Cúc Phương lần thứ 5 liên tiếp được vinh danh “Vườn Quốc gia hàng đầu Châu Á”

(PLVN) -  Ban tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) vừa công bố  Vườn quốc gia Cúc Phương đã chính thức được tôn vinh là "Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023".

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình - vừa xác nhận thông tin Vườn quốc gia Cúc Phương đoạt giải thưởng Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023 do World Travel Adwards tổ chức.

Tính đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã 5 lần liên tiếp nhận giải thưởng danh giá này (từ năm 2019-2023). Các đại diện khác cùng tranh cử với Cúc Phương có: vườn quốc gia Chitwan (Nepal), Fuji-Hakone-Izu (Nhật Bản), Kinabalu (Malaysia), Komodo (Indonesia), Minneriya (Sri Lanka) và Taman Negara (Malaysia).

Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards) tổ chức thường niên kể từ năm 1993, được ví như giải Oscar của du lịch thế giới. Giải thưởng đã trở thành thương hiệu bậc nhất thế giới trong việc tôn vinh các thành tựu xuất sắc của ngành du lịch trên mọi lĩnh vực. Dự kiến, Lễ trao giải Vườn quốc gia hàng đầu châu Á năm 2023 (Asia's Leading National Park 2023) năm nay sẽ diễn ra vào ngày 6/9 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Với diện tích hơn 22.000 ha, vườn quốc gia Cúc Phương là một khu bảo tồn thiên nhiên đặc biệt, nằm tại 14 xã và 4 huyện thuộc 3 tỉnh: Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa. Khởi nguồn từ Quyết định 72 ngày 7/7/1962 của Thủ tướng Chính phủ, Cúc Phương đã trở thành vườn quốc gia đầu tiên và cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam.

Cúc Phương đặc biệt nổi tiếng với rừng mưa nhiệt đới và sự đa dạng sinh học cao của nó. Với hơn 2.500 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam như đinh hương, lim xanh, chò xanh, chò chỉ. Ngoài ra, Vườn còn chứa đựng khoảng 400 loài cây thuốc, 300 loài cây ăn được, và cả những loài thực vật bậc thấp chưa được nghiên cứu.

Hệ động vật tại Cúc Phương cũng đa dạng và phong phú, với 137 loài thú, trong đó loài gấu ngựa có trọng lượng cơ thể lên tới 200 kg là loài lớn nhất. Với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các hệ sinh thái tự nhiên, và cảnh quan thiên nhiên, Vườn cũng thực hiện công việc cứu hộ và bảo tồn động và thực vật rừng hoang dã.