Số phận thủy tinh và ước mơ chuồn chuồn

Số phận thủy tinh đã chọn chị. Nhưng, thay vì cảm thán nỗi bất hạnh, chị lại tự hào kể với tôi về câu lạc bộ người khuyết tật do chị sáng lập và những gì chị đã làm được cho câu lạc bộ trên chính mảnh đất quê hương mình.

Số phận thủy tinh đã chọn chị. Nhưng, thay vì cảm thán nỗi bất hạnh, chị lại tự hào kể với tôi về câu lạc bộ người khuyết tật do chị sáng lập và những gì chị đã làm được cho câu lạc bộ trên chính mảnh đất quê hương mình.

Số phận thủy tinh   

Đó là chị Phạm Tú Anh - người tôi đã gặp trong chuyến công tác tại Thái Bình. Hiện chị đang sống với bố mẹ tại Tổ 6, Thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình. Chị là con thứ hai trong một gia đình có bốn anh chị em. Số phận không may đã cướp đi quyền được chạy nhảy, nô đùa với chúng bạn ngay từ khi lọt lòng. 40 năm sống chung với căn bệnh xương thủy tinh, 40 năm ấy chị dí dỏm ví như một bộ phim truyền hình dài tập, có lúc cao trào đến nghẹt thở có lúc chan chứa đầy yêu thương…

x
Phạm Tú Anh với những con chuồn chuồn tre

Nhớ lại cuộc sống ngày đó vô cùng khó khăn, ước mơ một lần được cắp sách tới trường lúc nào cũng thường trực. Nhưng thương bố mẹ vì còn phải lo cho các em và sớm ý thức tình trạng của căn bệnh xương thủy tinh quái ác, chị quyết tâm rèn cho mình một lối sống cứng cáp để không là gánh nặng cho những người thân xung quanh.

Dù chưa một lần được tới lớp nhưng chị tự học chữ, làm toán một cách miệt mài, hăng say. Có chỗ nào vướng mắc không hiểu chị lại nhờ mẹ hoặc em giảng giải. Thế là em đi học chị cũng được học, cuộc sống vậy mà vui... Cộng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ chị còn học tiếng Anh và vi tính rất khá. Nhờ vậy mà chị có thể giao tiếp, truy cập internet thành thạo. Mở rộng hiểu biết về thế giới bên ngoài.

Tiếp xúc với chị, tôi nhận thấy ở đôi mắt tròn sáng sự tự tin, bản lĩnh và nghị lực phi thường. Trong sinh hoạt cá nhân, chị hoàn toàn có thể tự lo cho bản thân. Ít thấy chị bị phụ thuộc bởi ai. Tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe chị chia sẻ: “Chị không nhớ nổi số lần bị gãy chân gãy tay nữa, khoảng một năm vài lần nhưng giờ thì vài năm mới bị một lần, mỗi lần như vậy bố là người bác sĩ tận tình nhất, bố chị hay dùng nẹp tre để bó cố định. Đau đớn thì khỏi nói nhưng buồn cái là phải nằm bất động một thời gian dài, mọi thứ đang làm dở dang lại phải trì hoãn.”  

Ấm áp một tấm lòng

Xuất phát từ một lần xem tivi nêu gương nhóm người khuyết tật và những lần chị nghiên cứu rất lâu trên nhiều trang diễn đàn. Chị nói với mẹ mong muốn được lên Hà Nội học hỏi cách thức hoạt động của các nhóm ra sao. Bà thấy chị quyết tâm nên chiều lòng. Chưa hết choáng ngợp trước một thành phố tấp nập ngược xuôi chị lại tiếp tục đón nhận thêm bất ngờ khi được tận mắt chứng kiến những con người say sưa hát, say sưa lao động kia cũng đang mang trên mình khiếm khuyết của số phận. Kể từ đó ước mơ thành lập câu lạc bộ khuyết tật tại quê nhà để giúp họ tự lập và lạc quan hơn trong cuộc sống cứ sục sôi, thôi thúc chị phải làm cho bằng được.

Hiện nay, câu lạc bộ người khuyết tật huyện Đông Hưng do chị chủ nhiệm đã thực sự là nơi sinh hoạt bổ ích, mang nhiều ý nghĩa cả về mặt tinh thần lẫn vật chất dành cho gần 50 hội viên.

Chị tâm sự: “Bước đầu thành lập gặp rất nhiều khó khăn, có những lúc cảm thấy mình không đủ sức để tiếp tục được nữa, nhưng vì bố mẹ và hội viên luôn sát cánh tin tưởng nên chị lấy đó như là nguồn động lực lớn nhất để cố gắng vượt qua.”

Điều đáng nói ở đây là chị đã làm cầu nối cho rất nhiều dự án sinh kế đến với hội viên. Chị trực tiếp đi học nghề và về dạy lại cho hội viên của mình. Mới đây nhất, chị tự hào kể với tôi về hai dự án sinh kế chăn nuôi và may  trong năm 2012 thu lại nhiều kết quả bất ngờ.

Giờ thì 100% hội viên trong câu lạc bộ ai cũng có nghề để sống, ai cũng coi câu lạc bộ như gia đình thứ hai của mình. Thậm chí nhờ sinh hoạt ở câu lạc bộ đều đặn nhiều đôi còn nên vợ nên chồng, sống hạnh phúc và là chỗ dựa tinh thần cho nhau. Không dừng lại ở đó, chị tiếp tục thông qua Hội liên hiệp thanh niên Tỉnh và đã xin được tổ chức cựu chiến binh Mỹ hỗ trợ chân tay giả, xe lăn… cho người khuyết tật. Phần nào giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống.

Ước mơ chuồn chuồn

Một lần đi hội, nhìn những con chuồn chuồn chị vô cùng thích thú. Nên quyết tâm học làm cho bằng được chuồn chuồn tre nhiều màu sắc đậu trên giá. Hiện giờ chị đang là cô chủ nhỏ của  “xưởng sản xuất chuồn chuồn mini” chị hài hước khoe tôi như vậy.

Để làm ra một con chuồn chuồn mất rất nhiều công đoạn: phải vót tre làm thân làm cánh, đo tỉ lệ kích thước, vuốt đuôi, rồi sơn, vẽ họa tiết, hong khô. Tất cả đều làm thủ công nhưng đòi hỏi hai yêu cầu, vừa đạt được yếu tố kĩ thuật là con chuồn chuồn phải đậu được trên giá, vừa đạt được yếu tố thẩm mĩ là con chuồn chuồn phải bắt mắt, hoa văn sinh động.

Công việc này có nhiều lúc làm chị bị đứt tay nhưng dần dần cũng quen và biết cách chú ý hơn. Nhìn những con chuồn chuồn được đóng cẩn thận thành hộp lên đến hàng trăm con. Tôi tò mò hỏi chị bán những con chuồn chuồn này ở đâu? Chị cười nói: “Tổ chức mái nhà Việt Nam sẽ mang sang Nhật Bản để bán và số tiền đó dùng để làm học bổng toàn phần cho các em học sinh nghèo vượt khó của tỉnh Thái Bình.” Hiện tại chị và một bạn nữa trong câu lạc bộ đang làm những con chuồn chuồn này, vì công việc không ai trả lương nên ít người tâm huyết. “Cứ lặng lẽ làm thôi – làm bằng cả trái tim mình. Thế là đủ!” chị nói.

Được nói chuyện với chị, tôi thấy ở chị sự nỗ lực phi thường và hơn hết là cách chị sống vì mọi người - cách chị nghĩ cho mọi người mà ngay chính bản thân những người được phát triển bình thường như chúng ta đây, đôi lúc cũng cảm thấy hổ thẹn. Chúc cho những đôi cánh chuồn chuồn của chị sẽ bay cao hơn nữa để có thể chạm đến trời xanh, mang thật nhiều ánh nắng sưởi ấm cho chính chị và cuộc đời.     

Thu Hương        

Đọc thêm