Thuê bao muốn chuyển mạng phải thực hiện trình tự nào?
Theo Thông tư 35/2017/TT-BTTTT, thuê bao đủ điều kiện chuyển mạng giữ nguyên số phải có thông tin chính xác, không vi phạm các hành vi bị cấm quy định tại Điều 12 Luật viễn thông, không trong thời gian tranh chấp tại mạng chuyển đi…
Khi thuê bao có nhu cầu chuyển mạng giữ nguyên số chỉ cần đến điểm giao dịch của nhà mạng mà thuê bao muốn chuyển đến giao dịch, cung cấp giấy tờ tùy thân theo quy định, điền mẫu, nộp cước, nhận sim trắng của mạng chuyển đến để sử dụng sau khi chuyển mạng thành công.
Sau 24 tiếng, thuê bao nhắn tin với cú pháp YCCM đến đầu số 1441 để yêu cầu chuyển mạng và sẽ nhận được tin nhắn phản hồi xác nhận việc chuyển mạng đang được xử lý. Sau đó, khi chuyển mạng thành công, thuê bao sẽ nhận được tin nhắn thông báo thành công. Thuê bao bị từ chối chuyển mạng cũng sẽ nhận được tin nhắn thông báo lí do. Sau khi nhận được tin, thuê bao lắp SIM trắng đã nhận trước đó và sẽ nhận được tin nhắn từ đầu số 1441 báo chuyển mạng thành công.
Thuê bao phải đến DN chuyển đi để thanh lý chấm dứt hợp đồng và hoàn thiện ký hợp đồng ở DN chuyển đến.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, từ khi nhắn tin yêu cầu, thuê bao sẽ phải chờ 2 ngày đối với thuê bao cá nhân, 3 ngày đối với thuê bao tổ chức. Trong thời gian đó, nếu muốn hủy chuyển đi thì nhắn HUY YCCM gửi 1441 và sẽ nhận được thông báo hủy thành công.
Thời gian giữa 2 lần chuyển mạng liên tiếp tối thiểu 90 ngày. Thuê bao không bị giới hạn số lần chuyển mạng.
Dich vụ chuyển mạng không bao gồm việc tiếp tục duy trì cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng và dịch vụ ứng dụng viễn thông mà thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng đang sử dụng tại DN chuyển đi. Thuê bao sẽ phải đăng ký các dịch vụ giá trị gia tăng ở nhà mạng chuyển đến như một thuê bao mới.
Chuyển mạng giữ số không nhằm mục đích "hút" thuê bao, mà để tăng chất lượng dịch vụ
Chiều ngày 13/11, đại diện các mạng di động Viettel và MobiFone cho hay, mức cước dịch vụ chuyển mạng mà các nhà mạng này thu cho một lần chuyển mạng giữ nguyên số là 60 nghìn đồng (bao gồm cả SIM trắng) – tương đương cước thuê bao hòa mạng mới, còn mạng VinaPhone sẽ cung cấp thông tin mức cước chính xác ngày 16/11 nhưng không vượt quá 60 nghìn đồng.
Theo quy định, thời gian gián đoạn dịch vụ tối đa 1 giờ, nhưng đại viện Cục Viễn thông cho biết, thuê bao chuyển mạng chỉ bị gián đoạn dịch vụ vài giây.
Trước băn khoăn việc chuyển mạng di động đổi số có gây phiền phức cho người dùng khi số di động đó được dùng đăng ký dịch vụ với ngân hàng hay không, đại diện Cục Viễn thông (Bộ TTTT) cho biết, đối với ngân hàng có khả năng tự định tuyến thì có thể truy vấn trực tiếp đến Trung tâm dữ liệu của Cục Viễn thông để định tuyến chính xác đến số di động của khách hàng, còn đối với ngân hàng không có khả năng định tuyến thì cần ký hợp đồng với các DN viễn thông để định tuyến tin nhắn chính xác đến khách hàng.
Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Trường Giang – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty VinaPhone – cho hay, VinaPhone ủng hộ chuyển mạng giữ số vì quan điểm phục vụ khách hàng thì chất lượng và giá trị đặt lên hàng đầu. “VinaPhone cho rằng mục đích chuyển mạng giữ số không nhằm hút thuê bao của nhau, mà mục đích chính là các nhà mạng phải hoàn thiện chất lượng hạ tầng, cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng tốt hơn nữa”.
Còn ông Bùi Sơn Nam – Phó Tổng giám đốc MobiFone - cũng chia sẻ, việc triển khai dịch vụ này là cơ hội cho nhà mạng nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ khách hàng. “MobiFone cũng muốn khách hàng hài lòng hơn thông qua nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không muốn lôi kéo khách bằng việc giảm giá” – ông Nam cho hay.