“Cuộc chiến” không cân sức với gian lận thương mại điện tử

(PLVN) - Khi “cửa khẩu nằm ngay cửa nhà của mỗi người dân” thì cuộc chiến với hàng hóa gian lận thương mại (GLTM) ngày càng trở nên khó khăn và không cân sức nếu lực lượng quản lý thị trường (QLTT) không được trang bị những trang thiết bị hiện đại... 
Sẽ yêu cầu chặt chẽ về thông tin hàng hóa bán trên TMĐT như ở môi trường truyền thống.
Sẽ yêu cầu chặt chẽ về thông tin hàng hóa bán trên TMĐT như ở môi trường truyền thống.

Nhiều dịch vụ công khai vô tình tiếp tay cho gian lận

Theo nhận định của Tổng cục QLTT, một số thủ đoạn mới hiện đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất. Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: Lập nhiều tài khoản facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng)...

Đáng lo hơn, một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, live stream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm đã bị phát hiện là không rõ nguồn gốc, thậm chí là hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn tới DN cũng như người tiêu dùng.

 2020 là năm bùng nổ của TMĐT và theo dự báo, tốc độ này sẽ tiếp tục duy trì trong các năm tiếp theo. Do đó, trong năm 2021, Tổng cục QLTT xác định cuộc chiến với hàng giả, hàng nhái, hàng GLTM ở kênh TMĐT sẽ ngày càng khốc liệt, nhất là trong điều kiện “cửa khẩu nằm ngay cửa nhà mỗi người dân”. 

Lý giải cho ví von này, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, nếu trước đây, các kho hàng lớn thường được đặt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh thì hiện nay, kho hàng lớn nhất bị phát hiện tính đến thời điểm này đặt tại Lào Cai, chỉ cách biên giới vài km. 

Cùng với đó, các dịch vụ vận chuyển hậu cần, chuyển phát, thanh toán rất hiện đại chính là yếu tố tiếp tay cho vấn đề đưa “cửa khẩu” đến ngay trước cửa nhà dân. Bởi chỉ cần đóng gói hàng hóa, giao hàng cho các đơn vị vận chuyển là hàng hóa có thể công khai đi bất cứ nơi nào trong nội địa mà không gặp khó khăn gì. Điều này càng gây nên thách thức cho cuộc chiến lành mạnh thị trường của cơ quan chức năng do hiện nay, phương thức giao dịch thông qua TMĐT đang ngày càng trở nên phổ biến với mọi người dân. 

Gian lận ở thương mại điện tử sẽ chiếm 50-60%

“Chúng tôi đã xác định rằng phải có một kế hoạch chuyên nghiệp, bài bản hơn trong cuộc chiến này. Trước mắt phải kiến nghị các đơn vị trong Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định số 52/2013 về TMĐT” - ông Linh tiết lộ. Một trong những lý do buộc phải sớm đưa ra Nghị định thay thế Nghị định này chính là do tốc độ phát triển TMĐT rất mạnh trong những năm qua và đã đến thời điểm cần phải coi và đối xử với hàng hóa ở môi trường TMĐT như ở môi trường truyền thống. 

“Ví dụ, ở môi trường truyền thống chúng ta quy định hàng hóa khi muốn trao đổi, mua bán phải tuân thủ những yếu tố gì thì bây giờ sẽ quy định như vậy đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT. Và ở bản dự thảo mới nhất chuẩn bị trình tôi thấy đã có sự bình đẳng giữa TMĐT và thương mại truyền thống. Đây là điều rất quan trọng. Vấn đề nữa là các mô hình TMĐT cũng sẽ được đưa vào quản lý một cách chặt chẽ hơn” - ông Linh nói.

Cụ thể hơn, ông Linh cho rằng, trước đây, Nghị định 52/2013/NĐ-CP ban hành với mục đích thúc đẩy sự phát triển của TMĐT nên chưa quy định chặt chẽ về hàng hóa giao dịch qua TMĐT. Bên cạnh đó, Nghị định này cũng chưa quy định trách nhiệm của người quản lý sàn giao dịch TMĐT. Đây chính là kẽ hở khiến các sàn giao dịch không quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa bày bán trên sàn giao dịch.

Do đó, cần phải ràng buộc trách nhiệm của chủ sàn để khi gặp vấn đề về GLTM, các chủ sàn cũng phải chịu chế tài kiểm tra và hậu kiểm. Dịch vụ liên quan rất quan trọng thanh toán, vận chuyển cũng sẽ được đưa vào quy định trong Nghị định mới này. 

Bên cạnh đó, Tổng cục QLTT sẽ tiếp tục tập trung mạnh vào TMĐT trong khoảng 2-3 năm nữa vì “Chúng tôi dự báo rằng trong vòng 2-3 năm tới tỉ lệ GLTM trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận nói chung” - ông Linh thông tin.

Đó chính là lý do khiến Tổng cục QLTT đã xây dựng một kế hoạch tương đối tổng thể để có thể huy động được nhiều nhất tiềm lực trong cuộc chiến đầy cam go này. Trong đó, sẽ đề xuất thành lập bộ phận chuyên trách chính thức lực lượng QLTT chuyên phòng chống các hành vi gian lận trên TMĐT. Đồng thời nâng cao năng lực kiểm tra hậu kiểm của lực lượng QLTT và tiến hành rà soát, kiểm tra thường xuyên các chủ thể như chủ sàn và các nền tảng mạng xã hội. 

Việc hiện đại hóa lực lượng và trang bị trang thiết bị hiện đại hơn cũng là vấn đề quan trọng bởi chỉ khi theo kịp họ về công nghệ mới có thể kiểm soát được những công nghệ cao mà họ sử dụng khi giao dịch trong buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng GLTM, từ đó mới có thể kiểm soát và đi đến ngọn nguồn của vấn đề và có thể xử lý từ gốc. 

Đọc thêm