Cuộc đấu giá 3 cây sưa bị đốn hạ ở Thái Nguyên có "vấn đề"!

Khâu đăng ký đấu giá trong vụ việc này cũng rất “có vấn đề”: Ngày 15/12, Trường BCVT mới phát hành giấy thông báo đấu giá (không rõ có bao nhiêu người được đọc - PV), vậy nhưng nhà trường lại quy định ứng viên phải nộp hồ sơ trước 10h ngày 16/12! Do đó, 14h ngày 16/12, phiên đấu giá đã diễn ra chỉ với 5 người may mắn biết mà tham dự!...

[links()]3 cây sưa bị ai bức tử?

Ông Nguyễn Văn Thái – Phó hiệu trưởng Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ Thông tin miền núi (gọi tắt là Trường BCVT, trụ sở tại 238/1 đường Bắc Kạn, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) - cho hay: “Từ nhiều tháng nay, thường xuyên có các đối tượng lạ đột nhập vào khu vực có 3 cây sưa. Sau những lần đó, chúng tôi phát hiện gốc cây bị khoan thủng nhiều lỗ như để thăm dò chất lượng gỗ. Có lần giữa người lạ và lực lượng bảo vệ nhà trường suýt xảy ra xô xát. Còn số lượng người đến đây hỏi mua gỗ sưa thì nhiều vô kể, họ thuộc đủ thành phần xã hội, đến từ nhiều tỉnh thành...”.

Cũng theo ông Thái, ngoài việc các thân cây sưa bị khoan thăm dò thì qua quan sát, nhà trường còn nhận thấy dấu hiệu của việc các gốc cây bị kẻ gian tưới a-xít, hóa chất độc hại vào. Trong đó, dấu hiệu này rõ rệt nhất ở cây sưa to nhất. Đây cũng là cây sưa bị khô héo nhất trong 3 cây sưa.

Phán đoán của ông Thái về khả năng các cây sưa bị bức tử bằng a-xít, hóa chất độc hại cũng trùng với nhận định của ông Nguyễn Hoài Nam - Đội trưởng Đội Kiểm lâm Cơ động (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên).

Về nghi vấn 2 hai cây sưa còn lại vẫn có dấu hiệu của sự sống (thân cây còn tươi, lá cây còn xanh) nhưng vẫn bị xác định là “đã chết” nên bị đốn hạ, ông Thái nói: “Đúng là có những cành vẫn còn chút lá tươi. Nhưng cây đã chết ở gốc nên rất khó sống. Hơn nữa, chúng tôi cũng mệt mỏi trong việc trông mấy cây sưa này lắm rồi!”.

 Biên bản của Hạt Kiểm lâm TP.Thái Nguyên và thông số chiều cao, trữ lượng 3 cây sưa.

Để có hình ảnh về tình trạng của các cây sưa sau khi bị chặt hạ (còn tươi hay đã khô héo), phóng viên đã đề nghị ông Thái cho quan sát các phần gỗ sưa đã bị chặt hạ và đang còn được lưu giữ tại Trường BCVT. Tuy nhiên, ông Thái từ chối với lý do: Người trúng đấu giá 3 cây gỗ đang giữ chìa khóa phòng chứa cây nên nhà trường không vào được (?).

Cuộc đấu giá có nhiều “vấn đề”

Trả lời PLVN trong số báo trước, đại diện Trường BCVT từng khẳng định 3 cây sưa đã được nhà trường tiến hành bán đấu giá theo đúng trình tự pháp luật.

Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý công sản, một cán bộ thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên nêu ra trình tự mà Trường BCVT cần phải thực hiện: Sau khi xác định cây chết, Trường BCVT phải có công văn gửi Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông (là đơn vị chủ quản) để xin ý kiến về việc đấu giá tài sản. Nếu được cho phép, nhà trường mới được lập ra Hội đồng đấu giá. Hội đồng có trách nhiệm tham khảo ý kiến bằng văn bản của các tổ chức chuyên ngành và trung tâm thẩm định giá để đưa ra mức giá sàn.

Sau đó, Hội đồng đấu giá ra thông báo 3 lần, mỗi lần cách nhau một ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng về các thông tin liên quan tới phiên đấu giá. Tiếp theo là quá trình bán hồ sơ rồi chốt hồ sợ dự đấu giá và tiến hành đấu giá theo hình thức công khai hoặc bỏ phiếu kín. Người trúng thầu là người cuối cùng trả giá cao nhất và giá này phải cao hơn giá sàn.

Đối chiếu với trình tự trên, ông Nguyễn Văn Thái thừa nhận Trường BCVT đã bỏ qua nhiều bước. Cụ thể: Nhà trường không gửi văn bản xin ý kiến đơn vị chủ quản về việc đấu giá 3 cây sưa; thông tin về phiên đấu giá chỉ được nhà trường công bố thông qua một giấy thông báo chứ chưa được đưa lên báo, đài trong 3 lần...

Về mức giá khởi điểm (giá sàn) trong phiên đấu giá là 80 triệu đồng, ông Thái thừa nhận Trường BCVT đưa ra mức giá này sau khi tham vấn bằng... miệng một vài người. “Chúng tôi có hỏi mấy anh kiểm lâm, mấy anh ấy nói áng chừng 60, 70 triệu đồng... nên chúng tôi đưa ra giá sàn như vậy” - ông Thái cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, khâu đăng ký đấu giá trong vụ việc này cũng rất “có vấn đề”: Ngày 15/12, Trường BCVT mới phát hành giấy thông báo đấu giá (không rõ có bao nhiêu người được đọc - PV), vậy nhưng nhà trường lại quy định ứng viên phải nộp hồ sơ trước 10h ngày 16/12! Do đó, 14h ngày 16/12, phiên đấu giá đã diễn ra chỉ với 5 người may mắn biết mà tham dự!

Về việc này, ông Thái thừa nhận rằng sau hạn chốt nộp hồ sơ, có rất nhiều người đến bày tỏ nguyện vọng tham gia đấu giá và đều bị từ chối. Thêm nữa, việc đấu giá chỉ diễn ra trong một vòng, bằng hình thức bỏ phiếu kín nên người trúng đấu giá đã chiến thắng với mức giá được cho là quá rẻ so với giá trị của 3 cây gỗ sưa: 460 triệu đồng!

Diễn biến sự việc sẽ được PLVN tiếp tục cập nhật.

Bùi Thọ Phước

Đọc thêm