Cả nhà tứ tán lang thang
Điện thoại đến đường dây nóng 091.357.7883 của Pháp luật & Thời đại là tiếng khóc của một cô gái: “Xin hãy giúp đỡ gia đình em! Ba em bị bỏng rất nặng, nếu không có tiền chữa trị thì ba em chết mất”.
Đón chúng tôi ngay cổng bệnh viện là một cô gái với ánh mắt buồn rười rượi. Cô là Dương Thị Quỳnh Anh (SN 1994), cất giọng buồn: “Bác sĩ nói chỉ cần chậm chút nữa là ba em chết rồi. Bây giờ ông đang phải nằm cách ly tại phòng điều trị đặc biệt”.
Quỳnh Anh nghẹn ngào kể về cuộc sống truân chuyên của gia đình mình. Thời thanh niên trai tráng, bố cô là một tài xế xe khách. Trong một chuyến xe duyên phận, ông đã gặp mẹ cô, một người con gái xinh hiền rồi đem lòng thương yêu.
Nhưng đến năm 2006 thì họ chia tay nhau, người vợ dắt 3 đứa con dứt áo ra đi không lời từ biệt. Từ ngày vợ con bỏ đi, ông Hon luôn đắm chìm trong những cơn say để quên đi sự đời. Sống buồn tủi cô đơn, lại không nhà, ông gõ cửa từng nhà người quen xin được tá túc. Chẳng có ai nuôi một người ăn nhờ ở đậu suốt thời gian dài, mỗi nhà ông Hon chỉ ở dăm bửa nửa tháng rồi lại gói gém ra đi.
Mười sáu tuổi, cô bé Quỳnh Anh ngày đó đã theo mẹ mưu sinh khắp nẻo đường Sài Gòn. Bốn mẹ con bươn chải đủ nghề để kiếm từng miếng ăn. Ước mong về một gia đình đầm ấm có đầy đủ ba mẹ là ước muốn xa xỉ của những đứa trẻ.
Năm 2013, tai ương bắt đầu giáng xuống gia đình khi người mẹ phát hiện mình mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Nằm bệnh viện chưa được bao lâu, mẹ Quỳnh Anh qua đời. Không một xu dính túi, chiếc quan tài cũng phải nhờ làng xóm xung quanh góp tiền mua cho.
Người làm công gặp nạn,ông chủ thờ ơ bỏ mặc
Về phần ông Hon, sau bao nhiêu năm lê dép đi ở nhờ từ nhà bà con này sang bà con nọ, đầu năm 2013, ông xin về nương nhờ ở nhà người bạn thân từ tấm bé tên Vũ (ở đường Ngô Đức Kế).
Hai chị em Quỳnh Anh |
Quỳnh Anh kể: "Hàng ngày ba làm phụ bàn, rửa chén đĩa, lau dọn… cho quán lẩu bò của ông Vũ không lương. Tối đến, ba không được vào nhà ngủ mà lạnh lẽo dưới đất ngoài hiên cửa quán. Nhìn cảnh ba như vậy là lòng em như xát muối. Muốn đưa ba về sống chung nhưng không thể vì em còn có nhà chồng”.
Đến bây giờ Quỳnh Anh vẫn nhớ như in cái cảm giác nghẹn thắt ở lồng ngực khi được ông Vũ báo tin: “Bố mày bị ốm rất nặng, lên mà đưa bố mày về gấp”. Cô chạy tức tốc đến, chết lặng khi thấy bố nằm dài bất tỉnh dưới nền đất. Cơ thể được đắp hờ bằng chiếc chăn đã cũ kĩ, bẩn thỉu. Mặt này ông Hon lở loét, mắt không nhắm lại được, da căng bọng nước đến nỗi kiến, ruồi nhặng bu đầy.
Chủ quán cho rằng ông Hon bị bỏng nặng khi bưng nồi nước sôi trong tình trạng nhậu xỉn, đi loạng choạng, cắm đầu vào nồi nước sôi. Từ ngày ông Hon đi bệnh viện, ông chủ quán lẩu dê cũng không một lời hỏi thăm.
Gửi con cho một người bế hộ, Quỳnh Anh vội vàng kêu taxi đưa bố vào bệnh viện Lê Lợi (TP. Vũng Tàu). Sau khi sơ cứu xong, ông được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Trước khi đi, cô vét sạch tiền trong nhà nhưng chỉ có 94 nghìn đồng mang theo làm lộ phí. “Các bác sĩ yêu cầu em thanh toán tiền viện phí, nhưng không có tiền nên em “mặt dày” xin khất. May sao họ thương tình, lo cho tính mạng của ba em nên nhanh chóng cho chuyển đi”, cô nhớ lại.
Cầm một xấp hóa đơn tiền viện phí, hai chị em Quỳnh Anh lo lắng không biết xoay xở ra sao. Từ ngày đưa bố vào bệnh viện, em gọi điện khắp nơi cầu cứu. Những bữa ăn túc trực trên bệnh viện, chị em cô chỉ biết mong chờ những hộp cơm từ thiện.
Quỳnh Anh ngẹn ngào: “Bác sĩ bảo bố em bị bỏng độ 2 nhưng gan yếu nên càng khó phục hồi hơn so với người bình thường. Không có tiền, bệnh viện không thể cho ba em thuốc tốt hơn được. Cầu mong ông trời đừng cướp mất người ba đáng thương của em!”./.