Cục Thương Mại điện tử và Kinh tế số 'lên tiếng' trước phản ánh các sàn Shopee, Lazada bán sản phẩm vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau thông tin của Báo Pháp luật Việt Nam về việc các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) như: Shopee, Lazada bán các sản phẩm Botolium Toxin và chất làm đầy filler không có tem nhãn phụ, hoá đơn, Cục Thương Mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã lên tiếng.
Filler, botox được bày bán trên các trang thương mại điện tử với giá rẻ bất ngờ.
Filler, botox được bày bán trên các trang thương mại điện tử với giá rẻ bất ngờ.

* Filler, botox không hoá đơn, tem mác bán 'tràn lan' trên Shopee, Lazada và các mạng xã hội

* Kinh doanh các sản phẩm vi phạm, sàn TMĐT Shopee liên tục bị Cục Quản lý Dược 'điểm danh'

* Vụ Shopee kinh doanh hàng vi phạm: Sàn thương mại điện tử chưa thực hiện nghiêm quy định của pháp luật

Sàn TMĐT phải có cơ chế kiểm tra, giám sát việc cung cấp thông tin của người bán

Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, Lazada, cho kinh doanh các sản phẩm như Filler, botox, được giới thiệu là hàng xách tay, hàng nước ngoài sản xuất, tuy nhiên những mặt hàng này khi đến tay người tiêu dùng không có tem nhãn, không có hoá đơn chứng từ...

Ngày 30/11/2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã có Công văn số 1372/TMĐT-QL về việc cung cấp thông tin liên quan đến nội dung trên.

Theo văn bản, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: “Sàn cũng tương tự như chợ, là môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành kinh doanh. Hàng hóa bày bán trên sàn là do người bán đưa lên theo quy định về cấu trúc thông tin mà sàn đưa ra, trong đó thông tin về hàng hóa phải bao gồm các nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, trừ các thông tin có tính chất riêng biệt theo sản phẩm như: năm, tháng, ngày sản xuất; hạn sử dụng; số lô sản xuất; số khung, số máy. Người bán được phép kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ mà pháp luật không cấm, tuân thủ quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT tại Điều 4 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và theo quy chế của sàn”.

Công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm với các mặt hàng, sản phẩm thuốc, mỹ phẩm trên các sàn TMĐT

Năm 2022, Cục TMĐT và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn và website TMĐT bán hàng tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 6.241 sản phẩm, xử lý 1.538 gian hàng vi phạm, trong đó có nhiều sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế và mỹ phẩm; năm 2021, gỡ bỏ 18.725 sản phẩm, xử lý 7.5561 gian hàng vi phạm. Riêng với Cục Quản lý dược và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 2 bên đã tích cực phối hợp và xử lý nhiều vụ việc, chẳng hạn: thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Salonpas Gel trên 1 website TMĐT; gỡ bỏ sản phẩm Dr. Therapy, Đại Tràng/Trà Lợi sữa Bảo Long, Giấm táo Slim, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Peauhonnête NMN+ARG Liquid 12000, sản phẩm bảo vệ sức khỏe Res-1000,...

Ngoài ra, một số sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế, mỹ phẩm,... vi phạm trên các sàn và website TMĐT bán hàng được rà soát, gỡ bỏ, bao gồm: sản phẩm gel bôi trơn giả mạo nhãn hiệu OK, sản phẩm Doppelherz, sản phẩm Obagi, sản phẩm kit test nhanh COVID-19, thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà như các loại máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ Oxy trong máu SpO2,...

Như vậy, chủ sàn thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên sàn phải chịu trách nhiệm của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ngoài ra, sàn phải có cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin của người bán trên sàn giao dịch TMĐT được thực hiện chính xác, đầy đủ.

“Trong trường hợp người mua hoặc cơ quan báo chí, truyền thông... phản ánh về việc trên website có bán hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật khác thì chủ sàn sau khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực (về các vi phạm nêu trên) phải có biện pháp xử lý kịp thời như: gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật; phối hợp với các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với người bán có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật. Đồng thời, chủ sàn phải có trách nhiệm hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra, xử lý các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp, khiếu nại,...”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.

Đã gỡ bỏ 196 sản phẩm và xử lý 117 gian hàng vi phạm

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng nhấn mạnh, trước thông tin các sàn kinh doanh các sản phẩm như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã yêu cầu các sàn thực hiện kiểm tra, rà soát các gian hàng, gỡ bỏ sản phẩm vi phạm và báo cáo Cục về tình hình xử lý.

“Theo báo cáo sơ bộ, các sàn Lazada và Shopee đã gỡ bỏ 196 sản phẩm vi phạm và xử lý 117 gian hàng vi phạm. Trong số các sản phẩm này, có nhiều sản phẩm bị người bán tìm cách lách từ khóa (không sử dụng từ khóa “botox”, “filler”) khi đăng thông tin để hệ thống của các sàn không nhận diện và sàng lọc được, gây khó khăn cho sàn trong việc phát hiện vi phạm”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nêu.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đồng thời khẳng định, nếu nhận được phản ánh của Bộ Y tế về các sản phẩm có dấu hiệu vi phạm trên môi trường mạng, đơn vị này sẽ thực hiện rà soát, yêu cầu các sàn TMĐT tháo gỡ và xử lý các vi phạm.

Ngay sau khi phản ánh về việc các sàn TMĐT Shopee và Lazada, Báo Pháp luật Việt Nam đã gủi nội dung làm việc tới sàn TMĐT Shopee, tuy nhiên, đã nửa tháng trôi qua nhưng đơn vị này không có phản hồi tới cơ quan báo chí.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

"Việc kinh doanh hàng hoá trên sàn giao dịch TMĐT cần tuân thủ nguyên tắc đối với việc kinh doanh các hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thông qua TMĐT theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP). Khoản 3 Điều 30 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 85/2021/NĐ-CP) cũng nêu rõ: “Người bán hàng hoá, dịch vụ phải đáp ứng điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải công bố số, ngày cấp và nơi cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận đủ điều kiện, văn bản xác nhận, hoặc các hình thức văn bản khác theo quy định pháp luật về điều kiện kinh doanh của ngành, nghề đó”.", Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.

Đọc thêm