Sự kiện lịch sử này đã ghi một dấu ấn sâu đậm về lòng dũng cảm của chiến sĩ và nhân dân Xô Viết, và là một cột mốc lịch sử quan trọng của toàn nhân loại.
Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”
Ngược thời gian, trở lại thời điểm ngày này cách đây 75 năm, sau khi chiếm hầu hết châu Âu, phát xít Đức đã xóa bỏ mọi điều ước đã ký kết trước đó giữa hai nước, tung một lực lượng mạnh nhất bao gồm bộ binh, thiết giáp, không quân bất ngờ tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh Liên Xô-Đức bắt đầu và cũng mở màn cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại và thiêng liêng của nước Nga. Kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng nghìn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt, cuộc Chiến tranh Vệ quốc đã lôi cuốn hàng triệu người con của Liên bang Xô Viết cùng nhân dân các quốc gia châu Âu tham gia.
Sau những năm tháng chiến đấu trong điều kiện bất lợi, phía Liên Xô đã phải chịu những tổn thất nặng nề. Quân Đức triển khai chiến dịch bao vây đánh chiếm Moskva mang tên "Bão biển” từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/1941 và dự định chiếm thủ đô của nước Nga trước ngày 7/11/1941. Để thực hiện kế hoạch này, máy bay Đức liên tục ném bom oanh kích Moskva. Một bộ phận quân Đức đã chọc thủng hai vị trí thuộc phòng tuyến bảo vệ Moskva. Và ở một số vị trí, quân Đức chỉ còn cách thủ đô Liên Xô khoảng 25-30 km.
Hình ảnh cuộc duyệt binh ngày 7/11/1941. |
Tình hình thời điểm bấy giờ căng thẳng đến mức một bộ phận các cơ quan chính phủ và đoàn ngoại giao tại Matxcơva đã sơ tán về Kuibyshev từ giữa tháng 10. Từ ngày 20/10, thủ đô Liên Xô chuyển sang bố trí phòng thủ và Moskva đã chuẩn bị sẵn sàng cho các trận đánh ngay trên đường phố, với lực lượng phòng thủ gồm quân đội và khoảng 450 nghìn người dân.
Lời người “trong cuộc”
Trước tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Liên Xô vẫn quyết định tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm Cách mạng tháng 10 vào ngày 7/11/1941 tại Quảng trường Đỏ như truyền thống bao năm trước đó. Đây là một sự kiện đột phá, có tác dụng cực kỳ lớn lao khích lệ tinh thần quân và dân Liên Xô vào thời điểm nước sôi lửa bỏng.
Theo lời kể của thượng tướng không quân Nikolai Sbytov khi đó là Tư lệnh Phòng không Moska, Stalin đã quyết định việc này vào cuối tháng 10 - đầu tháng 11 sau khi tham khảo ý kiến của các tướng lĩnh và phân tích tình hình tiền phương cũng như hậu phương.
Ngày 28/10, Stalin triệu tập tướng Artemiev - Tư lệnh Quân khu Moskva, tướng Zhigarev - Tư lệnh Binh chủng Không quân, tướng Gromadin - chỉ huy đơn vị Phòng không khu vực Moskva và tướng Sbytoc - Tư lệnh Binh chủng Phòng không tới Điện Kremli.
Ông hỏi các vị tướng: "Sắp đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 10, chúng ta sẽ tổ chức duyệt binh ở Moskva chứ?". Câu hỏi của Tổng tư lệnh quân đội làm tất cả bất ngờ khiến không ai có thể đáp lời - tuy duyệt binh vào ngày 7/11 là truyền thống của Liên Xô hàng năm, nhưng năm 1941 quá đặc biệt khiến không có ai lúc đó nghĩ đến khi mà những cây cầu bắc qua kênh đào Moskva - Volga và các nhà máy như "Tháng Mười Đỏ, TMZ… đều đã được đặt mìn. Stalin nhắc lại câu hỏi tới lần thứ ba thì mọi người mới bừng tỉnh, đồng thanh đáp: "Vâng, tất nhiên là có. Điều đó sẽ khích lệ tinh thần quân sĩ và hậu phương!".
Hình ảnh cuộc duyệt binh ngày 7/11/1941. |
Theo đại tá Ivan Basik - lãnh đạo Viện lịch sử quân sự Nga - Stalin đã bàn thảo với Nguyên soái Zhukov hai lần về vấn đề này. Cuối tháng 10, ông gọi Nguyên soái từ mặt trận về Moskva để hỏi xem tình hình mặt trận có cho phép tổ chức duyệt binh vào ngày 7/11 hay không.
Nguyên soái Zhukov báo cáo, trong những ngày tới quân địch sẽ không có khả năng tổ chức những đợt tấn công lớn do bị tiêu hao lực lượng trong các trận đánh gần Moskva, đang chờ bổ sung cũng như biên chế lại các cánh quân. Để đối phó với hoạt động oanh kích của không quân Đức, cần tăng cường lực lượng phòng không và bổ sung cho Moskva đội máy bay tiêm kích từ các mặt trận lân cận.
Trở lại vị trí chỉ huy chiến trường, nguyên soái Zhukov còn cử trinh sát đi bắt sống quân Đức để khai thác thêm thông tin. Một sĩ quan Đức bị bắt đã khai, quân Đức tiến đánh Moskva theo kế hoạch tấn công hòng giành thắng lợi chớp nhoáng trong chiến dịch "Bão biển” nên không mang theo áo ấm và đang khốn đốn vì giá rét, phải điều gấp quân trang chống rét cho các sĩ quan bằng lễ phục đội hậu cần mang theo để chuẩn bị cho cuộc "duyệt binh thắng lợi chiếm Moskva" dự định ngày 7/11 tại Quảng trường Đỏ của Liên Xô.
Zhukov gửi hỏa tốc cho Stalin mấy dòng mật thư viết bằng bút chì hóa học trên mảnh giấy tiêu đề thư của văn phòng tham mưu: "Quân Đức đã mất tinh thần. Chúng không thể tấn công trong thời gian tới. Zhukov". Chỉ sau khi nhận được mảnh giấy đó, Stalin mới chính thức có quyết định tổ chức duyệt binh ngày 7/11.
Lễ duyệt binh huyền thoại
Đúng 7h50 ngày 7/11/1941, Stalin và các thành viên chính phủ Liên Xô bước ra lễ đài. Tham gia lễ duyệt binh lịch sử này gồm có 15 chiếc xe tăng T-34; các tiểu đoàn học viên Trường Sĩ quan Chính trị Quân khu; Trường Sĩ quan Pháo binh cờ đỏ; trung đoàn thuộc Sư đoàn Bộ binh số 2 của Quân khu Moskva; trung đoàn thuộc Sư đoàn 332 mang tên Frungie; các đơn vị bộ binh, kỵ binh và xe tăng thuộc Sư đoàn mang tên Dzeginski; tiểu đoàn đặc biệt của Hội đồng quân sự Bộ Quốc phòng; Tiểu đoàn cận vệ Cờ Đỏ; hai trung đoàn pháo binh thuộc khu vực phòng thủ Moskva; Trung đoàn phòng không; hai tiểu đoàn xe tăng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh và một số đơn vị khác.
Đích thân chủ trì và phát biểu tại buổi lễ, Stalin nhấn mạnh, cuộc chiến tranh mà Liên Xô đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, chiến tranh chính nghĩa. Nhân danh Ðảng và Nhà nước Liên Xô, Stalin kêu gọi các chiến sĩ Xô Viết: "Các dân tộc bị nô dịch của châu Âu đang sống dưới ách của bọn xâm lược Ðức trông chờ vào các đồng chí như là những người sẽ giải phóng cho họ. Sứ mệnh giải phóng vĩ đại đã trao cho các đồng chí. Các đồng chí hãy tỏ ra xứng đáng với sứ mệnh đó... Dưới ngọn cờ của Lê nin, tiến lên giành thắng lợi!"
Đối với toàn thể nước Nga cuộc duyệt binh này là một sự kiện bất ngờ, một niềm hân hoan cực độ. Đó là cuộc duyệt binh truyền thống, nhưng thật khác thường và đầy ý nghĩa. Lễ duyệt binh này là lời thách thức, miệt thị kẻ thù, là lễ duyệt binh diễn ra vào buổi bình minh của Chiến thắng, tuy còn rất xa, nhưng đã được linh cảm là sẽ đến. Nó nâng tinh thần nhân dân lên một tầm cao chưa từng có, và đồng thời cũng giáng một đòn trí mạng vào tinh thần quân phát xít.
Diễn ra chỉ vỏn vẹn trong 25 phút, lễ duyệt binh năm 1941 không chỉ là lễ duyệt binh ngắn nhất trong số các lễ duyệt binh trong lịch sử Liên Xô trước đây mà còn là lễ duyệt binh mạo hiểm nhất. Bởi lẽ, ngay sau đó, từ các lễ hội trên Quảng trường Đỏ, các chiến sĩ Hồng quân đã tiến thẳng ra tiền tuyến, cách thủ đô Moskva không xa, để viết nên trang sử bất hủ, mở ra cục diện mới cho Chiến tranh thế giới thứ II.
Phần diễu hành của các quân nhân trong quân phục, vũ khí năm 1941. |
Ngày 5/12/1941 đã đánh dấu việc quân đội Liên Xô phản công, và kẻ thù phải lùi xa, cách Moskva 250-300 km. Tiếp đó, quân đội Liên Xô từng bước đánh bại hoàn toàn quân Đức trên các mặt trận và trong các trận đánh quyết định: Trận Stalingrad (mùa Đông 1942), Vòng cung Kursk (1943)… Tới cuối năm 1944, quân đội Liên Xô giành lại phần lớn lãnh thổ bị Đức chiếm đóng.
Trên đà thắng lợi, quân đội Liên Xô không chỉ giải phóng Tổ quốc mình mà còn giải phóng một loạt nước Đông Âu khỏi ách phát xít Đức, tiến thẳng tới Berlin vào năm 1945, buộc quân Đức phải đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt cuộc chiến tranh khốc liệt nhất trong lịch sử nhân loại.
Cho đến nay, các chuyên gia quân sự và các nhà sử học Nga cũng như toàn thế giới đều đánh giá, cuộc duyệt binh nãm 1941 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cuộc chiến ngang với một chiến dịch quân sự. Nó cho cả thế giới thấy rõ Moskva trong thời điểm khó khăn ác liệt của thời kỳ đầu chiến tranh ấy vẫn đứng vững và chắc chắn sẽ chiến thắng.
75 năm đã đi qua nhưng phẩm chất của những người lính Xô Viết vẫn sáng mãi trong lòng những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Hiện, vào ngày 7/11 hàng năm, nước Nga vẫn thường tổ chức lễ kỷ niệm cuộc duyệt binh huyền thoại cách đây 75 năm. Tại đây, những cảnh duyệt binh của chiến sỹ Hồng quân Liên Xô năm xưa đã được tái hiện lại rất hoành tráng. Ngày 7/11 cũng được Nga lấy làm Ngày Vinh quang người lính.