Phần đất đang xảy ra tranh chấp |
Cách đây 6 tháng, khi vụ kiện đã hết thời hạn để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì TANDTC đã trả lời rằng: “Sẽ phối hợp với VKSNDTC để tiếp tục giải quyết theo quy định”. Vậy nhưng, đến nay, cụ già 75 tuổi vẫn mòn mỏi trông chờ động thái “tiếp tục” của TANDTC trong uất ức.
Kháng nghị “hùng hồn”, rút “âm thầm” …
Đối tượng bị kiện trong vụ án này là Quyết định của UBNDTP Hà Nội về việc cấp Giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCNQSD) đất ở cho vợ chồng ông Nguyễn Đông và bà Nguyễn Thị Bắc tại thửa đất số 01, tờ bản đồ số 7, Thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều đã bác đơn khởi kiện của cụ Rào, giữ nguyên quyết định bị kiện.
Tuy nhiên, ngày 24/12/2009, VKSNDTC đã có Quyết định Kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TANDTC huỷ bản án hành chính phúc thẩm và sơ thẩm trước đó với các lý do chính: Việc UBND TP Hà Nội cấp GCNQSDĐ cho ông Đông, bà Bắc là trái quy định, cấp cho người không đủ điều kiện được xét cấp và không đúng thực tế nguồn gốc đất; Quan hệ chuyển nhượng đất từ cụ Dũng (chồng cụ Rào) sang ông Đông là bất hợp pháp vì giấy nhận tiền (nhượng đất) không có bản gốc, không có công chứng,chứng thực, cụ Dũng cũng không có quyền bán cả thửa đất của hai vợ chồng. Rồi ông San cũng không có quyền nhượng đất lại cho ông Nhân vì không phải là chủ sở hữu nhà đất; Ông Đông, bà Bắc chưa bao giờ quản lý, sử dụng nhà đất trên và cũng không chứng minh được việc mình đã được bố mình (ông Nhân) cho sử dụng…
Quyết định kháng nghị còn đề cập tới một loạt các sai phạm của chính quyền về thủ tục cấp GCNQSDĐ như: Việc xác định hiện trạng đất ở của UBND Thị trấn Văn Điển thể hiện trên bản đồ địa chính năm 1989 có một số điểm không chính xác: Hồ sơ đăng ký kê khai xin cấp sổ đỏ của ông Đông, bà Bắc không có biên bản xác định ranh giới QSDĐ với các chủ hộ liền kề; Việc công khai kết quả phân loại các hồ sơ trước khi báo cáo UBND cấp huyện hoặc Sở Địa chính không đúng nguyên tắc….
Có căn cứ để kháng nghị tái thẩm
Thế nhưng, gần 6 tháng sau, VKSNDTC lại ra một Quyết định khác để “rút quyết định kháng nghị” nhưng lại không hề đưa ra các chứng cứ, nhận định để phủ nhận quan điểm trước đó. Cũng trong 6 tháng này, không hiểu sao TANDTC đã không mở phiên toà để xem xét kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC. Thất vọng hơn, cho đến nay, TANDTC cũng không có động thái trước những đơn khiếu nại của bà Rào và ý kiến của nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước cấp Trung ương, ngoài việc trả lời rằng: “Sẽ phối hợp với VKSNDTC để tiếp tục nghiên cứu, xem xét…”.
Sẽ không có gì đáng nói nếu thời gian “nghiên cứu, xem xét” này đã không làm hết thời hạn kháng nghị theo quy định. Lỗi “câu giờ” này thuộc về cơ quan nào khi mà “VKSNDTC đang giữ hồ sơ vụ án”, còn TANDTC cứ hứa“sẽ xem xét” rồi ngồi đợi hồ sơ?
Trước thái độ của quý toà như trên, mới đây, bên người khởi kiện lại tiếp tục gửi đơn “phanh phui” thêm một số sai lầm trong quá trình xét xử trước đây. Nhiều luật sư khid dược hỏi đã cho biết, đây có thể nói là những chứng cứ khá quan trọng để TANDTC xem xét lại vụ án theo trình tự tái thẩm. Đó là việc Toà cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã “bỏ quên” ông San: Việc xem xét về hiệu lực của hợp đồng mua- bán đất từ chồng bà Rào sang ông San, từ ông San sang bố ông Dũng có liên quan mật thiết đến quyền lợi của ông San nhưng ông này đã không được đưa vào tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Trong khi đó, hồ sơ vụ án đã không có giấy tờ (bản chính) để có thể xác định có việc ông San mua đất của chồng bà Rào hay không. Khi bà Rào thì đang “tố” ông San làm giả giấy tờ mua đất này thì Toà án cũng không trưng cầu giám định để góp phần làm sáng tỏ căn cứ cấp GCNQSDĐ cho ông Đông.
Về vụ việc này, một luật sư nêu ý kiến “TANDTC cần thể hiện thái độ rõ ràng, kháng nghị hay không kháng nghị vụ kiện này. Nếu không kháng nghị thì ít nhất Toà cũng phải có những lý giải thoả đáng về những điểm đã từng được VNSNDTC chỉ rõ trong quyết định kháng nghị trước đây”.
Khoa Lâm