Các bác sĩ kiểm tra chỉ số đường huyết của khách mời tham gia lễ mít tinh.

Đái tháo đường ngày càng trẻ hóa

Còn theo TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, trong thời điểm dịch COIVD-19 bùng phát, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giãn cách xã hội nên nhiều bệnh nhân không được thăm khám, chẩn đoán kịp thời, bệnh trở nặng hơn. Đồng thời, do không có thuốc điều trị nên bệnh trở nặng hơn.

“Khi bệnh nhân tới khám trong làn sóng dịch COVID-19 thứ tư vừa qua tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, bệnh nhân bị biến chứng nặng do đái tháo đường ngày càng tăng lên”, TS.BS Phan Hoàng Hiệp cho biết.

Để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân mắc đái tháo đường trong thời điểm dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, TS. BS Hiệp khuyến cáo: “Bệnh nhân đái tháo đường nên tiêm đủ vaccine, tuân thủ 5K. Tuyệt đối tuân thủ chế độ ăn, uống thuốc, sinh hoạt theo khuyến cáo của bác sĩ. Nếu có điều kiện người dân cần đi khám theo lịch hẹn, hoặc có thể gọi điện xin tư vấn của bác sĩ nếu không thể di chuyển ra khỏi vùng đang thực hiện giãn cách xã hội.

TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương phát biểu trong buổi lễ mít tinh sáng nay.

TS.BS Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương phát biểu trong buổi lễ mít tinh sáng nay.

Ngoài ra, TS.BS Hiệp cũng cảnh báo, số lượng bệnh nhân mắc đái tháo đường ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân bởi xã hội ngày càng phát triển sức ép về công việc ngày càng tăng, chế độ ăn, giờ giấc sinh hoạt của người dân bị thay đổi. Cụ thể chế độ ăn của nhiều người có thể có bữa ăn quá no, hoặc ăn quá ít, giờ ăn cũng thay đổi.

TS.BS Hiệp cũng nhấn mạnh: “Bệnh Đái tháo đường hoàn toàn có thể dự phòng được nếu như mọi người chúng ta chú ý, quan tâm hơn nữa đến khẩu phần ăn, uống hàng ngày, thường xuyên hoạt động thể lực, giảm thiểu các hành vi sức khỏe không tốt nhằm đẩy lùi căn bệnh trên góp phần bảo vệ tương lai tươi sáng của mỗi người và gia đình”.

Sáng 13/11, Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng chống đái tháo đường (14/11) và ngày toàn dân mua và sử dụng muối I ốt (2/11).

Trong khuôn khổ sự kiện, bên cạnh lễ mít tinh được tổ chức trang trọng, khách mời còn được kiểm tra đường huyết, tham dự buổi tư vấn phổ biến kiến thức điều trị, dự phòng bệnh đái tháo đường và các vấn đề liên quan, hướng dẫn chế độ luyện tập, dinh dưỡng, ngăn ngừa các biến chứng.

Đọc thêm