Người thày thuốc “già mà không lão”
Cái lưng vẫn thẳng tắp, bước chân vẫn nhanh nhẹn vững chãi, mái tóc ánh bạc trong nắng trưa và đôi mắt tinh anh… - nếu không được giới thiệu trước có lẽ không ai đoán cụ lang Hoàng Văn Tài trước mặt chúng tôi đây năm nay đã 80 tuổi. Đã từ lâu, cụ nổi danh với những bài thuốc gia truyền đặc hiệu, chuyên trị đau mỏi, thoái hóa xương khớp, sỏi thận, rắn cắn…
Được biết, cụ Tài người dân tộc Nùng, trong chiến tranh cụ từng là chiến sỹ quân y, tham gia cứu chữa bộ đội nên vừa có những kiến thức cơ bản về Tây y, lại vừa có được “vốn liếng” vô cùng phong phú về cây – con làm thuốc trong rừng. Vì thế, dân làng từ trẻ đến già hầu như ai cũng từng đến nhờ ông khám và hái lá thuốc trị bệnh. Người ta kể, cụ Tài đúng là “tài” lắm, từ những ốm đau thông thường của trẻ như rôm sảy, biếng ăn chậm lớn, quấy sốt… cho đến các bệnh mãn tính của người già, đến “kể” một hồi với cụ là sẽ được nói vanh vách là chứng bệnh gì, biểu hiện như thế nào rồi mới trông người, trông mặt mà lấy thuốc. Lá, thân, vỏ, rễ cây… toàn những thứ hái về trên rừng, trong núi mà chỉ ít lâu sau là khỏi hẳn.
Ngoài bốc thuốc, cụ còn châm cứu giỏi, nhiều người mắc chứng rũ mỏi chân tay, thậm chí là liệt, đã đến tận nhà để được châm cứu và bóp loại thuốc gia truyền của cụ, nhẹ thì khỏi ngay, mà nặng thì tiến triển dần theo thời gian. Chính vì thế mà con bệnh “mách” nhau, khiến khách xa cũng biết tiếng mà tìm đến.
Mấy năm trước, cụ còn khỏe thường tự mình lên rừng lấy lá thuốc, gần đây mới phải thuê con cháu đi hái. Đổi lại, cụ dành hẳn mảnh đất rộng cạnh nhà để trồng một số loại cây thuốc thông thường, cũng như sưu tầm những loại cây thuốc quý, di thực, thuần dưỡng, nghiên cứu, nhân giống và phổ biến trong cộng đồng.
Ông Hoàng Văn Tài - thày thuốc dân tộc Nùng với niềm say mê nghiên cứu, sưu tầm cây thuốc, bài thuốc |
Cụ Tài cho biết, cây – con thuốc chữa bệnh của người Nùng có thể chia làm 2 loại chính: loại bồi bổ sức khỏe và loại chủ trị bệnh. Để bồi bổ sức khỏe, thì tùy theo đối tượng người dùng mà lựa nguyên liệu cũng như cách thức đưa thực phẩm “thuốc” vào người. Đàn ông – đàn bà, người lớn – trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người mới ốm… có thể trạng khác nhau nên phải tùy theo từng người cụ thể mà chọn cách dùng (như ngâm rượu, hấp cơm, ăn thay thực phẩm hàng ngày).
Còn thuốc trị bệnh thì cũng chỉ là từ cây cỏ trên rừng, thứ phơi khô, thứ hái tươi, thứ lại cần sao/ sắc, đôi khi kết hợp với các bộ phận hay sản phẩm của động vật (như mật ong, dạ dày nhím, mỡ/mật trăn…)
Điểm thú vị là, cây thuốc “nguyên bản” trong nhận thức của người Nùng không có tên riêng, mà được ghi danh theo công dụng chữa bệnh, như “cây thuốc chữa gãy xương”, “cây thuốc chữa bong gân”, “cây chống nhức mỏi, đau lưng”… Người theo nghề thuốc phải nhớ và nhận mặt được các loại cây, loại lá rồi dần dà do kinh nghiệm chữa trị mới có thể hình thành những bài thuốc “tủ” hiệu nghiệm cho từng loại bệnh. Đặc biệt, việc hái thuốc không hề dễ dãi tùy tiện mà phụ thuộc vào thời gian, có loại hái sáng sớm, lại có loại hái chiều tối (theo kinh nghiệm được truyền từ đời này sang đời khác) thì mới hiệu nghiệm. Đồng thời, người hái thuốc cũng phải tuân thủ nhiều tâp tục, như thờ thổ kỳ, thần rừng, thần cây…
Nỗi lo thất truyền những bài thuốc “tủ” trị xương khớp
Cụ Tài có 8 người con (3 gái, 5 trai), nhưng đáng tiếc là chưa ai theo được nghề thuốc, cùng lắm thì chỉ lõm bõm biết được cách chữa một vài bệnh. Quanh nhà vẫn phơi trữ cây, củ thuốc, song không có cái nếp “truyền nghiệp” như các gia đình làm nghề bốc thuốc cứu người dưới xuôi. Vì thế, đây là một trong nhiều địa chỉ được Công ty cổ phần Thuốc Nam Việt (VietHerb) “sưu tầm”, đánh giá và lên phương án cùng người dân phát triển sản phẩm.
Anh Đỗ Hoàng – một trong 3 người đồng sáng lập VietHerb cho biết, năm 2009 khi còn làm dư án quản lý tài nguyên với kế hoạch tìm đất xây dựng rừng bảo tồn thuốc nam ở Hữu Lũng, anh biết đến cụ Tài và những bài thuốc gia truyền. Nỗi lo về các bài thuốc, cây thuốc thất truyền theo lớp người già đã nhen nhóm từ ngày đó. Do việc truyền nghề cho con cháu hạn chế, không ghi chép cẩn thận mà chủ yếu là chỉ cây, lá để “nhận mặt” nên rất nhiều ông lang, bà mế đã mang theo bí mật cây thuốc về với tổ tiên.
Hơn nữa, họ chưa có ý thức trồng và bảo tồn giống cây mà chỉ khai thác trong tự nhiên, nên việc hệ thống hóa cây thuốc gần như chưa có. VietHerb muốn tìm, liên hệ và kết nối các ông lang, bà mế chuyên chữa bệnh bằng thuốc nam thành một mạng lưới. Tâm nguyện của họ chính là để thứ vốn cổ quý báu của nền y học cổ truyền không bị “biến dạng” bởi cách chữa bệnh “ăn liền”, hay thất truyền theo lớp người cao tuổi, mà được lưu giữ, bảo tồn và phát triển trong cộng đồng. “Có bài thuốc hiệu quả, có người dùng, người chữa bệnh thì mới có người trồng, người thu hái dược thảo, đó chính là cách bảo tồn cây thuốc phù hợp với tự nhiên nhất, lâu bền và thực chất nhất”, anh Hoàng nói.
Chính vì thế nên năm 2001, sau khi cùng 2 người bạn chung chí hướng thành lập nên VietHerb, anh quay trở lại Hữu Lũng và các vùng phụ cận, bàn với người dân câu chuyện “phát triển bài thuốc”, cùng đó là nhân giống bảo tồn cây thuốc, thúc đẩy truyền nghề thuốc bằng cách khuyến khích họ truyền nghề cho con, cháu, hỗ trợ khảo sát cây thuốc, ghi chép thành những sách thuốc lưu hành nội bộ.. Với mục tiêu đó, cụ Tài là thày thuốc đầu tiên được VietHerb hợp tác, thực hiện sứ mệnh đưa những bài thuốc quý ở cộng đồng đến đông đảo người sử dụng.
Hiện, 2 bài thuốc được chọn lọc để đưa thành sản phẩm ra thị trường là sản phẩm ngâm chân và xoa bóp. Với nguyên liệu đặc biệt là sự kết hợp giữa cây thuốc đặc trưng ở núi rừng Lạng Sơn là gối hạc, đơn châu chấu, chìa vôi bốn cạnh, tơ mành, nho rừng, đại bi, thau đốc ngù.. đến những cây kinh điển trong dân gian như cúc tần, ngải cứu, bạch hoa xà. Bộ sản phẩm này có tác dụng tốt, bổ sung hỗ trợ nhau điều trị cho người bị đau khớp, đau nhức tê mỏi chân tay, vai gáy, thắt lưng...
Cụ Tài cho biết, đặc thù khí hậu Việt Nam thường giá buốt khi mùa đông về, cùng với hơi đất, hơi sương bốc lên khiến người ta thường mắc các chứng thấp khớp, đau xương cốt – đặc biệt với người cao tuổi. Bài thuốc của cụ vốn do người cha truyền lại, được bồi đắp thêm nhờ các kiến thức thu được suốt quá trình chữa bệnh trong quân đội cũng như sau này đi nhiều vùng miền, học tập, thu thập và trao đổi trong mạng lưới thầy thuốc từ các ông lang bà mế người Mông, Dao, Thái... ở Lào Cai, Yên Bái, Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh.