Cứa cổ kêu oan trước vành móng ngựa

(PLO) - Sau khi Tòa tuyên án, cho rằng mình bị oan, bị cáo Trịnh Thế Phương (SN 1984, ngụ tổ dân phố Hương Long, phường Ba Ngòi, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) lôi lưỡi dao lam trong người ra, cứa lia lịa vào cổ mình tự tử.

Ngôi nhà của bị cáo Phương.
Ngôi nhà của bị cáo Phương.
Câu hỏi đặt ra là bị cáo có bị oan, và công tác quản lý trại giam, dẫn giải “có vấn đề” nên phạm nhân mới có lưỡi dao lam thủ sẵn trong người?

Bị oan nên tự tử trước mặt HĐXX?

Vụ tự vẫn xảy ra ngày 29/9, khi TAND TP.Cam Ranh mở phiên sơ thẩm tuyên phạt Phương 5 năm tù giam về tội Cố ý gây thương tích. Sau khi Tòa tuyên án, đứng trước vành móng ngựa, Phương bất ngờ lôi lưỡi dao lam trong người ra cứa lia lịa vào cổ mình. Lực lượng bảo vệ phiên tòa lao đến giằng ra, Phương còn thảng thốt: “Tôi bị oan, tôi không đánh người. Tòa xử sai rồi, để tôi chết, tôi không muốn sống nữa” trước khi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh cấp cứu. 
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Quang, Giám đốc Bệnh viện, lúc 16h27’ ngày 29/9, Khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Phương trong tình trạng vùng cổ có 3 vết thương rách da, một vết dài 3cm, một vết dài 7cm, vết còn lại dài 5cm, các vết sâu khoảng 0,5cm. Các bác sĩ đã khâu vết thương, tiêm thuốc, khoảng gần 1 tiếng sau cho bệnh nhân Phương xuất viện.
Trung tá Lê Bửu Lộc, Phó trưởng Công an TP.Cam Ranh, cho biết: “Sau khi làm công tác tư tưởng, hiện sức khỏe, tinh thần Phương đã ổn định. Lực lượng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã đưa Phương về Nhà tạm giữ Công an TP.Cam Ranh vào tối 29/9”.
Chị Thủy - chị gái họ Phương cho rằng em mình bị oan.
 Chị Thủy - chị gái họ Phương cho rằng em mình bị oan.

Người thân của Phương cũng đã được vào thăm để động viên tinh thần. Chị Phan Thị Thủy (SN 1970, chị bà con của Phương), cho biết: “Tôi vào thăm Phương ngày 30/9, nhìn cái cổ nó băng bó vết thương mà thấy tội. Cả buổi nó chẳng nói gì mà chỉ khóc, bảo bị oan, không phạm tội. Thấy em nhợt nhạt, tôi khuyên cố gắng giữ gìn sức khỏe, cố ăn chút cháo để có sức mà kháng cáo. Sắp tới gia đình sẽ làm đơn và mời luật sư bào chữa. Tôi tin Phương bị oan”.

“Hiến kế phòng thân” có phạm tội? 

Trước đó, theo hồ sơ vụ án, khoảng 23h một ngày giữa tháng 4/2013, Phương, Huỳnh Ngọc Hữu Phúc (SN 1993, ngụ tổ dân phố Lợi Hiệp, phường Cam Lợi, TP.Cam Ranh) và 3 đối tượng khác “gầy sòng nhậu” trước cổng chùa Phật Mẫu (tổ dân phố Ngô Mây, phường Ba Ngòi). Một tiếng sau, có bốn người bạn khác đi hai xe máy đến nhậu cùng. 
Đám nhậu đang tưng bừng, bống Phạm Trọng Nghĩa cùng Nguyễn Đình Thắng (cùng ngụ TP.Cam Ranh) đi xe máy đến, hỏi: “Trong số tụi mày, lúc nãy có bốn thằng nào đòi đánh tao?”. Phương nhẹ giọng mời cả hai ngồi xuống uống rượu. Hai vị “khách” uống xong ly rượu thì đứng dậy bỏ đi. Phương cho rằng cả hai sẽ tìm đồng bọn quay lại “tính sổ” nên nói một bạn nhậu đi tìm đá, gạch để sẵn phía sau lưng. Đúng như Phương dự đoán, khoảng 20 phút sau, hai thanh niên kia quay lại. Phương tiếp tục mời rượu, Nghĩa bưng ly rượu nhưng không uống mà ném xuống đất. Cả hai bên lao vào nhau ẩu đả. Bảy thanh niên trong nhóm của Phương đã vác mã tấu chém, ném đá, khiến Thắng bị thương tật 61%, Nghĩa 29%. 
Cơ quan chức năng đã bắt giữ 7 đối tượng trực tiếp tham gia đánh người gây thương tích. Phương và Phúc được xác định không trực tiếp tham gia đánh người, tuy nhiên bị cho là vẫn phạm tội với vai trò “giúp sức”, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam. 
Cuối tháng 12/2013, TAND TP.Cam Ranh mở phiên sơ thẩm, tuyên phạt 7 bị cáo trực tiếp tham gia đánh người mức án từ 5 - 15 năm tù. Riêng bị cáo Phương và Phúc, sau 3 lần bị Tòa trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, mới bị xử vào ngày 29/9 vừa qua, bị tuyên phạt 5 năm tù, và Phương tự sát như đã nêu.

Bị can từng “tuyệt thực” để kêu oan

Nghe tin con cắt cổ tự tử tại Tòa, bà Nguyễn Thị Duyên (SN 1946, mẹ Phương) thút thít: “Hôm thằng Phương bị xử, mấy đứa con không cho tôi đi, nó bảo tôi ở nhà chứ xuống dưới đó nếu lỡ đổ bệnh thì khổ”.
Mẹ bị cáo Phương cho rằng con mình bị oan.
 Mẹ bị cáo Phương cho rằng con mình bị oan.
Bà Duyên cho rằng con trai mình có hành động như vậy là vì bị oan: “Trước khi nó bị xử mấy ngày, chị gái nó đã vào thăm, về kể lại thấy em ốm lắm, “tuyệt thực” phản đối việc cho rằng nó phạm tội. Nó bảo không có tội, không đánh người, vì sợ bọn kia quay lại đánh nên bảo bạn lượm mấy cục đá để ở phía sau “phòng thân” thôi”.
Sự việc xảy ra, không chỉ gia đình Phương mà dư luận địa phương cũng xôn xao. Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổ trưởng Tổ dân phố Hương Long, cho biết: “Suốt từ hôm đó đến nay, người dân ở đây cứ hỏi tôi tại sao thằng Phương tự tử. Tôi không biết trả lời sao. Dân đồn nhau rằng do nó ấm ức, không có tội mà bị Tòa xử có tội nên ức chế mà làm như vậy. Tôi chỉ biết khuyên bà con bình tĩnh, mọi việc cơ quan chức năng sẽ xử lý. Tôi cũng hi vọng trắng đen sẽ được làm sáng rõ”.
Gia đình bị cáo Phương cũng tỏ ra bức xúc khi đặt vấn đề tại sao đứng trước vành móng ngựa, phạm nhân lại có lưỡi dao lam thủ sẵn trong người? “Hôm trước con Thủy vào chỗ thằng Phương bị giam, hỏi tại sao có con dao lam nhưng nó không nói gì hết. Con tôi bị giam giữ thì làm sao nó lại có dao lam. Phải có người nào đó đưa cho nó, nó mới làm như vậy. Chuyện này bên công an cũng phải làm cho rõ”, người mẹ nói.
Về vấn đề này, Trung tá Lộc, cho biết: “Để xảy ra sự việc bị cáo Phương dùng dao làm cứa cổ tự tử tại tòa là điều đáng tiếc. Hiện chúng tôi đã yêu cầu những người có nhiệm vụ dẫn giải bị cáo Phương làm bản tường trình để xem xét xử lý”./.

“Luật chưa quy định rõ”
“Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Nguời giúp sức trong đồng phạm là “người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm” (Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Hình sự). Từ đó, để kết luận Phương đóng vai trò người giúp sức thì phải chứng minh Phương đã tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất. Tuy nhiên, hiện luật chưa giải thích cụ thể thế nào là tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. 
Thực tiễn xét xử cho thấy hành vi tạo những điều kiện về tinh thần thường được biểu hiện như: Hứa hẹn sẽ che giấu hoặc hứa ban phát cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó như: Hứa gả con, hứa đề bạt, thăng cấp, tăng lương cho người phạm tội; bày vẽ cho người phạm tội cách thức thực hiện tội phạm như: nói cho người phạm tội biết chủ nhà thường vắng nhà vào giờ nào để đến trộm cắp, nói cho người phạm tội biết người bị hai hay đi về đường nào để người phạm tội phục đánh...
Hành vi tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện tội phạm là hành vi cung cấp phương tiện phạm tội như: Cung cấp dao, súng, côn gỗ, xe máy, xe ô tô... để người phạm tội thực hiện tội phạm.
Trong vụ án này, Quang chỉ “nói một bạn nhậu đi tìm đá, gạch để sẵn”. Như vậy, nếu kết luận Phương đã tạo điều kiện về vật chất (cung cấp phương tiện phạm tội) thì chưa thoả đáng. Nếu kết luận Phương đã tạo điều kiện về tinh thần thì cơ quan tố tụng phải chứng minh cụ thể. Bởi lời nói của Quang không hứa hẹn, ban phát cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào, cũng chưa thể hiện rõ là đã bày vẽ cách thức thực hiện tội phạm. Việc bảo bạn nhậu đi tìm gạch, đá cũng có thể dừng lại ở mức độ phòng vệ”.

Đọc thêm