Báo PLVN từng phản ánh việc cụ Ngô Thị Rào (75 tuổi, trú tại thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) khởi kiện UBND TP. Hà Nội về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho vợ chồng ông Nguyễn Đông trên đất có nguồn của gia đình mình. Liên quan đến vụ việc này, cụ Rào đã từng có đơn tố cáo việc “giả mạo giấy nhận tiền, bán đất” đến cơ quan công an.
Nguyên Phó Trưởng công an huyện bị “tố”
Như chúng tôi đã từng đề cập, quá trình cơ quan chức năng làm thủ tục cấp GCN cho ông Đông đã vi phạm một loạt các thủ tục, từ việc thiếu chữ ký hộ giáp gianh hoặc dữ liệu trong hồ sơ địa chính có mâu thuẫn, đến việc không công khai danh sách tại trụ sở UBND thị trấn. Mặc dù trước khi đến tay ông Đông, thửa đất này đều đã trải qua những giao dịch không hợp pháp, mờ ám nhưng chính quyền vẫn công nhận ông Đông có nguồn gốc đất hợp pháp.
Cụ thể, ông Đông không chứng minh được việc bố mình (ông Nhân) cho đất; Rồi trước đó là việc ông Nhân mua đất của ông San không hợp lệ vì ông San không phải là chủ sử dụng nhà đất, giấy tờ chuyển nhượng không có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền, không tiến hành sang tên trước bạ… Và cuối cùng là việc ông San không chứng minh được mình đã thật sự mua đất từ gia đình bà Rào, một cách hợp pháp.
Tuy trong hồ sơ có xuất hiện giấy “Biên nhận tiền” đề ngày 20/9/1974, có chữ ký của chồng cụ Rào (cụ Phạm Tiến Dũng, hiện đã mất) nhận tiền bán đất từ ông San nhưng cho đến thời điểm này- khi vụ kiện đã qua 3 cấp toà thì văn bản trên vẫn chỉ là bản phô tô mà không có bản chính. Không hiểu vì lý do gì, ông San đã “kiên quyết” không cung cấp cho toà bản chính của giấy “Biên nhận tiền” này.
Trước đó, ông San cũng chỉ “trưng” cho gia đình cụ Rào biết tờ giấy phô tô tương tự. Chính vì vậy, gia đình cụ Rào đã có đơn tố cáo ông San làm giả “giấy biên nhận tiền” của ông Dũng và cho rằng, ông San chỉ là người mượn đất chứ không phải mua đất. Công an huyện Thanh Trì đã tiến hành trưng cầu giám định và nhận được kết quả rằng “Chữ viết và chữ ký Phạm Văn Dũng với mẫu giám định là do cùng một người viết ra”.
Tuy nhiên, cụ Rào đã không chấp nhận kết luận chữ ký trên của là của chồng mình và cho rằng, tài liệu giám định không thấy có bản chính; tài liệu làm mẫu so sánh không phải gia đình cung cấp, người bị tố cáo trong vụ việc này lại là nguyên Phó Trưởng Công an huyện Thanh Trì- nên việc trưng cầu giám định và giải quyết tố cáo sẽ thiếu khách quan. Nhưng rất tiếc, chữ ký của cụ Dũng đã không được giám định lại để tố cáo của cụ Rào được giải quyết một cách rõ ràng hơn; nó cũng đã không được Toà án trưng cầu giám định khi giải quyết vụ án hành chính sau này vì không có bản chính.
Có mua đất thì cũng không hợp pháp
Có thể thấy rằng, việc trưng cầu giám định chữ ký trong bản chính “giấy biên nhận tiền” trên sẽ không quá quan trọng vì kể cả trường hợp cụ Dũng có bán đất thật thì giấy tờ này cũng không hợp pháp. Vì tại thời điểm đó, ông Dũng và bà Rào đang tồn tại quan hệ hôn nhân và “vợ và chồng đều có quyền sở hữu, hưởng thụ và sử dụng ngang nhau đối với tài sản có trước, sau khi cưới”; nghĩa là ông Dũng không có toàn quyền định đoạt mảnh đất nêu trên.
Hơn nữa, giấy biên nhận không có người làm chứng và không có xác nhận của chính quyền địa phương nên có thể khẳng định đây là giấy tờ mua bán không hợp pháp, vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, trái với giao kết hợp đồng dân sự.
Như vậy, chỉ riêng về yếu tố nguồn gốc đất ông Đông xin cấp sổ đỏ, đã có rất nhiều điểm khuất tất, không hợp lệ. Không hiểu sao, các cơ quan chức năng vẫn tham mưu để UBND TP Hà Nội vẫn tiến hành cấp GCN cho vợ chồng ông Đông. Rồi việc cấp GCN lại được “bảo vệ” bằng bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Và điều lạ hơn nữa là việc, VKSNDTC đã có quyết định kháng nghị, đề nghị huỷ án phúc thẩm, sơ thẩm nhưng rồi lại rút lại kháng nghị này vì “thấy không cần thiết”.
Thiết nghĩ, một vụ việc có quá nhiều khuất tất, nên các cơ quan tố tụng tối cao cần nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết dứt điểm, khách quan nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo công bằng cho đương sự đã ở tuổi gần đất xa trời./.
Khoa Lâm