Cuộc đổi ngôi thái tử đầy kịch tính ở đất nước vàng đen

(PLO) - Được cha đưa lên bằng việc đạp đổ người anh họ nhưng Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman vẫn đang được rất nhiều người ủng hộ nhờ những chính sách tiến bộ và đầy tham vọng do ông khởi xướng và giám sát thực hiện.
Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman
Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman

Cuộc đổi ngôi bất ngờ

Ngày 22/6/2017, truyền thông Ả rập Xê-út đưa tin Thái tử của nước này Mohammed bin Nayef đã bị phế truất và bị tước bỏ tất cả các chức danh đang nắm giữ, bao gồm chức bộ trưởng bộ nội vụ. Người thay thế ông bin Nayef trở thành Thái tử là Phó Thái tử Mohammed bin Salman. 

Ông bin Nayef là con trai của Vua Abdullah đã qua đời năm 2015 còn Mohammed bin Salman là con ruột của Vua đang tại vị Salman bin Abdul Aziz Al Saud. 

Cùng với việc trở thành Thái tử, Mohammed bin Salman còn được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng thứ nhất của Ả rập Xê-út. Theo truyền thông Ả-Rập Xê-út, cuộc đổi ngôi giữa thái tử và phó thái tử của nước này đã được 31 trong số 34 thành viên hoàng tộc chấp thuận.

Việc bị phế truất được cho là đã khiến ông bin Nayef vô cùng bất ngờ. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, việc “dọn đường” cho con trai trở thành người kế vị đã được Vua Salman bắt tay vào chuẩn bị ngay khi ông lên nắm quyền vào năm 2015 thay người anh cùng cha khác mẹ là Vua Abdullah vừa qua đời. 

Vào đêm 21/6/2017, Thái tử bin Nayef được triệu tập đến gặp Vua Salman ở cung điện hoàng gia trong thánh đường Mecca. Tại đây, ông bị Vua Salman và những thành khác trong hoàng gia đề nghị từ bỏ chức vị thái tử với lý do sức khỏe ngày một xấu, cộng thêm chứng bệnh nghiện thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đến khả năng làm việc. Bin Nayef ban đầu từ chối nhưng sau đó buộc phải chấp nhận. Ngay sau đó, Nhà vua đã cử sứ giả đến nhà của các thành viên trong hoàng tộc để thu thập chữ ký của họ.

Đến sáng 22/6, sau khi thông tin bị phế truất được công bố, bin Nayef đã rời Mecca đến cung điện của ông ở thành phố cảng Jida nhưng không được phép rời đất nước. 

Truyền thông Ả rập Xê-út đăng tải hình ảnh tân Thái tử Mohammed bin Salman hôn lên tay người tiền nhiệm, báo hiệu cuộc chuyển giao quyền lực suôn sẻ. Nếu mọi việc diễn tiến theo đúng dự định, khi được cha truyền lại ngôi báu, Mohammed bin Salman sẽ là nhà vua trẻ nhất của nhà nước Ả rập Xê-út bởi Nhà vua hiện tại đã 82 tuổi.

Thái tử Mohammed bin Salman sinh năm 1985, là con trai cả của Nhà Vua Salman bin Abdul Aziz Al Saud với người vợ thứ 3 tên Fahdah bint Falah bin Sultan. 

Theo truyền thông sở tại, khi còn đi học, vị thái tử này đã có thành tích vô cùng ấn tượng. Ở cấp trung học, ông là 1 trong 10 học sinh xuất sắc nhất của Ả rập Xê-út. Khi tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Nhà Vua Saud ở thủ đô Riyadh, ông xếp vị trí thứ 2 trong lớp. Sau khi ra trường, Mohammed bin Salman đã mở một số công ty trước khi chuyển sang làm việc trong một số cơ quan của nhà nước. Năm 2009, khi cha ông đang là Thống đốc Riyadh, ông được bổ nhiệm làm cố vấn đặc biệt cho cha.

Quyền lực của Mohammed bin Salman bắt đầu tăng lên vào năm 2013, khi ông được chỉ định làm người đứng đầu Hội đồng Thái tử. Năm 2015, sau khi cha lên ngôi, ông trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, là bộ trưởng quốc phòng trẻ nhất trên thế giới. 

Cùng với đó, ông cũng giữ các chức vụ Phó Thái tử, Phó Thủ tướng thứ 2 của Ả rập Xê-út. Kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch Hội đồng các Vấn đề Kinh tế và Phát triển của Ả rập Xê-út, Mohammed bin Salman trở thành người giám sát các vấn đề kinh tế và định hình các chính sách chính trị, an ninh của vương quốc này. 

Đến thời điểm này, Mohammed bin Salman đã trở thành một trong những nhân vật quyền lực nhất ở Ả rập Xê-út. Ông từng được tạp chí Forbes Trung Đông bầu chọn là nhân vật của năm vì những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy sự phát triển của đất nước cũng như tăng cường vị thế của người trẻ ở đây.

Đẩy mạnh chống tham nhũng

Sau khi trở thành Thái tử, Mohammed bin Salman đã tìm cách đẩy mạnh các kế hoạch nhằm tự do hóa kinh tế và xã hội mà ông vạch ra. Trong đó, bước đầu tiên được ông thực hiện là đảo ngược chính sách cắt giảm lương, trợ cấp và các khoản hỗ trợ tài chính khác đối với công chức và nhân viên quân sự được áp dụng khi giá dầu giảm năm 2016 nhằm thúc đẩy tinh thần làm việc của công chức. 

Động thái gây tiếng vang lớn của vị Thái tử này là cuộc trấn áp nạn tham nhũng được tiến hành sau khi Ủy ban tối cao do ông đứng đầu nhằm chống tham nhũng được thành lập. 

Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman
Thái tử Ả rập Xê-út Mohammed bin Salman

Chỉ ít giờ sau khi Ủy ban này được thành lập, ngày 5/11, trong một vụ việc được mô tả là chưa từng có tiền lệ tại Ả rập Xê-út, 208 người đã bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng, trong đó có 4 bộ trưởng, 11 hoàng tử và nhiều quan chức, cựu quan chức của Ả rập Xê-út. 

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Ả rập Xê-út Adel al-Jubeir, những người này bị cáo buộc đã đánh cắp khoảng 100 tỉ USD từ ngân khố quốc gia. 

Song, trong khi được nhiều người ủng hộ vì việc mạnh tay chống tham nhũng thì Thái tử Mohammed cũng vấp phải không ít chỉ trích cho rằng đây thực chất chỉ là động thái của ông nhằm thanh trừng các đối thủ có khả năng tranh giành vị thế với ông, từ đó củng cố quyền lực cho bản thân.

Người khởi xướng những cải cách

Bên cạnh đó, Mohammed bin Salman cũng là người khởi xướng kế hoạch có tên Tầm nhìn 2030 đầy tham vọng và bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống với mục đích đưa Ả rập Xê-út trở thành một cường quốc khu vực hùng mạnh, chấm dứt tình trạng “nghiện” dầu mỏ đồng thời cải thiện danh tiếng của nước này trên trường quốc tế. 

Trong đó, về mặt kinh tế, bản kế hoạch đề ra mục tiêu tăng nguồn thu từ các nguồn không phải dầu mỏ của Ả rập Xê-út từ 163,5 tỉ riyal năm 2015 lên thành 600 tỉ riyal (tương đương 160 tỉ USD) vào năm 2020 và 1.000 tỉ riyal vào năm 2030. 

Thái tử này cũng cho biết muốn lập một quỹ tài sản chủ quyền lớn nhất thế giới, có giá trị lên đến 3.000 tỉ USD với nguồn tiền dự định được lấy việc cổ phần hóa công ty dầu khí nhà nước Saudi Aramco.

Về mặt xã hội, bản kế hoạch đề ra các biện pháp để phát triển xã hội theo hướng khoan dung, sáng tạo về văn hóa và hòa giải với thế giới thông qua việc thay đổi môi trường sư phạm, tăng cường sự tham gia của nữ giới trong lực lượng lao động và đầu tư vào lĩnh vực giải trí nhằm giúp tạo việc làm cho người trẻ. 

Ở khía cạnh này, hàng loạt những chính sách tiến bộ, cởi trói cho phụ nữ ở đất nước vốn nổi tiếng về vấn đề bảo thủ này đã được ban hành. Ví dụ, tháng 9/2017, Ả rập Xê-út trở thành nước cuối cùng trên thế giới cho phép phụ nữ được lái xe. 

Quyết định nói trên đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Ả rập Xê-út và các nước trên thế giới nhưng vấp phải phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập bảo thủ trong nước. Vài tháng sau khi nghị định bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe được ban bố, Ả rập Xê-út cũng đã lần đầu tiên tổ chức chương trình triển lãm xe hơi chỉ dành riêng cho phụ nữ.

Tiếp sau đó, đến tháng 1/2018, lần đầu tiên trong lịch sử, chính phủ Ả rập Xê-út đã cho phép phụ nữ đi xem đá bóng. 1 tháng sau, Ả rập Xê-út cũng đã mở cửa để phụ nữ nộp đơn xin gia nhập quân đội. 

Tháng 12/2017, giới chức Ả rập Xê-út cũng thông báo sẽ cho phép các rạp chiếu phim mở cửa trở lại vào năm 2018 sau gần 40 năm bị cấm ở nước này. Đây được xem là một chuyển biến lớn ở Ả rập Xê-út sau khi các rạp chiếu phim ở nước này vào đầu những năm 1980 đã bị đóng cửa do làn sóng bảo thủ cực đoan. 

Nhiều giáo sĩ Ả rập Xê-út khi đó đã coi các bộ phim của phương Tây, thậm chí kể cả phim của các nước trong thế giới Ả rập, cũng bị coi là tội lỗi. 

(còn nữa)

Đọc thêm